Rừng ngập mặn ĐBSCL có diện tích khoảng 150.000ha, là tài sản quý giá của nước ta. Tuy nhiên, một thời gian dài ta chưa bảo vệ và đánh giá đúng giá trị của nó. Gần đây, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách cho đầu tư, bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn vùng ĐBSCL.

Rừng ngập mặn - Bài 3: Bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn ĐBSCL

Văn Kim Khanh | 04/10/2023, 06:16

Rừng ngập mặn ĐBSCL có diện tích khoảng 150.000ha, là tài sản quý giá của nước ta. Tuy nhiên, một thời gian dài ta chưa bảo vệ và đánh giá đúng giá trị của nó. Gần đây, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách cho đầu tư, bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn vùng ĐBSCL.

Tại hội thảo về "Rừng ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long" ở Trà Vinh ngày 5.9, ông Kim Kyoungjun, Phó giám đốc phụ trách khu vực Đông Nam Á của Công ty SK Earthon cho biết: “Rừng ngập mặn (RNM) là khu thu giữ và lưu trữ carbon dioxide khổng lồ nên chúng đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó với hiện tượng nóng lên toàn cầu. RNM cũng là môi trường sống cho nhiều loại động vật và thực vật trên cạn và dưới biển nên cũng rất qua trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học”.

ml-2.jpg
Rừng ngập mặn ĐBSCL - Ảnh: Tư liệu internet

Cũng theo ông Kim, bảo vệ và phát triển RNM là việc rất quan trọng. RNM vùng đồng bằng sông Cửu Long là lá phổi xanh của Việt Nam và thế giới.

Trong thời gian qua, Chính phủ có nhiều văn bản chỉ đạo điều hành về bảo vệ và phát triển RNM. Ngân sách nhà nước, vốn ODA và các tổ chức phi chính phủ cũng đã góp nhiều kinh phí phục vụ cho công tác này. Những chính sách, dự án, hội thảo cũng như chương trình tiêu biểu cho việc bảo vệ và phát triển RNM ở ĐBSCL thời gian qua liên tục diễn ra.

ml-5.jpg
Nhiều chương trình dự án về trồng và bảo vệ RNM - Ảnh: Tư liệu internet

Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dự án “Chương trình bảo vệ tổng hợp vùng ven biển và RNM ở ĐBSCL nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2”

Dự án này sử dụng vốn ODA không hoàn lại của 2 chính phủ Đức và Úc; được thực hiện tối đa trong 3 năm (2015 - 2018) với tổng kinh phí là 8,8 triệu euro, trong đó vốn đối ứng của phía Việt Nam 0,8 triệu euro.

Mục tiêu của dự án trên là nâng cao năng lực quản lý và lập kế hoạch để thúc đẩy phát triển vùng ĐBSCL có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu.

Theo đó, dự án đầu tư phát triển các giải pháp chống chịu biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh; hỗ trợ nâng cao năng lực kỹ thuật của các cơ quan liên quan trong việc xây dựng và tài trợ cho các giải pháp sinh kế lồng ghép, bảo vệ vùng ven biển có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu. Trước đó, chương trình bảo vệ tổng hợp vùng ven biển và RNM ở ĐBSCL nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu (ICMP) giai đoạn 1 đã được thực hiện từ năm 2011 - 2014. Dự án 1 tập trung vào các chủ đề: Quản lý vùng ven biển, quản lý các giải pháp kỹ thuật, sinh kế bền vững và nhận thức về môi trường được thực hiện tại các dự án thành phần của 5 tỉnh (An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng.

Cũng về chương trình bảo vệ phát triển RNM, ngày 13.4.2019 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 417/QĐ-TTg ban hành Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

tuan-tra-bao-ve-rung-o-ca-mau.jpg
Tuần tra bảo vệ rừng ở Cà Mau - Ảnh: Tư liệu internet

Mục tiêu của chương trình là xây dựng cơ cấu kinh tế bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, đó là nhiệm vụ mang tính trung tâm, xuyên suốt, nhằm hiện thực hóa quan điểm chuyển hóa thách thức do biến đổi khí hậu thành cơ hội.

Trong chủ trương phát triển RNM ven biển, ngày 4.10.2021 Phó thủ tướng Lê Văn Thành ký quyết định 1662/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030". Mục đích quyết định này để bảo vệ RNM nước ta nói chung và RNM ở ĐBSCL nói riêng.

phat-dong-pt-trong-rung-cm.jpg
Thanh niên tham gia trồng rừng ngập mặn ở Cà Mau - Ảnh: Tư liệu internet

Để nhân rộng phong trào trồng và phát triển RNM, ngày 20.7.2019, tại xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh tổ chức lễ phát động phong trào trồng RNM bảo vệ ven biển một số tỉnh ĐBSCL. Hơn 500 người đã tham gia trồng khoảng 1ha cây đước và 3ha cây mắm tại khu vực bãi bồi sau kè Đá Bạc thuộc ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây.

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh: “Hoạt động trồng rừng ven biển nhằm kêu gọi nâng cao nhận thức và ý thức trong việc bảo vệ RNM, bảo vệ vùng đất ven biển bằng những hành động thiết thực, hiệu quả. Sau lễ phát động tại Cà Mau, các tỉnh thành ven biển sẽ xây dựng những hoạt động tiếp nối có tính lan tỏa, hệ thống, khả thi, bảo đảm tính bền vững cho phong trào trồng RNM và bảo vệ bãi ven biển trên phạm vi cả nước”.

Cũng tại buổi lễ, bà Caitlin Wiesen đại diện thường trú Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng: “Việc kết hợp các biện pháp phục hồi RNM với bảo vệ bờ biển để có một giải pháp toàn diện và hiệu quả bảo vệ vùng ven biển, giảm thiểu rủi ro thiên tai cho người dân địa phương. Hoạt động này nhằm lan tỏa các các giải pháp thiết thực bảo vệ hành lang xanh ven biển”.

Ngày 20.12.2022 tại Cà Mau diễn ra hội thảo khởi động dự án được Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam), Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh Cà Mau và các đối tác tổ chức. Tại hội thảo, các đối tác cùng khởi động dự án nâng cao năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu của hệ sinh thái RNM, hệ sinh thái nông nghiệp và cộng đồng thông qua các mô hình sinh kế dựa vào tự nhiên tại khu vực ven biển ĐBSCL.

Cụ thể, tại Cà Mau, dự án thực hành cải tiến mô hình nuôi tôm dưới tán RNM, hạn chế phá rừng, tăng cường việc quản lý, bảo vệ và trồng mới RNM nhằm tăng khả năng hấp thụ carbon. Tại Bạc Liêu, dự án tập trung vào mô hình sản xuất luân canh tôm - lúa, hỗ trợ các phương pháp thực hành tốt hơn, như: nuôi tôm sú 2 giai đoạn, điều tiết nước, sử dụng vi sinh để cải thiện chất lượng nước và thức ăn tự nhiên...

Trong thời gian qua, tỉnh Cà Mau với nhiều giải pháp đã khôi phục và bảo vệ được hơn 1.200ha RNM, là một trong những tỉnh đi đầu cả về diện tích và chất lượng rừng ngập mặn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
AI chống gian lận trong thương mại điện tử thế nào?
3 phút trước Khoa học - công nghệ
Trong bối cảnh bảo mật thông tin đe dọa trực tiếp đến quyền lợi của người dùng, trí tuệ nhân tạo (AI) nổi lên như một giải pháp đầy tiềm năng, góp phần bảo vệ người tiêu dùng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Rừng ngập mặn - Bài 3: Bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn ĐBSCL