Hai nhà máy thép Dana - Ý và Dana - Úc vốn dĩ không được cấp phép hoạt động ở khu vực hiện tại, nhưng lãnh đạo chính quyền Đà Nẵng thời kỳ trước (đang bị Bộ Công an khởi tố) đã phê duyệt cấp giấy chứng nhận đầu tư, là nguồn cơn gây ô nhiễm môi trường nhiều năm nay và tạo ra bức xúc cho người dân lẫn doanh nghiệp.

Ai đã cấp phép cho hai 2 nhà máy thép gây ô nhiễm tại Đà Nẵng?

Lê Đình Dũng | 07/10/2018, 15:56

Hai nhà máy thép Dana - Ý và Dana - Úc vốn dĩ không được cấp phép hoạt động ở khu vực hiện tại, nhưng lãnh đạo chính quyền Đà Nẵng thời kỳ trước (đang bị Bộ Công an khởi tố) đã phê duyệt cấp giấy chứng nhận đầu tư, là nguồn cơn gây ô nhiễm môi trường nhiều năm nay và tạo ra bức xúc cho người dân lẫn doanh nghiệp.

>>Dân vây nhà máy thép Dana Ý trong đêm, đòi chính quyền giải quyết

>>Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo dừng hoạt động gây ô nhiễm của 2 nhà máy thép

>>Quan ngại Quảng Nam nhưng Đà Nẵng lại có 2 nhà máy thép gây ô nhiễm

Cấp phép sai quy hoạch

Thanh tra TP.Đà Nẵng vừa công bố kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quá trình thành lập, hoạt động, xử lý về môi trường tại Công ty Cổ phần Thép Dana - Ý, Công ty Cổ phần Thép Dana - Úc và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo kết luận thanh tra, Cụm công nghiệp Thanh Vinh mở rộng (nơi 2 nhà máy thép đang đóng chân) được quy hoạch cho các dự án công nghiệp nhẹ, không có loại hình sản xuất thép, luyện kim. Ngoài ra, khi thành lập cụm công nghiệp này, ngành chức năng đã quy hoạch không tuân thủ khoảng cách tối thiểu về môi trường từ cơ sở sản xuất đến khu dân cư là 50m. Thực tế tại hiện trường, các nhà dân nằm sát rạt khu công nghiệp.

Chính quyền cấp phép cho nhà máy thép hoạt động sát ngay nhà dân

Dù đã quy định không có ngành nghề luyện thép trong KCN Thanh Vinh, nhưng năm 2007, chính quyền Đà Nẵng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty cổ phần thép Thành Lợi xây dựng nhà máy thép (sau này lần lượt nâng công suất và đổi tên dự án là Dana - Ý).

Tương tự, năm 2008, chính quyền Đà Nẵng tiếp tục cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Cổ phần Xuân Hưng xây dựng nhà máy thép Dana - Úc.

Nhà máy nối tiếp chính quyền sai phạm

Nhà máy thép Dana - Ý hoạt động từ năm 2007 có quy mô ban đầu là sản xuất 100 ngàn tấn sản phẩm/năm với vốn đầu tư hơn 175 tỉ đồng. Đến năm 2009, chủ đầu tư đề nghị điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư nâng công suất lên 200 ngàn tấn sản phẩm/năm với tổng vốn đầu tư hơn 507 tỉ đồng và tăng diện tích đất dự án.

Tuy nhiên, chính quyền Đà Nẵng lại cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh trước khi quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án.

Không những vậy, công ty này đăng ký sử dụng dây chuyền luyện, cán thép có nguồn gốc từ Trung Quốc và Ý nhưng trong quá trình hoạt động đã thay đổi một số hệ thống lò luyện không đúng với dây chuyền đã đăng ký. Trong quá trình hoạt động đã sản xuất sản lượng luyện thép vượt công suất đăng ký.

Qua kiểm tra, ngành chức năng còn phát hiện công ty này không có hồ sơ hoàn thành toàn bộ các công trình bảo vệ môi trường. Từ khi hoạt động đến nay, công ty không hợp đồng với các công ty môi trường để xử lý xỉ lò luyện mà tự ý san lấp mặt bằng và lưu giữ trong nhà máy.

Từ năm 2010 đến 2018, đã có 8 kết luận thanh kiểm tra về môi trường đối với công ty thép Dana - Ý. Các vi phạm được phát hiện chủ yếu liên quan đến xả khí thải, tiếng ồn vượt quy chuẩn, trồng cây xanh không đảm bảo, xử lý chất thải rắn không đúng quy định…

Người dân sống khổ sở bên nhà máy thép phải rời bỏ đi nơi khác định cư

Đối với nhà máy thép Dana - Úc, năm 2008, chính quyền Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận đầu tư với công suất 300 ngàn tấn/năm, vốn đầu tư hơn 294 tỉ đồng. Sau đó, lần lượt điều chỉnh quy mô dự án với số vốn nâng lên 369,2 tỉ đồng. Dự án ban đầu của Công ty Cổ phần Xuân Hưng, sau thay đổi thành Công ty Cổ phần thép Thái Bình Dương rồi đổi thành Công ty Cổ phần thép Dana - Úc.

Cũng như nhà máy thép Dana - Ý, việc chính quyền Đà Nẵng cấp phép cho xây dựng nhà máy thép Dana - Úc trong cụm công nghiệp Thanh Vinh là sai phạm,không những vậy lại để cho nhà máy nằm ở sát khu dân cư.

Công ty này cũng sai phạm khi đăng ký dây chuyền xong rồi thay đổi hệ thống không đúng như đã đăng ký trong báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Ngoài ra, thanh tra chỉ ra rất nhiều sai phạm của nhà máy thép này trong việc bảo vệ môi trường, thực hiện sai so với đăng ký ban đầu…

Tổ chức rút kinh nghiệm

Từ các sai phạm của cả chính quyền lẫn doanh nghiệp, thanh tra Đà Nẵng kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng và công ty Phát triển và khai thác hạ tầng khu công nghiệp Đà Nẵng tổ chức rút kinh nghiệm đối với thiếu sót trong việc lập, thẩm định, trình phê duyệt quy hoạch Cụm công nghiệp Thanh Vinh không đảm bảo khoảng cách ly tối thiểu 50m đối với khu dân cư theo quy định.

Văn phòng UBND thành phố tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với sai sót trong việc tham mưu cho UBND thành phố ban hành công văn không đúng quy định.

Sở Kế hoạch đầu tư kiểm điểm và xử lý trách nhiệm vì sai sót trong việc xử lý hồ sơ và trình UBND thành phố cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty cổ phần thép Dana - Úc không đảm bảo quy định.

Thanh tra Đà Nẵng kiến nghị chính quyền chỉ đạo các đơn vị liên quan có sai phạm tổ chức rút kinh nghiệm, kiểm điểm

Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư kiểm điểm và xử lý trách nhiệm vì tiếp nhận hồ sơ doanh nghiệp và trình UBND TP cấp và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty CP thép Dana - Ý.

Sở TNMT kiểm điểm và xử lý trách nhiệm vì thẩm định, trình phê duyệt ĐTM và công tác quản lý về bảo vệ môi trường tại 2 nhà máy.

Thanh tra Đà Nẵng cũng kiến nghị Chủ tịch UBND TP đương nhiệm báo cáo Thường trực Thành ủy để xin ý kiến chỉ đạo về trách nhiệm của lãnh đạo UBND TP giai đoạn 2007 đến 2014 trong việc phê duyệt ĐTM và cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với 2 nhà máy thép tại cụm công nghiệp.

Lãnh đạo thời kỳ đó là ông Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến đang bị điều tra theo quyết định khởi tố của Bộ Công an liên quan đến vụ án của Vũ ‘nhôm’.

Bài, ảnh: Lê Đình Dũng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chiến dịch Hồ Chí Minh - Đỉnh cao thắng lợi của cách mạng Việt Nam
3 giờ trước Sự kiện
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng Chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, để lại nhiều kinh nghiệm quý báu đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ai đã cấp phép cho hai 2 nhà máy thép gây ô nhiễm tại Đà Nẵng?