Đã có nhiều phân tích về các ưu điểm khi vận dụng dịch lý và thuật phong thủy để xây kinh thành Huế, ở đây chúng tôi muốn nhắc đến khía cạnh khác mà các nhà nghiên cứu đã nêu ra về vài sự khiếm khuyết tất nhiên của một cuộc đất đúng với lẽ “bất toàn” vốn có trong mọi sự trên đời.
Hoàng đế bị chết đói và điềm lành trên mộ đêm mưa
Tọa lạc trên một cuộc đất “sơn triều” và “thủy tụ” - chung quanh đều được nước bao bọc là điều rất tốt cho kinh thành Huế, song “phía tây kinh thành lại có khí núi xung sát, sông Hương uốn khúc vì thế hành Kim rất vượng. Điều này sẽ có hại cho phía đông, chủ hành Mộc (Kim khắc Mộc). Mộc yếu sẽ dẫn đến sự hạn chế về của cải, dân chúng, thương mại…; Kim động sẽ gây hại cho dương trạch nên dễ sinh tật bệnh, tổn hại gia đạo” (Vĩnh Cao).
Về “dễ sinh bệnh tật” ta có thể liên tưởng đến căn bệnh “không thể có con” của vua Tự Đức khiến nhà vua phải nhận ba người cháu là con của các anh ruột mình làm con nuôi: Ưng Chân, Ưng Kỷ và Ưng Đăng. Chính từ đây đầu mối “tổn hại gia đạo” trong dòng Nguyễn hiện hành. Nguyên trước khi Tự Đức mất (Quý Mùi 1883) đã gọi đại thần phụ chính Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết vào căn dặn việc truyền ngôi theo di chúc:
“Trẫm nuôi sẵn ba con, Ưng Chân cố nhiên là học lâu trưởng thành, chính danh đã lâu, nhưng mặt hơi có tật, giống kín không rõ ràng, sợ sau không sáng, tính lại hiếu dâm, cũng rất không tốt chưa chắc đương nổi việc lớn cuộc đất phi thời. Nhưng nước cần có vua nhiều tuổi, đương lúc khó khăn này không dùng hắn thì dùng ai” (tài liệu của Quỳnh Cư – Đỗ Đức Hùng).
Trần Trọng Kim cũng viết: “Khi ngài (Tự Đức) sắp mất, có để di chiếu nói rằng: đức tính ông Dục Đức (tức Ưng Chân) không đáng làm vua, mà ý ngài muốn lập ông Dưỡng Thiện nhưng vì ông ấy còn bé, mà việc nước cần phải có vua lớn tuổi cho nên phải lập con trưởng (là Ưng Chân lên ngôi)”.
Tại lễ đăng quang, Dục Đức không muốn đọc đoạn nhận xét về mình trong di chiếu nên đến đoạn ấy đại thần Trần Tiến Thành đọc nhỏ lại để không ai nghe rõ. Hai hôm sau, Nguyễn Văn Tường đọc tuyên cáo phế truất Dục Đức vì tội dám che giấu một đoạn di chiếu của vua cha và các tội khác như không mặc áo tang (màu trắng) mà lại mặc áo thường (màu xanh) khi cử hành lễ tang vua cha, hoặc thông dâm với các cung nữ của cha mình, rồi đưa Dục Đức vào biệt giam trong một phòng riêng tối tăm, bỏ đói nhiều ngày.
Thỉnh thoảng một người hầu cũ của Dục Đức liều chết tìm cách đưa cho vua nắm cơm với một manh áo có nhúng nước để vắt uống. Đâu khoảng non một tháng sau, Dục Đức kiệt sức chết đói, xác bị cuốn trong manh chiếu cột lại để hai người lính cáng ra khỏi kinh thành lúc nửa khuya trời đang mưa.
Họ định sẽ âm thầm đem lên chùa Tường Quang ở vùng An Cựu phía bên kia hữu ngạn sông Hương là ngôi chùa do người họ hàng bên vợ của vua Dục Đức (bà Từ Minh) dựng lên chừng 7 – 8 năm trước đó. Tương truyền, khiêng thi hài của vua đến gần chùa ấy bỗng có tiếng sấm vang kèm theo một lằn chớp ngoằn ngoèo lóe lên ở phía tây làm người lính đi đầu giật mình đứng khựng lại. Liền đó sợi dây bó manh chiếu bị đứt, khiến thi hài của vua lăn xuống một vũng nước lớn ướt đẫm. Quá sợ, hai người lính kia vội chạy vào chùa cấp báo và nhờ xử trí giùm. Nhà chùa có người rành việc cát hung về địa lý phong thủy và mộng triệu lành dữ mới quyết đoán rằng:
- Đây là điềm tốt, hợp với phép “thiên táng” nghĩa là trời giúp chỉ cho biết nơi chôn cất. Cũng là theo lẽ “nhân định” tức ý muốn của vua tự chọn huyệt cho mình trong cuộc đất phi thời. Xét như thế thì hãy cứ để vua an nằm ở nơi ngã xuống đó, lấp đất lại làm mồ cho vua, sau này biết đâu sẽ ứng tới việc phát đạt không chừng…
Vậy là Dục Đức làm vua chỉ được ba ngày, cũng là vị vua đầu tiên và duy nhất của triều Nguyễn bị chết đói trong nhà giam, được chôn cất một cách vội vàng như thường dân trong đêm mưa ở một địa điểm đầy giai thoại như kể trên. Chừng 6 năm sau (1889), trải nhiều biến cố dồn dập và phức tạp, triều đình đưa con ruột của vua Dục Đức là Nguyễn Phúc Bửu Lân lên ngôi, tức vua Thành Thái, đã cho xây mộ vua cha khang trang thành An Lăng, xây thêm điện Long Ân để thờ cúng, lập các dãy nhà quanh đó để các vợ thứ của vua Dục Đức trú ngụ lo hương khói quanh năm.
“Nhất giang lưỡng quốc” và cuộc đất Tân Sở
Để kiểm soát mọi việc, ngay thời vua Tự Đức người Pháp đã buộc triều đình Huế phải nhường một khu đất rộng khoảng 40.000m2 để họ xây cơ sở “bảo hộ” đầu tiên với tên gọi Tòa sứ (L’hôtel de la Légation) hoàn thành giữa năm 1878, sau xây thêm nhiều công trình kiến trúc khác và gọi là Tòa Khâm sứ (La Résidence Supérieure de l’Annam) – hoặc Tòa Khâm.
Sơ đồ thành Tân Sở
Về vị trí, Tòa Khâm (của Pháp) nằm bên hữu ngạn sông Hương, đối diện với kinh thành Huế (của Việt Nam) nằm bên tả ngạn. Khoảng giữa của hai cơ sở quyền lực (Việt – Pháp) là con sông Hương – dòng sông với vị thế là một “minh đường” tốt đẹp theo địa cuộc phong thủy của kinh thành ngày trước, đến đó đã phai dần thời vàng son để trở thành một dòng chảy đầy vơi chua xót qua câu đối lưu truyền:
“Nhất giang lưỡng quốc” nan phân thuyết
Tứ nguyệt tam vương triệu bất tường
Hai câu trên đại ý nói: Một dòng sông (Hương) có hai quốc gia đóng đối mặt nhau trên hai bờ (nhất giang lưỡng quốc) thật chẳng nói nên lời! Bốn tháng trôi qua (từ tháng 7 đến tháng 10 Quý Mùi) mà có đến ba vua (tứ nguyệt tam vương) thay nhau lên ngôi rồi chết đi (Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc) đúng là điều chẳng lành (triệu bất tường). Điều “bất tường” xảy đến ngay sau ngày vua Hàm Nghi lên ngôi (kế vị Kiến Phúc) lúc 12 tuổi mà không thống báo trước cho Tòa Khâm biết theo yêu cầu trước đó của Khâm sứ Rheinart nên Rheinart rất bực tức. Đợi đến khi Thống tướng De Courcy đem thêm quân Pháp vào Huế ngày 19.5.1885 cho đòi hai quan phụ chính là Tường và Thuyết sang dinh Khâm sứ để hạch sách lấy cớ gặp nhau bàn việc “yết kiến vua Hàm Nghi”.
De Courcy buộc phải mở cửa chính để quan quân của Pháp cùng vào. Triều đình cho là trái với quốc lễ nên chỉ đồng ý để De Courcy vào cửa chính Ngọ Môn còn quan lính khác phải theo cửa phụ ở hai bên mà vào. Thống thướng không chịu cuộc đất phi thời. Hai bên căng thẳng nhau. Đến trưa 22.5, Cơ mật viên phái người qua dinh Khâm sứ để bàn lại việc ấy nhưng De Courcy không tiếp. Bà thái hậu Từ Dũ sai mang lễ vật sang dinh tặng thống tướng nhưng De Courcy từ chối không nhận.
Vua Hàm Nghi lúc trẻ
Trước đòi hỏi vô lễ và nhiều điều ép uổng khác, Tôn Thất Thuyết quyết định khai chiến, nửa đêm 22.5 nổ súng nả sang dinh Khâm Sứ và đánh trại lính của Pháp ở Mang Cá. Mờ sáng 23.5, Pháp phản công mạnh, quân ta thất thế rút chạy, Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi ra Tân Sở… Người ta đã nhắc đến Tân Sở trong khá nhiều tài liệu lịch sử. Để bạn đọc tìm hiểu về cuộc đất Tân Sở mà từ thời Tự Đức đã được bắt tay xây dựng theo hướng một “kinh đô mới”.
Nơi đó vua Hàm Nghi chỉ ở lại chóng vánh trong vài ngày song đã trở thành một trong các sự kiện khó quên. Chúng tôi chọn để trích giới thiệu với bạn đọc một đoạn ngắn phù hợp với việc suy ngẫm về địa lý và cuộc đất Tân Sở qua tài liệu của một người Pháp là H. De Pirey đăng cách đây đã gần 100 năm trên tạp chí BAVH 1914. Tác giả đã đến Tân Sở để thu thập tài liệu và tận mắt mô tả những điều trông thấy:
“Kinh thành Tân Sở (tân: mới, sở: nơi cư ngụ) bắt đầu xây như người ta kể cho tôi vào năm Quý Vị tức là 1883, và trước khi vua Tự Đức băng hà. Kinh thành ấy ở cách 10 hay 15km phía Tây Nam huyện Cam Lộ, trên cao nguyên độ khoảng 101m cao và giáp phía Bắc – Tây Bắc làng Bảng Sơn, phía Nam – Tây Nam làng Việt Yên và phía đông làng Mai Đàn. Hình dáng là vuông có cạnh là 180m và có hai lớp thành chính. Đường đi ngày nay từ Cam Lộ đến Mai Lãnh đâm suốt qua kinh thành chênh chênh theo hướng Bắc Nam.
Vòng thành thứ nhất gồm có một dãy cọc đóng sâu vào đất đường kính từ 20 đến 25cm, cao cách mặt đất đến 4m và có cột lại bằng mây. Bốn hàng tre trồng song song và ở giữa có một cái hào sâu và rộng 10m. Các lũy tre này đều được trồng từng cụm do quân lính đảm nhiệm trồng trọt và đào trong các làng của phủ Triệu Phong và phủ Cam Lộ. Phía trong lớp thành này có bốn giếng nước ở bốn góc và miệng giếng vòng quanh đến 7,8m. Các giếng ấy sâu đến 150 thước (như vậy bằng 20m) do các phạm nhân (tù nhân) ở Ải Lao đào và ông Nguyễn Văn Tường ra lệnh đào rộng để làm giếng công cộng. Khi xuống giếng phải đi con đường vòng quanh rất chật hẹp nguy hiểm và mặc dù đã làm công phu nhưng không bao giờ có thể có nước uống được, các tù nhân lại phải đi đến tận làng Bảng Sơn để múc nước dùng hàng ngày để đủ nước cung cấp cho dân trong kinh thành” (Đặng Như Tùng dịch, Bửu Ý hiệu đính). Theo thuật phong thủy và cả sinh hoạt đời sống bình thường, việc xây thành ở vị trí thiếu nước như thế rất không tốt.
Chúng tôi hy vọng đoạn mô tả vị trí và đặc điểm địa cuộc Tân Sở của H. De Pirey trên đây sẽ cung cấp đến bạn đọc thêm một tài liệu để nhận định về thế đất phi thời, nơi vua Hàm Nghi đến ở ngắn ngày sau đêm kinh đô quật khởi, cũng là nơi Pirey và các dịch giả gọi là một “thủ đô phù du” của triều Nguyễn.
Để rồi sau đó, từ Tân Sở, vua Hàm Nghi phải lánh xa hơn về phía Bắc cùng lúc với lời hiệu triệu Cần Vương cứu nước. Nhưng không lâu, vua bị thực dân Pháp bắt đày sang Alger. Cuộc sống lưu đày của ông được Mathilde Tuyết Trần viết đến với nhiều hình ảnh vừa công bố cuối năm 2011. Chúng ta sẽ trở lại với đề tài phong thủy về Tân Sở, cũng như các cuộc đất khác của các vua triều Nguyễn trong những kỳ tiếp theo…
Theo Tạp chí Duyên Dáng Việt Nam – Bài: Giao Hưởng – Ảnh: Tư liệu