Báo Trung Quốc: Quan hệ Trung-Mỹ có thể gặp thách thức lớn hơn về dài hạn dưới thời Biden

Quốc tế - Ngày đăng : 12:00, 08/11/2020

Thời báo Hoàn Cầu, ấn phẩm phụ của Nhân dân Nhật Báo – cơ quan ngôn luận đảng Cộng sản Trung Quốc, nhận định như vậy trong bài xã luận trước thời điểm nhiều hãng tin Mỹ công bố ông Joe Biden đắc cử tổng thống tối qua.

Khoảng 23 giờ 25 tối 7.11 (11 giờ 25 sáng 7.11 giờ Mỹ), CNN và AP đồng loạt đưa tin ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ thứ 46 sau khi thắng ở bang chiến trường Pennsylvania và có 273 phiếu đại cử tri.

Không lâu sau, ông Biden đã gửi đi thông điệp cảm ơn sự ủng hộ từ cử tri: "Tôi xin cúi mình trước sự tin tưởng mà người dân Mỹ đã gửi gắm nơi tôi và Phó tổng thống mới đắc cử Kamala Harris. Khi chiến dịch tranh cử kết thúc, đã đến lúc trút bỏ bực dọc và chỉ trích để xích lại gần nhau. Đã đến lúc nước Mỹ đoàn kết và hàn gắn. Chúng ta là nước Mỹ và không có gì chúng ta không thể làm nếu sát cánh cùng nhau”.

30 phút trước khi có tin ông Biden đắc cử Tổng thống Mỹ, Thời báo Hoàn cầu đăng bài xã luận cho rằng quan hệ Trung - Mỹ có thể đối mặt với thách thức lớn hơn trong dài hạn dưới thời Biden. Nội dung như sau:

Tính đến hết ngày 6.11, Biden đã tích lũy được hơn 74 triệu phiếu bầu, trong khi Trump đã nhận được gần 70 triệu - nhiều nhất và nhiều thứ hai trong lịch sử của Mỹ, theo báo cáo từ truyền thông. Điều này báo hiệu rằng xã hội Mỹ đã bị chia rẽ sâu sắc. Sự phản đối cực đoan về quan điểm và lập trường của nhau khiến cả hai bên vận động, thúc giục đông đảo công dân Mỹ chủ động tham gia bỏ phiếu.

Sự chia rẽ chính trị cao ở Mỹ sẽ đặt ra thách thức đáng kể cho chính phủ mới. Số phiếu bầu đáng kể mà ông Trump nhận được cho thấy Mỹ có một lượng lớn cử tri bảo thủ.

Ở một mức độ lớn, chúng sẽ ngăn cản chính phủ kế tiếp trong việc hoạch định và thực hiện các chính sách của mình về đối nội, đối ngoại nếu Biden trở thành Tổng thống Mỹ tiếp theo.

Biden là thành viên đảng Dân chủ ôn hòa và có ý chí hàn gắn sự chia rẽ xã hội. Nếu nhậm chức, ông ta dự kiến ​​sẽ có bài phát biểu, cam kết rằng sẽ thống nhất công chúng. Tuy nhiên, trên thực tế, sự chia rẽ xã hội của Mỹ rất khó khắc phục, đặc biệt là về một số vấn đề nhạy cảm trong nước, chẳng hạn như chăm sóc sức khỏe, mua bán súng và phá thai.

Biden sẽ gặp một tình huống khó khăn. Trong nội bộ đảng Dân chủ, phía cánh tả như Bernie Sanders và Elizabeth Warren, sẽ gây áp lực lên Biden để thực hiện các chính sách phù hợp với lợi ích của đảng Dân chủ. Tuy nhiên, gần một nửa số người Mỹ ủng hộ đảng Cộng hòa sẽ không tán thành các động thái cánh tả, điều này sẽ kìm hãm việc thực hiện các chính sách của họ. Hơn nữa, vì Biden đã 77 tuổi, người ta nghi ngờ liệu ông có đủ năng lượng và khả năng để thu hẹp khoảng cách hay không.

Trong 4 năm qua, Trump đã áp dụng các quan niệm chính trị và mô hình quản trị đa dạng, bao gồm quyền tối thượng của người da trắng, chủ nghĩa dân túy, hùng biện khiêu khích, cường điệu chủ nghĩa bảo hộ và không tôn trọng khoa học. Những điều này đã góp phần tạo nên khái niệm về chủ nghĩa Trump. Số lượng lớn phiếu bầu cho Trump phản ánh chủ nghĩa Trump có một lượng lớn người theo ở Mỹ.

Ngay cả khi Trump không được tái đắc cử, các động thái trước đó của ông sẽ ảnh hưởng một cách sâu sắc đến Mỹ trong tương lai. Ví dụ, Trump đã bổ nhiệm ba thẩm phán Tòa án Tối cao, đưa tòa án cao nhất của Mỹ có đa số theo phe bảo thủ (6-3). Điều này sẽ đóng một vai trò lớn trong việc thúc đẩy chương trình nghị sự bảo thủ của Mỹ và kiềm chế chính quyền Biden.

Cách làm của ông Trump in đậm dấu ấn không chỉ đối nội mà còn cả đối ngoại. Ít có khả năng chính quyền Biden từ bỏ tất cả các thông lệ ngoại giao của chính quyền Trump. Dù vậy, chính sách "Nước Mỹ trên hết" cùng những diễn ngôn và động thái của Trump với Trung Quốc đã làm suy yếu nghiêm trọng lợi ích của cả Mỹ và các đồng minh. Lòng tin chiến lược lẫn nhau của Mỹ với các nước khác, đặc biệt là các đồng minh, đã bị suy giảm. Điều này sẽ tạo ra trở ngại lớn cho chính quyền Biden trong việc củng cố hệ thống liên minh và vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ.

Về chính sách đối ngoại, có một số cách tiếp cận truyền thống của đảng Dân chủ, bao gồm nhấn mạnh hợp tác đa phương, củng cố vai trò lãnh đạo của Mỹ và tham gia vào quản trị toàn cầu. Có thể tăng cường đối thoại với Trung Quốc và căng thẳng song phương Trung-Mỹ sẽ giảm bớt ở một mức độ nào đó, nhưng phe Dân chủ chắc chắn sẽ vấp phải sự phản kháng của phe bảo thủ.

Nhìn chung, cả hai bên đều ở cùng một phía trong cách đối phó với Trung Quốc. Cả hai đều coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược của mình và nhằm mục đích kiềm chế Trung Quốc với các phương tiện và chiến thuật đa dạng.

Trong ngắn hạn, quan hệ của Trung Quốc với Mỹ sẽ bớt căng thẳng hơn. Song về lâu dài, quan hệ song phương sẽ đối mặt với thách thức lớn hơn khi Biden đề cao sự lãnh đạo của Mỹ.

quan-he-trung-my-co-the-gap-thach-thuc-lon-hon-ve-dai-han-duoi-thoi-biden.jpg
Dưới thời ông Biden, quan hệ Mỹ-Trung có thể đối mặt với thách thức lớn hơn về dài hạn

Hôm 2.11, Thời báo Hoàn Cầu cũng đăng bài xã luận cho rằng: “Cuộc bầu cử ở Mỹ không quá quan trọng với Trung Quốc. Người Trung Quốc đừng hy vọng rằng nếu ông Jode Biden thắng cử thì mối quan hệ Trung - Mỹ sẽ tốt lên. Chúng ta phải là một lực lượng bất khả chiến bại và khi đó Mỹ cuối cùng có thể chấp nhận cạnh tranh hòa bình với Trung Quốc theo đúng quy tắc. Nói cách khác, hợp tác hòa bình giữa hai nước chỉ có thể ổn định khi Mỹ thấy rằng chung sống hòa bình với Trung Quốc là lựa chọn tốt nhất của họ, hoặc ít tồi tệ nhất”. Xem chi tiết tại đây.

Đến nay, chưa thấy Thời báo Hoàn Cầu đăng tin bài gì đến việc ông Biden đắc cử Tổng thống Mỹ.

Hôm 6.11, Đại sứ Trung Quốc tại Seoul (Hàn Quốc) nói Trung Quốc hy vọng rằng sẽ không phải đối đầu với Mỹ bất kể ông Trump hay Biden trở thành tổng thống tiếp theo. Xem chi tiết tại đây.

Nhân Hoàng