Rừng ngập mặn - Bài cuối: Chung tay xanh hóa rừng ngập mặn vùng ĐBSCL
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 18:00, 26/11/2023
Với sự hợp tác với MangLub VN (đơn vị hợp tác trồng rừng của Hàn Quốc) cùng với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, mục đích trồng hàng triệu cây RNM trước nguy cơ biến đổi khí hậu từng bước được thực hiện ở ĐBSCL.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Trà Vinh với sự nỗ lực kiên trì và hợp tác với các doanh nghiệp trong, ngoài nước để bảo vệ và phát triển RNM, đến nay Trà Vinh đã có 9.538ha RNM, tăng 4.610ha so với năm 1992.
Ông Nguyễn Vũ Phương, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm (Sở NN-PTNT Trà Vinh), cho biết Công ty MangLub Việt Nam đang thực hiện dự án trồng RNM ở Trà Vinh khá hiệu quả. Theo hợp tác của đơn vị này với tỉnh Trà Vinh, MangLup Việt Nam nhận đất của tỉnh để thực hiện dự án trồng RNM.
Thời gian giao đất cho Công ty MangLub Việt Nam thực hiện dự án là 4 năm, trong đó gồm 1 năm trồng, 3 năm bảo quản cho cây lớn. Khi hoàn thành hợp đồng, công ty này sẽ giao đất RNM lại cho tỉnh quản lý.
Với những cư dân và nông dân ven biển trong vùng bãi bồi do Công ty MangLub Việt Nam thực hiện, họ sẽ nhận khoán trồng rừng cho đơn vị này theo tinh thần hợp tác đôi bên cùng có lợi. Họ được hưởng lợi từ số cây trồng, chăm sóc và trồng mới nếu cây bị chết theo hình thức giao khoán. Trong thời gian họ bảo quản cây RNM những hoa lợi phát sinh họ cũng có thể được hưởng. Chính vì vậy cư dân duyên hải này sẵn sàng hợp tác.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Trà Vinh với sự nỗ lực kiên trì và hợp tác với các doanh nghiệp trong, ngoài nước để bảo vệ và phát triển RNM, đến nay Trà Vinh đã có 9.538ha RNM, tăng 4.610ha so với năm 1992.
Sau thành công bước đầu ở Trà Vinh, Công ty MangLub Việt Nam tìm hiểu, đánh giá về hoạt động trồng rừng ngập mặn tại tỉnh Sóc Trăng để triển khai, hợp tác đầu tư tiếp các hoạt động thích hợp trong tương lai.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Sóc Trăng Phan Thị Trúc Giang, tỉnh Sóc Trăng nói chung, Sở NN-PTNT, Chi cục kiểm lâm nói riêng rất hoan nghênh và luôn tạo điều kiện tốt nhất để Công ty MangLub Việt Nam xem xét tiếp tục triển khai các hoạt động đầu tư tiếp theo.
Dự án 5ha RNM ở Cù Lao Dung sắp tới đây sẽ hỗ trợ người dân địa phương rất nhiều trong việc cản gió, tránh bão và tránh sạt lở đất. Quan trọng hơn, dự án góp phần hưởng ứng chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai quốc gia.
Tỉnh Sóc Trăng với tổng diện tích tự nhiên là 3.298km2, trong đó có 6.814ha diện tích rừng phòng hộ nằm trên các huyện Cù Lao Dung, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu. Tỉnh Sóc Trăng có 72km bờ biển với các cửa sông lớn là sông Hậu và sông Mỹ Thanh, chảy qua ba nhánh cửa sông lớn là Định An, Trần Đề và Mỹ Thanh đổ ra biển Đông.
Tại các vùng cửa sông ven biển này lượng phù sa từ thượng nguồn sông MeKong đổ về kết hợp với phù sa từ Biển Đông bồi tụ hàng năm lấn dần ra biển hàng trăm mét mỗi năm. Hiện tại dư địa đất trống bãi bồi ven biển của các huyện Cù Lao Dung, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu trên 3.000ha và được đưa vào diện quy hoạch để phát triển rừng phòng hộ ven biển trong tương lai của tỉnh.
Để triển khai thực hiện Đề án “Trồng một tỉ cây xanh giai đoạn 2021-2025” của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng kế hoạch phát triển rừng giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh, theo đó, mỗi năm trồng 500ha RMN. Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng phê duyệt 5ha RNM ở Cù Lao Dung dựa trên tờ trình của Công ty MangLub Việt Nam là một phần trong việc thực hiện hoàn thành mục tiêu này.
Theo số liệu mới nhất, Viêt Nam có khoảng 200.000ha RNM, là một trong những nước có diện tích RNM lớn của thế giới. Để duy trì và phát triển RNM, chính phủ có nhiều chương trình. Các chương trình bảo vệ và phát triển RNM tập trung nhiều ở vùng ĐBSCL, vì vùng này chiếm diện tích RNM lớn nhất cả nước.
>>>>Rừng ngập mặn - Bài 4: Chung tay bảo vệ và khôi phục rừng ngập mặn ĐBSCL>>
>>>> Rừng ngập mặn - Bài 3: Bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn ĐBSCL
>>>>> Rừng ngập mặn - Bài 2: Những thách thức với rừng ngập mặn vùng ĐBSCL
>>>>> Rừng ngập mặn - Bài 1: Diện tích giảm mạnh, không chỉ ở Việt Nam
>>