Tại một số chợ truyền thống, chợ cóc, các tiểu thương đa số không niêm yết mà tự ra giá các mặt hàng rau, củ, quả “loạn cào cào” khiến người dân đi chợ bức xúc.

An Giang: Cán bộ sẽ cải trang đi kiểm tra, xử lý sai phạm tại chợ truyền thống

Tô Văn | 22/07/2021, 10:13

Tại một số chợ truyền thống, chợ cóc, các tiểu thương đa số không niêm yết mà tự ra giá các mặt hàng rau, củ, quả “loạn cào cào” khiến người dân đi chợ bức xúc.

Người bán tự ra giá, người mua tự trả giá

Theo ghi nhận của PV Một Thế Giới vào sáng 21.7, tại chợ Xẻo Trôm (P.Mỹ Phước, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) nhiều sạp thịt, rau, củ quả, các tiểu thương vẫn vô tư trả lời khi người viết bài có hỏi tại sao không treo bảng niêm yết giá cả, không sợ bị phạt sao? Thì đa số họ trả lời có ai thấy ai kiểm tra đâu, ông rảnh quá!

3-xeo-trom.jpg
Đa số các tiểu thương tại chợ Xẻo Trôm, P.Mỹ Phước, TP.Long Xuyên đều không có bảng niêm yết giá - Ảnh: Tô Văn

Rảo một vòng các sạp bán rau, củ quả đa số giá rau củ đều tăng gấp đôi, mặt hàng trứng cũng tăng, chỉ có mặt hàng thịt, cá vẫn bình ổn.

Một tiểu thương bán rau, củ quả (tại chợ Xẻo Trôm) cho biết, hiên nay tại các vựa ở chợ đầu mối (P.Mỹ Long, TP.Long Xuyên) họ tăng giá nên bắt buộc mọi người phải tăng theo.

“Như giá bí đao tui bán 35.000 đồng/kg, bầu 30.000 đồng/ kg, lúc trước dịch đâu có tăng cao như vậy, thường chỉ phân nữa giá tiền. Đây chú thấy bó rau rau muốn, mớ đậu bắp này không? Lúc trước có giá 10.000 đồng/kg, còn bây giờ lên 20.000/kg. Nói chung mặt hàng rau, củ quả đều tăng gấp đôi”, người này nói.

1-xeo-trom.jpg
Việc địa phương áp dụng phiếu (cách 1 ngày đi chợ), thì số lượng rau, củ quả buộc lòng những hộ gia đình phải mua gấp đôi - Ảnh: Tô Văn
5-xeo-trom.jpg
Chợ Mỹ Long, P.Mỹ Long, TP.Long Xuyên nơi tập trung đông các vựa đầu mối rau, củ quả - Ảnh: Tô Văn

Theo quan sát của PV, những khách đến chợ không đông lắm vì địa phương đã phát phiếu đi chợ mỗi ngày để tránh việc tập trung đông người. Còn tại các sạp rau, củ, quả đa số người dân đến mua hỏi giá rồi bỏ đi, chỉ số ít cần mới buộc lòng móc ví tiền.

Chị Trần Trang (35 tuổi, P.Mỹ Phước, TP.Long Xuyên) cho biết: “Sáng nay đi chợ không có cảnh chen chúc, địa phương làm rất tốt công tác phòng chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, tại chợ này không thấy để giá niêm yết nên khi hỏi người bán thấy họ tự ra giá về mặt hàng rau rất cao. Vì vậy, khi tui muốn mua buộc lòng phải “trả giá”, mà không biết có mua “hố” không nữa”, chị Trang nói.

Anh Tuấn (49 tuổi, ngụ P.Mỹ Phước,TP.Long Xuyên) bức xúc: “Gia đình tôi rất khoái ăn rau, củ quả nên mỗi khi đi chợ là mua rất nhiều. Việc địa phương áp dụng (cách 1 ngày đi chợ) thì số lượng rau, củ quả buộc lòng tôi phải mua gấp đôi. Khi đi ra chợ thì thấy các tiểu thương loạn giá bán, mạnh ai nấy đưa ra giá của mình, nhìn xung quanh không thấy một tấm bảng niêm yết giá nhất định để người mua khỏi bâng khuâng để lựa chọn mặt hàng mình thích. Kiểu “loạn giá cào cào” này tôi thấy bức xúc lắm. Mỗi lần hỏi tại sao giá rau, củ quả lại tăng cao thì họ nhìn mình với ánh mắt như người ngoài hành tinh và trả lời tỉnh queo, tui lấy ở vựa, tụi nó lên giá thì tui bán lên, không mua thì thôi”, anh Tuấn chia sẻ.

2-xeo-trom.jpg
Kiểm soát phiếu đi chợ hằng ngày tại một chợ truyền thống trên đia bàn TP.Long Xuyên - Ảnh: Tô Văn

Sẽ “cải trang” kiểm tra niêm yết giá tại các chợ truyền thống hay chợ cóc

Để trao đổi rõ hơn về việc niêm yết giá ở các chợ truyền thống, chợ cóc và cách xử lý, biện pháp của cơ quan chức năng để thông tin khách quan hơn, ông Huỳnh Ngọc Hồ - Phó Cục trưởng, Cục quản lý thị trường tỉnh An Giang cho biết, hiện nay Cục quản lý thị trường tỉnh đã phối hợp với Sở Công Thương bám theo theo kế hoạch của Bộ Công Thương đã tiến hành tác kiểm tra các siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng bách hóa.

“Lúc ngày đầu bước vào thời điểm giãn cách chiều 14.7, tình hình biến động phức tạp về giá do một số tiểu thương, cửa hàng tiện ích, chợ cóc, chợ truyền thống... tự nâng giá, bán không đúng với giá niêm yết. Nhưng khi lực lượng chức năng đến họ lại treo đúng giá. Nên khi lại kiểm tra thì không có chứng cứ xác định họ tự ý nâng giá. Vì vậy, cơ quan chức năng chỉ nhắc nhở, tuyên truyền cho họ”. ông Huỳnh Ngọc Hồ nói.

4-xeo-trom.jpg
Ngành chức năng vừa lập biên bản vi phạm không niêm yết giá tại cửa hàng Bách Hóa Xanh số 37, xã Vĩnh Bình, H.Châu Thành - Ảnh: Anh Hồ 

Ông Huỳnh Ngọc Hồ thông tin thêm, việc tuyên truyền, kiểm tra "gắt" của cơ quan chức năng nên qua ngày 15.7, tình hình có vẻ lắng dịu xuống không còn phức tạp hay diễn ra việc tự ý tăng giá. Tính đến thời điểm này, công chức quản lý thị trường đều tăng cường xuống các vựa đầu mối, chợ cóc, chợ truyền thống để tuyên truyền cho tiểu thương bán đúng giá. Nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm với những người tự ý nâng giá.

“Hiện nay, các chợ truyền thống, chợ cóc cơ quan chức năng đã bắt buộc họ đều niêm yết giá. VD: Sạp bán thịt heo, rau, củ quả phải có bảng giá (viết tay cũng được, không nhất thiết phải theo mẫu), nếu khi đến kiểm tra họ không có bảng niêm yết thì sẽ xử lý thật nặng. Cái khó khi kiểm tra thì họ trưng ra, khi lực lượng rút về thì họ lại đem cất. Vì vậy, sắp tới Cục quản lý thị trường sẽ cử công chức “cải trang” để bắt quả tang việc này. Còn nói về trách nhiệm của Ban quản lý chợ thì Cục chỉ phối hợp và yêu cầu mấy cán bộ Ban quản lý chợ nhắc nhở những người tiểu thương bán trong khu vực của mình bán đúng giá”, ông Huỳnh Ngọc Hồ nhận định.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
An Giang: Cán bộ sẽ cải trang đi kiểm tra, xử lý sai phạm tại chợ truyền thống