Theo Nielsen, trong tổng số người Việt Nam truy cập vào internet thì có đến 98% mua hàng trực tuyến.
Theo báo cáo Thương mại điện tử của Nielsen 2018, trong số những người tiêu dùng Việt Nam truy cập vào internet thì có đến 98% người tiêu dùng đã mua hàng trực tuyến, tăng 1% so với năm 2017. Báo cáo cũng cho thấy 17% người tiêu dùng đã sử dụng các nền tảng công nghệ để mua các thực phẩm tươi sống, tăng 5% so với năm 2017, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) trên kênh thương mại điện tử.
Trong đó, thời trang, du lịch, sách và âm nhạc là các ngành hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các giao dịch trực tuyến lần lượt là 59%, 52% và 51%. Trong khi đó, các loại hình khác cũng cho thấy sự tăng trưởng đáng kể trong các hoạt động thương mại điện tử, bao gồm dịch vụ giao hàng từ nhà hàng, quán ăn, với 24% người tiêu dùng trực tuyến cho biết họ đã mua hàng với hình thức đó (tăng 5% so với năm 2017), thực phẩm đóng gói (tăng 4% lên 25%) và thực phẩm tươi sống (tăng 5% lên 17%).
Ông Nguyễn Anh Dzũng, Giám Đốc cấp cao, Trưởng Bộ phận Dịch vụ Đo lường Bán lẻ, Nielsen Việt Nam cho biết: "Du lịch, thời trang, sách và âm nhạc là những danh mục điển hình cho người mua sắm trực tuyến lần đầu, nhưng khi mức độ quen thuộc, thoải mái và tin cậy của họ tăng lên, họ mở rộng sang các lĩnh vực khác như các sản phẩm làm đẹp, chăm sóc cá nhân và sản phẩm cho trẻ em, sau đó họ sẽ sẵn sàng mua sắmcác danh mục khác như sản phẩm đóng gói và các loại thực phẩm tươi sống. Điều này chứng tỏ việc mua hàng trực tuyến với dịch vụ giao hàng và thực phẩm trong những năm gần đây đang có những bước chuyển đáng kể".
Báo cáo của Nielsen cho thấy rằng người tiêu dùng đã cởi mở hơn với việc mua sắm thực phẩm tươi sống và sản phẩm đóng gói trực tuyến. Dịch vụ thay thế cùng ngày cho các sản phẩm không có sẵn đang thu hút hơn 52% người tiêu dùng, trong khi đó có 56% đang tìm kiếm dịch vụ giao hàng miễn phí cho việc mua hàng trên mức chi tiêu tối thiểu.
"Với sự gia tăng của người tiêu dùng sử dụng mua hàng trực tuyến, không gian thương mại điện tử phát triển liên tục đã làm mờ ranh giới giữa trực tuyến và ngoại tuyến. Một vài năm trước, người tiêu dùng mua sắm thông qua các kênh thương mại điện tử tập trung nhiều vào các lĩnh vực như du lịch, thời trang và sách.
Song song đó, theo thời gian gần đây, chúng tôi đang thấy sự gia tăng mua hàng ở các danh mục mới. Và sắp tới, làn sóng phát triển tiếp theo trong xu hướng mua hàng trực tuyến có thể sẽ được thúc đẩy bởi những cải tiến về mặt kỹ thuật số như đề xuất được cá nhân hóa cho người tiêu dùng dựa trên hành vi mua sắm có lập trình và hành vi trực tuyến", ông Nguyễn Anh Dzũng cho biết.
Trên thực tế, do nhu cầu mua sắm online ngày càng tăng nên các website thương mại điện tử cũng nở rộ tại Việt Nam và nhận được sự quan tâm đầu tư từ nước ngoài như: Lazada, Shopee, Tiki, Sendo... Bên cạnh đó, trên các mạng xã hội như: Facebook, Zalo... hoạt động kinh doanh cũng khởi sắc.
Sách trắng về thương mại điện tử vừa được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) công bố cho thấy, năm 2017, trung bình mỗi người Việt Nam bỏ ra khoảng 186 USD (tương đương với 4,3 triệu đồng) để mua sắm trực tuyến.
Trong 3 năm từ 2015 đến 2017, số lượng người mua sắm trực tuyến tại Việt Nam đã tăng khá mạnh. Nếu như năm 2015, cả nước có khoảng 30,3 triệu người mua sắm trực tuyến, thì đến năm 2016, con số này đã tăng lên 32,7 triệu người và đến năm 2017, thống kê đã có tới 33,6 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến, tăng 3,3 triệu người so với năm 2015.
Cùng với việc gia tăng số người mua sắm, giá trị mua sắm trực tuyến của mỗi người cũng không ngừng tăng qua các năm. Chẳng hạn, năm 2015, mỗi người bỏ ra khoảng 160 USD để mua sắm trực tuyến trong 1 năm, thì năm 2016 là 170 USD và đến năm 2017 là 186 USD. Qua đó có thể thấy chắc chắn trong năm 2018, những con số này đều thay đổi theo chiều hướng gia tăng.
Tuyết Nhung