Dù tuổi cao, mắt mờ nhưng ngày hai buổi, ông Hồ Ngọc Cảnh, (SN 1955, xã Tân Thanh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) vẫn cắp sách tới trường mong có tấm bằng THPT, khiến mọi người thán phục học sinh 60 tuổi này.

60 tuổi vẫn cắp sách tới trường, mong có tấm bằng THPT

Một Thế Giới | 16/12/2014, 08:13

Dù tuổi cao, mắt mờ nhưng ngày hai buổi, ông Hồ Ngọc Cảnh, (SN 1955, xã Tân Thanh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) vẫn cắp sách tới trường mong có tấm bằng THPT, khiến mọi người thán phục học sinh 60 tuổi này.

Đến lớp 12B Trung tâm GDTX huyện Giồng Trôm (Bến Tre) trong tiết học sáng đầu tháng 12-2014, chúng tôi dễ dàng nhận ra học sinh Hồ Ngọc Cảnh, 60 tuổi, với mái tóc muối tiêu nổi bật giữa lớp học trò trẻ. Vì mắt đã yếu, ông phải sử dụng kính lão mới đọc được sách và nhìn thấy chữ trên bảng, nên được ưu tiên ngồi bàn thứ hai.

Mười lăm phút đầu giờ, ông Cảnh ngồi chăm chú ôn lại bài học cũ. Những lúc cần, ông quay sang em Võ Minh Toàn ngồi cùng bàn để nhờ dò bài hoặc trao đổi bài học. Thảo luận đến đâu ông đều ghi chép cẩn thận đến đó.

Trong tất cả các môn học thì Lịch sử là môn mà ông Cảnh thích thú nhất. Trong lúc khảo lại bài cũ, khi các bạn cùng lớp còn chưa tìm được đáp án của câu hỏi: “Dấu hiệu của xu thế hòa hoãn Đông - Tây”, ông Cảnh đã đưa tay phát biểu: “Có ba dấu hiệu chính là: sự hòa hoãn giữa Đông Đức và Tây Đức, Liên Xô và Mỹ thỏa thuận về vấn đề vũ khí chiến lược, định ước Henxinki” khiến cả lớp ồ lên thán phục. Nhờ thường xuyên xem thời sự nên ông Cảnh nắm khá chắc những vấn đề nóng.

Thực ra ông Cảnh từng đỗ tú tài 1 tại Trường trung học công lập Kiến Hòa năm 1966. Sau đó do chiến tranh, con đường học tập của ông bị “gãy gánh”. Đến năm 1986, ông được bầu làm Giám đốc Xí nghiệp khai thác gỗ. Về hưu, ông tham gia Hội Đông y của địa phương rồi học tiếp Trung cấp Đông y. Khi lần lượt những người con đã yên bề gia thất, ông muốn mở cơ sở khám chữa bệnh Đông y. Ngặt nỗi theo quy định củạ Nhà nước, muốn mở phòng khám phải tốt nghiệp THPT. Ông tức tốc đăng ký theo học văn hóa tại Trung tâm GDTX huyện Giồng Trôm.

Chuyện đi học lại không dễ dàng gì với một người lớn tuổi như ông. Ông Cảnh trầm ngâm: “Một số người không hiểu thường cười tôi là ông già dở hơi. Ngần ấy tuổi rồi mà còn không ở nhà cho con cháu chăm sóc. Nghĩ thì cũng hơi chạnh lòng nhưng tui chẳng buồn lâu, vì ham học đâu phải là cái tội

Lâu dần, nhiều người cũng bắt đầu thán phục sự chịu thương chịu khó của ông. Các trò trong lớp còn trêu: ‘Tụi con ganh tị với ông quá. Ông có đặc quyền không mặc đồng phục nhưng vẫn không bị thầy cô phạt, nhuộm tóc trắng mà không bị ai quở mắng”. Ông cười giòn đáp trả: “Khi nào tụi con bằng tuổi ông thì sẽ có đặc quyền đó”.

Cô Trần Thị Tâm, từng là giáo viên chủ nhiệm của ông Cảnh, cho biết: “Lớp học có sự tham gia của chú Cảnh đều rất vui, chú hòa đồng với “bạn bè” trong lớp. Chú là tấm gương tuyệt vời về sự ham học. Ở lớp, chú được mọi người yêu mến vì lối sống nề nếp cùng thái độ niềm nở, thân thiện”.

Chị Hồ Thị Hồng Điệp, con gái đầu của ông cảnh chia sẻ, chính ông là nguồn cổ vũ động viên cho chị, mặc dù đã 38 tuổi vẫn đang theo đuổi chương trình nghiên cứu sinh, ngành Quản trị kinh doanh của Học viện Earist (Philippines). “Nghĩ thiệt phục cha, con cháu đứa nào cũng xem ông là thần tượng. Nhìn thấy cha đã già vẫn còn đi học, thì tại sao bản thân mình còn trẻ có nhiều thời gian và thuận lợi hơn mà không phấn đấu”, chị Điệp tâm sự

Trung Oanh (Công an TP.HCM)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
60 tuổi vẫn cắp sách tới trường, mong có tấm bằng THPT