Năm 2021 là một năm đầy biến động và thử thách của ngành giáo dục vì dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến ngành này.

5 sự kiện tiêu biểu của ngành giáo dục năm 2021

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 04/01/2022, 17:44

Năm 2021 là một năm đầy biến động và thử thách của ngành giáo dục vì dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến ngành này.

Cùng Một Thế Giới điểm lại những sự kiện nổi bật của ngành giáo dục trong năm 2021:

1. Ngành giáo dục có Bộ trưởng Bộ GD-ĐT mới

Sáng 8.4, Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính đã trình danh sách để Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ, một số Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ. Sau đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc bổ nhiệm PGS.TS Nguyễn Kim Sơn làm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn sinh năm 1966 tại xã Tân Trào, huyện Kiến Thuỵ, TP.Hải Phòng. Quá trình công tác tại Đại học Quốc gia Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn được đánh giá là người có năng lực, trí tuệ, trình độ, phẩm chất chính trị, có tầm nhìn và biết lắng nghe. Khi nhận nhiệm vụ mới, ông Sơn chia sẻ: "Tôi xem đây là cơ hội để có thêm điều kiện làm một số việc ở lĩnh vực mà mình tâm huyết và đã có thời gian gắn bó lâu dài. Đối với tôi, nhiệm vụ mới tại thời điểm này là một thách thức lớn, có thuận lợi nhưng cũng có rất nhiều khó khăn. Hơn 1 triệu người làm công tác giáo dục và quản lý giáo dục, trong đó có tôi, không có lựa chọn nào khác là chủ động đối mặt để vượt qua các khó khăn đó".

2. Khai giảng online

Chưa có năm nào lễ khai giảng lại được tổ chức theo hình thức online ở nhiều tỉnh thành trên cả nước như năm 2021. Mặc dù thầy trò không được gặp nhau trực tiếp, không tiếng trống trường, không rộn rã cờ hoa... nhưng không khí vẫn đầy nghiêm trang và háo hức. Ngay sau lễ khai giảng, học sinh nhiều tỉnh thành trên cả nước bắt đầu năm học mới bằng hình thức trực tuyến. Cho đến nay, sau 1 học kỳ trôi qua, nhiều học sinh ở các tỉnh như Hà Nội, TP.HCM vẫn chưa được đến trường.

hoc-sinh-online.jpg
Đa số các học sinh từ mầm non tới cấp THPT đều đang phải học online

Năm 2021, ngành giáo dục bị tác động sâu sắc của đại dịch COVID-19. Lần đầu tiên, học sinh nhiều địa phương dự lễ khai giảng năm học mới qua truyền hình. Phần lớn trong số 22 triệu học sinh, sinh viên chỉ đến trường khoảng 2 tháng và học online suốt thời gian còn lại. Và cũng lần đầu tiên trong lịch sử ngành giáo dục, học sinh lớp 1 của nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước chưa một lần được đến lớp.

3. Việt Nam thắng lớn tại các sân chơi giáo dục quốc tế

Năm 2021 Bộ GD-ĐT đã cử 7 đoàn học sinh giỏi với 37 lượt học sinh tham gia Olympic. Kết quả, tất cả thí sinh dự thi đều đoạt giải, gồm 12 huy chương vàng, 13 huy chương bạc, 10 huy chương đồng và 2 bằng khen (giải khuyến khích); các đoàn học sinh Việt Nam tiếp tục nằm trong top 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất tại các Olympic quốc tế với nhiều học sinh đạt điểm số cao nhất. Đặc biệt, em Nguyễn Mạnh Quân, học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội) đã đạt điểm số cao nhất của kỳ thi Olympic Vật lý Châu Á - Thái Bình Dương (APhO) và được Chủ tịch APhO năm 2021 tặng bằng khen.

2_20220102155445.jpg
Các học sinh đã đạt giải thưởng khi tham dự các kỳ thi quốc tế

4. Nghi vấn lộ đề thi tốt nghiệp THPT 2021

Năm 2021, cả nước có gần 1.015.000 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển năm 2021 là 795.353 (tăng hơn 150.000 thí sinh so với năm 2020). Đây cũng là năm thứ hai kỳ thi tốt nghiệp THPT đã phải tổ chức thành hai đợt do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Dù thế, vẫn có hơn 15.000 thí sinh không thể dự thi và lần đầu tiên Bộ cho phép xét đặc cách tốt nghiệp.

Đề thi được cho là "dễ thở", kết quả thi của thí sinh tăng đột biến dẫn đến việc điểm trúng tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp vào nhiều trường đại học tăng. Một số ngành tăng từ 2 - 11 điểm. Đáng chú ý, có ngành học lấy điểm chuẩn 30 - 30,5. Tuy nhiên, 'nóng' nhất là vụ tố giác nội dung đề ôn tập ngay trước ngày thi môn Sinh học ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 của thầy Phan Khắc Nghệ (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh) trùng lặp với đề thi chính thức đến 80 - 90%. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ GD-ĐT đã ghi nhận yếu tố không bình thường liên quan đến việc luyện thi và đề thi môn Sinh học và đang xem xét trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan. Bộ Công an cũng cho hay phát hiện sơ hở ở khâu ra đề và đang điều tra, xác minh dấu hiệu lộ đề thi.

5. Học sinh lớp 2, lớp 6 học sách giáo khoa mới

Ngày 9.2, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT vừa phê duyệt 72 SGK của tất cả các môn học của lớp 2, lớp 6 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Lớp 2 có 32 sách giáo khoa của 8 môn học và hoạt động giáo dục được phê duyệt, tương đương với 3 bộ sách giáo khoa. Riêng môn Tiếng Anh có 8 cuốn của các đơn vị xuất bản khác nhau. Lớp 6 có 40 sách giáo khoa của 12 môn học, hoạt động giáo dục. Trừ môn Tin học có 2 bản mẫu, Tiếng Anh có 8 bản mẫu được phê duyệt, các môn còn lại của lớp 6 đều có 3 cuốn.

Theo Bộ GD-ĐT, rút kinh nghiệm từ một số bất cập trong thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa lớp 1, Bộ GD-ĐT giám sát chặt chẽ hơn quá trình thẩm định sách giáo khoa lớp 2, lớp 6.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
5 sự kiện tiêu biểu của ngành giáo dục năm 2021