Trung Quốc nuôi tham vọng trở thành cường quốc bóng đá thế giới vào năm 2050 cùng mục tiêu vô địch World Cup. Cây viết thể thao Richard Conway của BBC thực hiện phóng sự về những người đang giúp Trung Quốc biến giấc mơ bá chủ bóng đá thế giới thành sự thật.
Liên đoàn bóng đá Trung Quốc (CFA) đã công bố kế hoạch trở thành 'siêu cường bóng đá thế giới' vào năm 2050 và xây dựng một đội tuyển quốc gia có khả năng đoạt ngôi vô địch thế giới. Chủ tịch Tập Cận Bình là người đam mê bóng đá đến mê mẩn, và ông đặt ra một mục tiêu rõ ràng và ngắn hạn hơn: Đến năm 2020, Trung Quốc phải có ít nhất 20.000 trung tâm đào tạo bóng đá vào 70.000 sân cỏ.
Vậy thì những ai đang tin tưởng và sẽ góp phần định hình mục tiêu của Chủ tịch nước Trung Quốc thành kế hoạch cụ thể? Và họ sẽ làm thế nào để biến tuyên bố hoang đường của CFA thành sự thật?
HLV Sven-Goran Eriksson
Từng là HLV trưởng của đội tuyển Anh, các CLB Manchester City, Roma..., Sven-Goran Eriksson bỏ lại tất cả để đến Trung Quốc làm HLV cho CLB Guangzhou R&F ở giải vô địch bóng đá Trung Quốc (CSL - Chinese Super League). Một năm sau, Eriksson chuyển sang dẫn dắt CLB Shanghai SIPG.
HLV người Thụy Điển 68 tuổi đã chia sẻ với phóng viên BBC suy nghĩ của ông về sự phát triển cơ bản của bóng đá Trung Quốc trong thời gian ông làm việc ở nước này. Ông nói: "Ba năm trước, bóng đá Trung Quốc không giống như hiện nay. Bóng đá lúc đó cũng không tệ. Thế nhưng mùa này thì bóng đá Trung Quốc trở nên điên rồ, hoàn toàn điên rồ.
Một trong những lý do dẫn đến điều đó xuất phát từ chính phụ. Chủ tịch nước Trung Quốc trực tiếp thúc đẩy việc phát triển bóng đá. Nên toán đôi rằng ông ta hẳn rất vui khi thấy CSL ngày càng mạnh hơn và chất lượng hơn, nhưng ông ấy còn muốn đội tuyển quốc gia trở nên mạnh và có ảnh hưởng lớn hơn trong thế giới bóng đá".
HLV Eriksson thích thú được làm việc và đắm mình trong môi trường bóng đá Trung Quốc. Ông cũng phấn khích trước làn sóng 'đông tiến' của những ngôi sao bóng đá. Trong số 6 vụ chuyển nhượng cầu thủ đình đám toàn thế giới tính đến thời điểm này của năm nay, thì có đến 5 hợp đồng có liên quan đến những CLB bóng đá Trung Quốc, và HLV người Thụy Điển tin rằng sẽ còn có thêm nhiều tên tuổi lớn gia nhập CSL trong những tháng sắp tới.
"Ngay cả những cầu thủ nổi tiếng cũng sẽ gia nhập CSL. Tôi nghĩ thế và cũng đã có những tin đồn về chuyện đó", HLV Eriksson nói thêm.
Và ông Eriksson cũng tin rằng trình độ bóng đá Trung Quốc đang ngày càng được nâng lên, nên các ngôi sao bóng đá hàng đầu, vốn quen sống ở châu Âu, sẽ bị sân chơi Trung Quốc hấp dẫn không chỉ vì những lời mời chào quá hào phóng về phương diện tiền bạc, mà còn vì những lý do thuần túy thể thao.
Alex Teixeira, CLB Jiangsu Suning, giá chuyển nhượng 38,4 triệu bảng
Jackson Martinez, CLB Guangzhou Evergrande, 31 triệu bảng
Ramires, CLB Jiangsu Suning, 25 triệu bảng
Gervinho, CLB Hebei China Fortune, 11 triệu bảng
Demba Ba, CLB Shanghai Greenland Shenhua, 11 triệu bảng
Asamoah Gyan, CLB Shanghai SIPG, giá chuyển nhượng chưa được tiết lộ
Paulinho, CLB Guangzhou Evergrande, 10 triệu bảng
Tim Cahill, CLB Shanghai Greenland Shenhua.
HLV Eriksson nhận định: "Bây giờ là thời điểm chính xác để đến Trung Quốc chơi bóng đá. Tôi nghĩ rằng hiện nay mọi người đều cảm thấy hài lòng khi làm bóng đá ở Trung Quốc. Ba, bốn hoặc năm năm trước, những cầu thủ nước ngoài nổi tiếng không thật sự quan tâm đến Trung Quốc. Chỉ đến khi có tuổi, phong độ đi xuống thì họ mới nghĩ đến sân chơi này. Tuy nhiên hiện nay thì sao? Ngay cả khi đang ở trên đỉnh cao của sự nghiệp, họ đã quan tâm đến Trung Quốc.
Trung Quốc đang là nơi mà bóng đá phát triển mạnh hơn từng ngày".
Cò bóng đá Romain Woo
Sự bùng nổ của bóng đá là một phần trong mục tiêu phát triển một ngành công nghiệp thể thao mạnh ở Trung Quốc.
Ẩn mình trong một văn phòng phía trên một trong những trung tâm mua sắm sang trọng, nhộn nhịp ở Thượng Hải là văn phòng của người đại diện cầu thủ quyền lực nhất ở Trung Quốc Romain Woo.
Diện trang phục thiết kế, mái tóc cắt tinh tế, và chọn bài trí văn phòng bằng những mẫu nội thất nhỏ gọn, Romain Woo đại diện cho nhiều mặt của một Trung Quốc hiện đại: Tự tin, dám đối đầu với thế giới bên ngoài, và tham vọng.
Sau một thời gian ngắn làm việc ở châu Âu với CLB Hà Lan PSV Eindhoven, Romain Woo quay về quê hương mở công ty thể thao Van Hao, và hiện làm đại diện cho khoảng 50 cầu thủ và HLV hàng đầu ở Trung Quốc.
Theo Romain Woo, sự bùng nổ trong chi tiêu chuyển nhượng ở những CLB bóng đá hàng đầu của Trung Quốc chỉ mới bắt đầu thôi. Romain Woo nói: "Nó sẽ trở nên điên loạn ngay thôi, sẽ thực sự trở nên điên loạn. Chúng tôi có một câu nói rằng chỉ có hai cầu thủ sẽ không đến Trung Quốc trong thời điểm này là Cristiano Ronaldo and Lionel Messi.
Còn những cái tên khác? Tất cả đều có khả năng rất cao. Tôi biết hầu hết những đại diện cầu thủ nổi tiếng ở châu Âu, và hiện nay tất cả bọn họ đều cố gắng đẩy khách hàng Trung Quốc nếu như khách hàng của họ không gặp thuận lợi ở châu Âu".
Còn nhớ hồi tháng 1 năm nay, kỷ lục chuyển nhượng cầu thủ ở Trung Quốc đã bị phá 3 lần chỉ trong vòng 10 ngày. Đỉnh điểm là vụ chuyển nhượng của Alex Teixeira từ Shakhtar Dontesk đến Jiangsu Suning với mức phí 38.4 triệu bảng Anh.
Và không chỉ là một chiều từ châu Âu tới Trung Quốc, vì cầu thủ Trung Quốc cũng 'hút hàng' ở châu Âu. Tuy nhiên, trong thời điểm mà Trung Quốc mơ thành bá chủ bóng đá thế giới, và các CLB được những tập đoàn lớn chống lưng để giúp chính phủ hiện thực hóa mục tiêu, thì cơ hội cho những cầu thủ xuất sắc trong nước ra nước ngoài thi đấu đang bị chặn lại.
"3 trong số các cầu thủ của tôi từng có cơ hội để thi đấu cho FC Copenhagen, Real Madrid và Chelsea trong 3 kỳ chuyển nhượng vừa qua," Romain Woo nói. "Vấn đề là họ đóng vai trò quá quan trọng trong đội hình đến mức các CLB chẳng thèm quan tâm đến mức phí chuyển nhượng khủng.
Có thể khi hợp đồng của họ hết thời hạn, hay khi bóng đá Trung Quốc chuyển sang một giai đoạn khác thì họ có thể xuất ngoại thi đấu. Nhưng nay thì Trung Quốc đang muốn giữ lại tất cả những cầu thủ nội giỏi nhất, cùng với những ngoại binh giỏi nhất".
Những cổ động viên cuồng nhiệt
Những cầu thủ nước ngoài góp phần tăng tính hấp dẫn cho bóng đá ở Trung Quốc, Jiangsu Suning FC là CLB chi bạo nhất CSL năm nay, và cổ động viên của đội bóng này tin rằng điều đó sẽ sớm mang lại cho CLB những thành tích tốt nhất.
Trong các trận đấu trên sân nhà, hơn 50.000 khán giả vừa vẫy những lá cờ lớn, vừa gào thét cổ vũ trong suốt 90 phút của trận đấu. Khán đài tuyền hai sắc xanh trắng của Jiangsu Suning.
Theo Cameron Wilson, một người Scotland đã sống ở Trung Quốc hơn 10 năm và là người sáng lập trang web Wild East Football cung cấp thông tin xếp hạng của các giải bóng đá Trung Quốc, nhận xét: "Điều tuyệt vời nhất của bóng đá Trung Quốc là văn hóa cổ động viên, rất ảo diệu.
Trong quá khứ, bóng đá Trung Quốc bị hủy hoại bởi nạn hối lộ, dàn xếp tỷ số, còn các sân vận động vắng khán giả. Trong hoàn cảnh đó, vẫn còn những người hâm mộ yêu bóng đá cuồng nhiệt và luôn mong muốn bóng đá Trung Quốc phát triển".
Chủ tịch CFA Ma Chengquan
Sự gia tăng mạnh mẽ số lượng cổ động viên là tin vui đối với người lãnh đạo CFA. Chính phủ Trung Quốc muốn tạo ra một ngành công nghiệp thể thao trị giá 550 tỉ bảng trong nỗ lực đa dạng nền kinh tế. Và bóng đá là tâm điểm trong nỗ lực đó.
Chủ tịch Ma Chengquan háo hức với việc các CLB đầu tư vào cơ sở vật chất, xây dựng những sân cỏ chất lượng hơn, và nâng cấp phương tiện truyền thông của họ.
Tuy nhiên, ông Ma Chengquan còn bận tâm đến những vấn đề khác nữa.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn đội tuyển bóng đá nam rời vị trí thấp kém 81 hiện nay để leo lên thứ hạng cao trên bảng xếp hạng FIFA. Và muốn thực hiện giấc mơ vô địch World Cup đó của Trung Quốc thì chủ yếu phải thông qua một CSL chất lượng.
Ông Ma Chengquan chia sẻ về chuyến viếng thăm nước Anh: "Tôi sang London hồi năm ngoái để tham quan giải ngoại hạng Anh và ông Richard Scudamore - giám đốc điều hành Premier League - nói với tôi rằng Anh và Trung Quốc có nhiều điểm chung.
Cả hai nước đều có Liên đoàn bóng đá tuyệt vời, với những CLB tuyệt vời. Thế nhưng đội tuyển quốc gia lại không thể hiện đuợc lối chơi đẳng cấp như cả nước kỳ vọng".
Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa Anh và Trung Quốc là những ông chủ CSL đều đồng lòng thực hiện yêu cầu của Chủ tịch nước. Cả nước đoàn kết, thống nhất vì mục đích chung.
Giành quyền tham dự vòng chung kết World Cup là mục tiêu đầu tiên. Tiếp theo là đăng cai tổ chức vòng chung kết World Cup năm 2030. Và đoạt danh hiệu cao nhất của bóng đá thế giới là tham vọng lâu dài.
Để thực hiện điều đó, Trung Quốc cần tổ chức đào tạo bóng đá. Ông Ma Chengquan nhận định rằng đó điều mà Trung Quốc không thể chỉ bỏ tiền ra để mua về mà cần phải đào tạo được những tài năng bóng đá cây nhà lá vườn.
Ông Ma Chengquan nói: "5 năm trước, tôi không thể hình dung được những điều đang diễn ra hiện nay, nhưng chúng ta chắc chắn sẽ được chứng kiến một sự phát triển to lớn ở CSL vì chúng ta nhận được rất nhiều sự quan tâm từ Chính phủ, từ khu vực tư nhân và từ các nhà đầu tư.
Đưa giáo dục bóng đá vào nhà trường là then chốt. Chúng tôi cũng nhận được sự ủng hộ của công chúng và điều đó giúp xây dựng một nền tảng vững chắc cho tương lai của bóng đá Trung Quốc".
Chuyên gia bóng đá trẻ Tom Byer
Pinggu, một thị trấn nhỏ ở phía đông Bắc Kinh, có thể sẽ đi vào những câu chuyện kể về lịch sử bóng đá Trung Quốc. Ở đó, dưới bóng Vạn lý trường thành, có ngôi trường tiểu học Jinhai Hu. Những học sinh nhỏ ở đây trở thành những người tiên phong khi chúng vào học một trong những ngôi trường được chọn làm trường dạy bóng đá, hiện thực hóa ý niệm đầu tiên trong tầm nhìn của Chủ tịch nước về tương lai bóng đá Trung Quốc.
Người mở ra lối đi mới này cho Trung Quốc là Tom Byer. Chuyên gia người Mỹ này từng góp phần vào sự phát triển của bóng đá Nhật Bản khi xây dựng một hệ thống giáo dục bóng đá ở xứ sở mặt trời mọc. Và Trung Quốc đã mời Tom Byer để thực hiện điều tương tự.
Tom Byer đang làm việc với Bộ Giáo dục Trung Quốc. Ông sẽ thăm 64 thành phố để quảng bá một loạt video huấn luyện sẽ được phát hàng ngày trong mọi lớp học ở Trung Quốc. Tom Byer nói: "Mục đích của chúng tôi là truyền sự tự tin cho trẻ em để chúng rèn luyện những kỹ năng ý nghĩa nhất cùng những kỹ năng cơ bản về dừng bóng, xuất phát và chuyển hướng".
Bên cạnh đó còn có cuốn sách "Bắt đầu chơi bóng tại nhà" với nội dung khuyên các bậc phụ huynh cần động viên con trẻ phát triển kỹ thuật đá bóng từ khi còn nhỏ. Ông Tom Byer nói thêm: "Một trong những điều quan trọng mà tôi luôn khuyên là cần tập trung vào các trẻ nhỏ ở độ tuổi dưới 6. FIFA có đến 209 thành viên, nhưng chỉ có 8 thành viên từng đoạt danh hiệu vô địch World Cup. Tại sao chỉ có một ít nước có khả năng thống trị bóng đá thế giới?
Nếu nghiên cứu bóng đá, bạn sẽ hiểu sự phát triển đóng vai trò thế nào. Thế nên cần phải thực hiện tốt hơn công tác giáo dục về bóng đá cho các gia đình Trung Quốc và các trẻ em. Để giúp họ biết họ có thể làm thế nào để tạo điều kiện cho con em chơi bóng từ khi con rất nhỏ".
Tom Byer thừa nhận rằng tiến trình này cần có thời gian và sự nhẫn nại. "Một trong những chỉ số phản ánh quan trọng không phải là được tham gia vòng chung kết World Cup mà chính là việc thường xuyên giành được quyền tham dự vòng chung kết World Cup dành cho lứa tuổi U.17. Trung Quốc có giành được quyền tham dự giải U.16 của khu vực?
Chúng ta cần đảm bảo rằng việc đào tạo bóng đá được xây dựng nhằm góp phần cho sự phát triển của bóng đá, và cũng để giúp các gia đình nhận ra rằng trẻ em tham gia các hoạt động thể lực sẽ học tập tốt hơn".
Tom Byer phân tích tiếp: "Liên đoàn mỗi nước luôn có thể thuê và sa thải những HLV xuất sắc nhất thế giới. Thế nhưng họ không thể thuê va sa thải các bậc phụ huynh. Họ phải gắn bó với phụ huynh của cầu thủ. Một khi đã hiểu được vai trò quan trọng của các bậc phụ huynh thì cần phải tập trung vào họ.
Không có đường tắt cho việc xây dựng một cường quốc bóng đá hay một nền giáo dục bóng đá. Tất cả đều phải bắt đầu với trẻ em. Nếu không xác định được điều đó ngay từ bước cơ bản thì Trung Quốc sẽ phải đi một con đường rất dài.
Hãy suy nghĩ về điều đó. Trung Quốc có 100 triệu trẻ em dưới 6 tuổi. Cho dù có phải loại đi rất nhiều thì vẫn có thể đào tạo được một số cầu thủ đẳng cấp thế giới".
HLV đội trẻ Mads Davidsen
Ở ngoại ô Thượng Hải có một trung tâm huấn luyện phức hợp của chính phủ chuyên đào tạo những tài năng trẻ của Trung Quốc trong các lĩnh vực bơi, chèo thuyền và cầu lông.
Đó cũng là địa điểm tập luyện của CLB bóng đá Shanghai SIPG. Và người huấn luyện cho đội trẻ Shanghai SIPG chính là HLV người Đan Mạch Mads Davidsen. Đến Trung Quốc 5 năm trước, Davidsen cũng làm trợ lý cho Sven-Goran Eriksson ở đội 1.
Mads Davidsen cho biết: "Ở Đan Mạch, nếu học viên bóng đá không thể trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, thì có thể vào thẳng đại học.
Ở Trung Quốc, bóng đá là cơ hội đổi đời. Tôi có những cầu thủ rất khát khao tập luyện. Chúng có mặt ở đây với nhiệm vụ rõ ràng. Chúng ở đây vì chúng cần phải có một sự nghiệp, và sự nghiệp đó không phải chỉ để phục vụ riêng cho chúng.
Theo văn hóa Trung Quốc, người trưởng thành phải chăm sóc cha mẹ. Đó là một trách nhiệm lớn lao. Là con trai thì phải chăm sóc cha mẹ".
HOÀNG ANH