Brexit được ví như một “cơn địa chấn” trong thị trường tài chính toàn cầu, có ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của đời sống, xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đó cũng là lý do mà Brexit được báo cáo trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6.2016 diễn ra vào ngày 30.6.
Tác động dài hạn
Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Đình Quý cho biết, theo kết quả kiểm phiếu trưng cầu dân ý được công bố, Anh đã chọn rời EU với tỷ lệ ủng hộ 51,89%. Hầu hết những điểm bỏ phiếu ở Anh và Xứ Wales đều chọn rời EU. Ngược lại, khu vực Scotland và Bắc Ireland không muốn rời EU.
Theo ông Quý, số ủng hộ ra chủ yếu là những người già, ở nông thôn. Số ủng hộ ở lại đa phần là những người trẻ, có trình độ học vấn và chủ yếu sống ở thành thị.
Ông Quý nhân định, điều này làm cho cả thế giới bị sốc và giới đầu tư bàng hoàng. Báo cáo của Bộ Kế hoạch – Đầu tư tại phiên họp cũng ghi nhận tỷ giá VNĐ/USD tại các ngân hàng thương mại tăng nhẹ trong mấy ngày qua chủ yếu do yếu tố tâm lý từ việc người Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU).
Theo đó, nguyên nhân chính được xác định có hai nhóm:
Thứ nhất là có sự mâu thuẫn giữa xu hướng dân tộc chủ nghĩa và xu hướng quốc tế. Hai xu thế này tồn tại rất lâu đời trong quá trình hình thành EU.
“Riêng nước Anh, đây là một quốc đảo, có vị trí địa lý cũng như văn hóa đặc thù. Hơn nữa, nước anh có tính thực dụng trong đối ngoại. Trong lịch sử EU thì Anh là nước tham gia sau. Gia nhập năm 1973 thì 2 năm sau Anh đã đòi ra khỏi EU, tuy nhiên, cuộc trưng cầu dân ý lúc đó thì số người muốn ở lại nhiều hơn” – ông Quý nhấn mạnh.
Nguyên nhân thứ hai là khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn, thành thị, giữa các tầng lớp người rất lớn.
Theo ông Quý, hiện nay, người Anh họ cũng thất vọng về cách EU giải quyết những thách thức mà khối này đang phải đối mặt. Ví dụ như vấn đề nóng bỏng nhất hiện nay như nhập cư, nợ công …
“Về phía Thủ tướng Anh thì quá chủ quan về vấn đề này nên khi biết kết quả trưng cầu dân ý ông ấy đã khóc rưng rức”- ông Quý nói.
Ông Quý cũng dự đoán, sắp tới Anh sẽ bầu cử lại và Thủ tướng mới sẽ khởi động quá trình đàm phán. Thông qua quá trình này, 2 năm sau nước Anh mới có thể chính thức rời EU. Tất nhiên, vẫn có khả năng Quốc hội Anh không đồng ý với kết quả trưng cầu dân ý vừa qua và người dân sẽ tiến hành trưng cầu dân ý lại như trường hợp của Iceland.
Tuy nhiên, theo ông Quý, nhiều dự đoán rằng trong tình hình của nước Anh hiện nay, khả năng trưng cầu dân ý lại là rất ít.
Ông Quý nhận định rằng, việc Anh rời EU sẽ có tác động cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn đối với cả EU và thế giới. Đồng bảng Anh bị tác động mạnh, vị thế trung tâm kinh tế tài chính của Anh cũng sẽ giảm sút.
Sự kiện chính trị chứ không đơn thuần kinh tế
Theo ông Quý, sự kiện này là sự kiện chính trị chứ không đơn thuần chỉ là sự kiện kinh tế. Nhiều người dự đoán việc này có tác động như cuộc khủng hoảng kinh tế như năm 2007-2008 là không chính xác, không nghiêm trọng đến mức như thế.
“Tác động trực tiếp của việc Anh rời EU đến Việt Nam không nhiều, nhưng tác động gián tiếp thì cần phải tính toán, chưa đánh giá hết được. Bởi vì đối với Việt Nam, EU là đối tác thương mại lớn thứ 2 sau Trung Quốc, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 sau Mỹ và là nhà đầu tư lớn vào nước ta” – ông Quý nói.
Trước đó, sáng 24.6, tại cuộc họp báo công bố Báo cáo tổng quan thị trường và giá cả tháng 6 và 6 tháng nửa đầu năm 2016, bà Đỗ Thị Ngọc cho biết việc Anh ra đi hay ở lại EU tác động nhiều đến các nền kinh tế trên thế giới. Ở châu Á, những nền kinh tế chịu ảnh hưởng mạnh của việc này là Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore… Tuy nhiên, Anh rời EU lại gần như không tác động nhiều đến nền kinh tế của Việt Nam.
Giải thích cho nhận định này, bà Ngọc cho rằng Việt Nam mặc dù tham gia ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như TPP, EVFTA nhưng hiện các hiệp định chưa có hiệu lực. Hơn nữa, mức độ hội nhập của Việt Nam chưa sâu rộng mà mới chỉ trong giai đoạn bắt đầu nên chịu ảnh hưởng từ Brexit không nhiều.
TS. Võ Trí Thành cũng cho rằng, hình ảnh mà nhiều người ví Brexit như cơn địa chấn, trận động đất đối với nền kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu không phải không có lý vì những tác động tức thời là rất lớn, thể hiện dịch chuyển dòng vốn lớn khỏi Anh, mức độ mất giá sâu của đồng Bảng Anh và phản ứng rất tiêu cực của hàng loạt thị trường chứng khoán trên thế giới.
"Cũng cần hiểu Brexit có tác động nhiều chiều cạnh, không chỉ kinh tế, tài chính, thương mại, mà cả về chính trị, xã hội. Trong tác động nhiều chiều đó, có tác động tức thời, trước mắt, có tác động trong trung, dài hạn” – TS. Thành nói.
Theo đó, tác động này không chỉ đối với bản thân nước Anh, mà với không ít kịch bản đưa ra, tác động tiêu cực có thể diễn ra đối với kinh tế của cả khu vực địa lý rộng lớn là Châu Âu, những nền kinh tế chủ chốt và cả thế giới.
Trí Lâm