Giảng viên quan hệ quốc tế Jessica Genauer (Đại học Flinders) chỉ ra tình trạng bất ổn ở một số quốc gia có thể bùng phát mạnh vào năm 2024.
Góc nhìn

5 điểm nóng có thể bùng lên thành xung đột trong năm 2024

Cẩm Bình 03/01/2024 17:13

Giảng viên quan hệ quốc tế Jessica Genauer (Đại học Flinders) chỉ ra tình trạng bất ổn ở một số quốc gia có thể bùng phát mạnh vào năm 2024.

Năm 2023 chứng kiến cuộc chiến Ukraine kéo dài chưa thấy hồi kết, xung đột Israel - Hamas nổ ra khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng. Cả hai cuộc chiến thu hút gần như toàn bộ sự chú ý của thế giới, khiến cộng đồng quốc tế lơ là với các điểm nóng khác. Tuy nhiên không loại trừ khả năng bất ổn âm ỉ leo thang thành xung đột đem lại biến động lớn ở nhiều khu vực.

Myanmar

Myanmar chìm trong hỗn loạn từ sau cuộc đảo chính năm 2021, biểu tình phản đối quân đội lan rộng rồi phát triển thành phản kháng vũ trang.

Quốc gia với 135 sắc tộc hiếm khi được hưởng hòa bình. Suốt nhiều năm trước đảo chính, quân đội và vài nhóm sắc tộc thường xảy ra giao tranh. Sau đảo chính, tình hình thêm nghiêm trọng vì các nhóm sắc tộc bắt tay với lực lượng phản kháng cùng nhau chống lại quân đội.

Mức độ kháng cự tăng cao trong năm ngoái, một đợt phối hợp tấn công ở phía bắc đất nước khiến quân đội chịu tổn thất lớn. Lực lượng phản kháng giành quyền kiểm soát nhiều làng mạc cùng thị trấn biên giới giáp Trung Quốc – qua đó nắm giữ vài tuyến giao thương quan trọng. Diễn biến này khiến bang Rakhine phía tây cùng một số khu vực khác tái bùng phát giao tranh.

Mali

Tại Mali - quốc gia ở Tây phi, căng thẳng leo thang suốt năm 2023. Năm nay, bất ổn này có nguy cơ bùng phát thành nội chiến.

Nước này từ lâu đã phải vất vả đối phó với nổi dậy. Một cuộc đảo chính năm 2012 khiến chính phủ Mali sụp đổ và phiến quân Tuareg giành quyền kiểm soát miền Bắc đất nước. Một năm sau, Liên Hợp Quốc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình, đến năm 2015 các nhóm nổi dậy chủ chốt chấp nhận ký thỏa thuận hòa bình với chính phủ.

5ma.jpg
Quân đội đang nắm quyền tại Mali - Ảnh: AP

Sau hai cuộc đảo chính nữa vào năm 2020 cùng 2021, quân đội củng cố quyền lực và quyết tâm tái kiểm soát toàn bộ lãnh thổ. Tháng 6 năm ngoái, họ yêu cầu lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc rút đi. Sau đó quân đội và các nhóm nổi dậy tranh nhau số căn cứ Liên Hợp Quốc để lại.

Tháng 11.2023, quân đội chiếm được thị trấn chiến lược Kidal ở phía bắc vốn do Tuareg nắm giữ từ năm 2012. Nền hòa bình mong manh từ năm 2015 đến nay đang bị đe dọa.

Lebanon

Năm 2019, tại Lebanon nổ ra phong trào biểu tình phản đối chính phủ yếu kém. Chính phủ hậu cải tổ vẫn chẳng thể làm hài lòng người dân, khủng hoảng kinh tế cùng vụ nổ hóa chất cảng Beirut khiến tình hình thêm xấu đi.

Tháng 9 năm ngoái, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) chỉ trích Lebanon không cải cách kinh tế. Chính phủ nước này cũng không đạt được thỏa thuận bổ nhiệm vị trí tổng thống đã để trống hơn một năm qua – làm tăng nguy cơ thế cân bằng quyền lực mong manh giữa ba phe Hồi giáo Sunni, Hồi giáo Shia và Maronite theo đạo Cơ đốc bị phá vỡ.

Cuối năm 2023, khi xung đột Israel - Hamas bùng nổ, nhóm Hezbollah tại Lebanon đẩy mạnh tấn công Israel nhằm hỗ trợ Hamas. Căng thẳng hiện tại đe dọa ngành du lịch vốn là hy vọng chính cho Lebanon phục hồi kinh tế. Không loại trừ khả năng năm nay khủng hoảng kinh tế trở nên nghiêm trọng hơn khiến nền chính trị sụp đổ.

Pakistan

Từ khi Pakistan giành độc lập năm 1947 cho đến nay, quân đội nhiều lần can thiệp vào chính trị. Lực lượng vũ trang từng loại bỏ nhân vật lãnh đạo dân cử. Thủ tướng Imran Khan là nạn nhân mới nhất: năm 2022 ông bị lật đổ bằng một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm rồi sau đó bị bắt vì hàng loạt cáo buộc. Biểu tình bạo lực tỏ ý phản đối bùng nổ khắp toàn quốc.

5pa.jpg
Biểu tình phản đối việc phế truất Thủ tướng Imran Khan - Ảnh: Reuters

Pakistan còn đối mặt với bất ổn lan từ nước láng giềng Afghanistan và tấn công khủng bố gia tăng. Thách thức an ninh càng thêm trầm trọng do nền kinh tế gặp khó khăn cộng thêm trận lũ lụt lịch sử năm 2022.

Quốc gia Nam Á chuẩn bị tổ chức bầu cử quốc hội vào tháng 2, sau đó chính phủ quân sự sẽ chuyển giao quyền lực cho chế độ dân sự. Nếu quá trình chuyển giao không diễn ra hoặc chậm trễ thì có thể bất ổn sẽ leo thang.

Sri Lanka

Khủng hoảng kinh tế năm 2022 dẫn đến tình trạng thiếu nhiên liệu, lương thực và vật tư y tế nghiêm trọng tại Sri Lanka. Biểu tình khiến Tổng thống Gotabaya Rajapaksa tháo chạy khỏi đất nước, ông nhanh chóng bị thay thế bởi Tổng thống đương nhiệm Ranil Wickremesingh.

Sự ổn định trở lại vào năm 2023 nhờ chính quyền Tổng thống Wickremesingh tiến hành cải cách kinh tế theo thỏa thuận cứu trợ của IMF. Nhưng tâm lý bất mãn với giới lãnh đạo cùng hàng loạt nguyên nhân gốc rễ khiến nền kinh tế rơi vào khó khăn vẫn chưa được giải quyết.

Sri Lanka cũng tổ chức bầu cử trong năm nay. Nhà lãnh đạo đương nhiệm không được lòng dân chúng vì bị đánh giá quá gần gũi với chính giới tham nhũng. Bất mãn có thể làm bùng lên biểu tình, lịch sử đang có nguy cơ lặp lại.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Loạt chính sách có hiệu lực từ tháng 5
Giá điện được điều chỉnh 3 tháng/lần; tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan nhà nước... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 5.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
5 điểm nóng có thể bùng lên thành xung đột trong năm 2024