Từ năm vua Gia Long lên ngôi (1802) đến Bảo Đại thoái vị (1945) tính ra nhà Nguyễn tồn tại 143 năm và đã gắn bó với vùng đất phương Nam sâu đậm hơn hẳn các triều đại trước đó – cả về phương diện nghiên cứu những đặc điểm địa lý lẫn việc ứng dụng phong thủy khi xây thành đắp lũy ở vùng này…

Bài 24: Đất Phương Nam & Chuyện hai cự phú Sài Gòn

Một Thế Giới | 29/10/2013, 00:45

Từ năm vua Gia Long lên ngôi (1802) đến Bảo Đại thoái vị (1945) tính ra nhà Nguyễn tồn tại 143 năm và đã gắn bó với vùng đất phương Nam sâu đậm hơn hẳn các triều đại trước đó – cả về phương diện nghiên cứu những đặc điểm địa lý lẫn việc ứng dụng phong thủy khi xây thành đắp lũy ở vùng này…

“Núi này là xương của đất, nước là máu của đất” – xương máu hòa nhịp tương thông làm nên đất đai phương Nam, sinh ra anh hùng hào kiệt, trung thần liệt nữ, danh sơn thắng địa, ngọc ngà cùng kỳ hoa dị thảo và linh vật trời Nam. Cách nhìn “sơn thủy” với tấm lòng trân quý thiết tha trên được ghi trong Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức là “tác phẩm nổi tiếng đương thời và đến nay vẫn còn nguyên giá trị”, biên soạn thời vua Gia Long.

Hai chữ “Gia Định” trong Gia định thành thông chí dùng chỉ chung cả Nam Bộ, được định vị: “thuộc về quẻ Ly (…) hỏa thịnh nên kim suy – cuối mùa thu còn nóng, khí kim không thể đọng lại thành giọt được”. “Gia Định về phương Ly, âm ít dương nhiều (…)thường có nhiều mây đỏ đều do khí Hỏa ở phương Ly phát ra –  lại tự có mây trong đất bốc lên, cơn đen mù mịt (…) ẩn hiện thấy như hình đầu rồng, đuôi rồng, gió cuộn nước duềnh… từ dưới lên, bỗng mưa lai láng, tục gọi là: rồng lấy nước” (1).

Những ngọn núi huyền bí

Núi Thần Quy với đỉnh nhọn nổi vọt lên cao vút, rồi tỏa xuống giăng ra một mạch núi chạy dài tới biển. Núi này nằm cách trấn lỵ Biên Hòa 445 dặm về phía tây, ở vị trí phong thủy thuộc Hợi long (có nghĩa: long mạch ở về ngôi Hợi, tức là góc phương tây bắc – Đào Duy Anh giải thích). Đầu nguồn của núi này có một khối đá lớn chặn ngang dòng suối đang tuôn ra – hình dạng trông như một con rùa với chân tròn và cái đầu to có thể thay đổi xê dịch hướng nhìn.

Hễ năm nào đầu rùa quay về phía tây (ngược với dòng suối chảy) mực nước năm ấy sẽ ở mức bình thường, nhu hòa. Nhưng nếu nó nhìn về hướng đông (thuận theo dòng suối) năm ấy nước lũ sẽ dâng cao, có lụt lớn. Vì thế hàng năm dân chúng quanh vùng để ý quan sát xem rùa đá nhìn về hướng nào sẽ theo đó đoán biết mức lũ lụt cao hoặc thấp để lo liệu phòng bị trước. Do những dự báo linh nghiệm của “khối đá rùa” nên người ta lấy đó đặt tên núi là Thần Quy.

Đến thời Tự Đức, Đại Nam nhất thống chí cũng chép núi Thần Quy nằm ở cực giới phía tây tỉnh Biên Hòa nối với sơn mạch từ Tổ sơn phía chính bắc kéo đến” (2). Cao Trung giải thích Tổ sơn là nơi xuất phát của long mạch – và khi long mạch từ xa chạy tới một vùng nào muốn làm đất kết thì nổi lên một ngọn khác thường, cũng được gọi Tổ sơn, nhưng đó chỉ là “Tổ tôn sơn của một khu chứ không phải là thủy tổ của các ngôi đất kết trong toàn vùng (…) ví dụ như núi Gia Rai ở Long Khánh” (3). Trên Tổ sơnThái tổ sơn  và Thái tổ sơn của tất cả các cuộc đất trên thế giới là núi Hy Mã Lạp Sơn – Hymalaya” (4). Còn núi Thần Quy là Thái tổ sơn của một phương” (5).

Núi phương Nam từ cực giới phía Tây tỉnh Biên Hòa xưa lớp lớp kéo dài thành những dãy trùng điệp. Có ngọn “làm án viễn triều” cho thành Gia Định (Mỗi Xoài). Có ngọn như rồng xanh uốn lượn ven biển, để cuối núi “m bình phong cửa Cần Giờ từ ngoài xa” (Ghềnh Rái). Có ngọn đứng từ thành Gia Định thấy “như hạt ngọc đang phô bày vẻ đẹp” (Bà Vãi). Có ngọn xây chùa ẩn hiện với “động đá và giếng đá”(Chứa Chan)

Lại có ngọn nổi tiếng như núi Bà Đen với hồ lớn, tục truyền xưa kia người ta thấy từ dưới hồ có chiêng vàng và khánh vàng nổi lên mặt nước và hai cự phú Sài Gòn, hoặc những đêm trời trăng mây tạnh chợt thấy thuyền rồng hiện ra trên hồ với bóng người xiêm y lã lướt đang múa hát theo dòng “đó là vì khí thiêng chung đúc, không phải là quái gở đâu” (6).

Bai 24: Dat Phuong Nam & Chuyen hai cu phu Sai Gon-hinh-anh-1

Dãy Thất Sơn huyền bí giữa đồng bằng An Giang

Xa hơn về phía Nam có dãy Thất Sơn huyền bí gồm những ngọn núi nổi lên giữa đồng bằng An Giang, còn lưu truyền nhiều câu chuyện kỳ bí về vị giáo chủ Bửu Sơn Kỳ Hương là Phật Thầy Tây An chữa bệnh cứu người và giải trừ những mưu hại phong thủy cho vùng này. Ngài phái các vị trong 12 đại đệ tử của mình (thập nhị hiền thủ) đến những nơi bị “ếm” để hóa giải, lớn tuổi nhất là Đức Quản cơ Trần Văn Thành được giao“đi cắm 4 thẻ quanh vùng núi Thất Sơn theo hướng Đông, Tây, Nam, Bắc và một thẻ (ở vị trí) trung ương”.  Về hướng bờ sông Vĩnh Tế, ngài giao La Hồng tiên sinh đi “lấy (hủy trừ) một lá ếm (yểm) của người Tàu tại Bãi Bài (…) vì tục truyền đó là vì người Tàu đã bí mật trấn ếm long mạch của Việt Nam” (Lê Hồng Quang, Thân thế sự nghiệp Phật Thầy Tây An – tài liệu nghiên cứu Kim Cổ Kỳ Quan, xuất bản số 123-TTT/PK1 Sài Gòn 1957). Và sau này “đức Bổn sư ở núi Tượng (tức ngài Ngô Lợi) cũng lấy một lá “ếm” của người Tàu tại Núi Nước (Thủy Đài sơn) ở xã Ba Chúc, huyện Tri Tôn” (Tài liệu đã dẫn).

Phật Thầy Tây An là vị giáo chủ yêu nước và đạo Bửu Sơn Kỳ Hương do ngài sáng lập là “đạo Phật Việt Nam, đạo của người Việt Nam”, được xem là “tông phái mở đầu phong trào tôn giáo cứu thế bản địa ở miền Nam với giáo thuyết tứ ân, lấy ân đất nước làm trọng – xưa gọi ân quốc vương thủy thổ” (Nguyễn Hữu Hiệp). Tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương đứng lên chống Pháp với cuộc khởi nghĩa vang dội của Quản cơ Trần Văn Thành ở rừng Bãi Thưa. Hoặc những hoạt động yêu nước chống thực dân của Đức Bổn sư Ngô Lợi ở núi Tượng đã tiếp tục giữ gìn và bồi đắp hồn thiêng của thắng địa Thất Sơn…

Bai 24: Dat Phuong Nam & Chuyen hai cu phu Sai Gon-hinh-anh-2

Tượng Phật Di Lặc trên núi Cấm, An Giang

Chuyện hai cự phú và vùng đất “đại cát” ở Sài Gòn

Cuối triều Nguyễn, hồi Pháp đã qua mở cửa làm ăn rộn rịp, hai cự phú Sài Gòn có đại phú gia Quách Đàm dám đứng ra mua đứt nhà máy đường Hiệp Hòa của Pháp đang hồi thua lỗ để mong vực nó dậy khỏi cơn nguy ngập như một “hiệp sĩ” kinh tế. Ông còn mua tàu thủy để chở khách đường biển, cạnh tranh cả với các chủ hãng vận tải người Âu, lại mở rộng kinh doanh đủ mặt hàng mà “đụng đâu thắng đó”, trở thành một trong các đại gia đáng nể trên thương trường Đông Dương, được chính phủ Pháp trao tặng Bắc đẩu bội tinh đệ ngũ đẳng, danh tiếng vang khắp Nam Kỳ.

Tất cả thành đạt với hào quang ấy được Quách Đàm khởi nghiệp từ hai giỏ tre trên vai, thường ngày đi mua ve chai trên đường phố. Dành dụm khá lên một chút, Quách Đàm chuyển sang buôn da trâu bò, mua bán vi cá, bong bóng cá và tìm đến một ông thầy địa lý có danh ở đất Sài Gòn- Gia Định để xin chỉ cho mình nơi đặt cửa hiệu có thế phong thủy đại cát. Thầy chỉ cho Quách Đàm một cuộc đất nằm bên con kênh thông nước ở Quai de Gaudot vùng Chợ Lớn.

Sau này con kênh trên bị lấp để làm đường Khổng Tử (nay là đường Hải Thượng Lãn Ông quận 5, TP. HCM – còn đường Khổng Tử hiện ở làng đại học Thủ Đức). Quách Đàm nghe theo, dựng cửa hiệu nhà buôn Thông Hiệp của mình ở đó, về sau công việc làm ăn phát đạt hẳn lên, tiến đến nhập khẩu đường cát và xuất khẩu lúa gạo ra nước ngoài, giàu sụ khá nhanh, ứng với “cái mộng phong thủy đầu rồng” do thầy địa lý chỉ bảo. Chuyện này cụ Vương Hồng Sển kể trong Sài Gòn năm xưa đại ý:

Bai 24: Dat Phuong Nam & Chuyen hai cu phu Sai Gon-hinh-anh-3

Tượng Quách Đàm trong chợ Bình Tây, Q5

Khi đến thời cực thịnh, Quách Đàm được cả “Thống đốc Nam Kỳ Cognacq, làm cao không ai có, thế mà cũng hạ mình cầu thân với Đàm”. Được thời, ông phóng tay kinh doanh địa ốc, cất chợ Bình Tây và “đứng bảo lãnh (avaliser) cho con nợ nhà băng Đông Dương ngân hàng” để chỉ nằm “hút nha phiến đêm ngày đèn không tắt” mà tiền hoa hồng từ bên ngoài đưa vào xài không hết. Nhưng dứt thịnh thì tới suy, gặp giai đoạn khủng hoảng kinh tế thế giới, Quách Đàm bị ảnh hưởng nặng bởi phố xá không ai thuê và nợ vay ngân hàng chồng chất dẫn đến nguy cơ phá sản.

Nhưng ông không đổ lỗi cho thầy địa lý, vì ông nghiệm lời thầy nói đúng, mà “chỉ căm thù ai kia đã lấp con kinh trước nhà làm hư phong thủy. Đàm đinh ninh tin tưởng vào lời thầy địa lý năm xưa, dạy rằng chỗ Đàm đóng đô là “đầu một con rồng”, khúc đuôi rồng nằm tại biển cả ! Dặn coi chừng đừng cho lấp kinh, tức lấp mạch rồng, và nếu một mai mạch rồng khô cạn, nguy cơ cho cơ nghiệp họ Quách”.

Ngày Quách Đàm chết đám ma cực lớn với đủ thứ nhạc Tây, nhạc Tàu, nhạc Ta và nhạc Miên nữa, khách đi đường “miễn nối gót theo đám ma vài bước là có người lễ phép đến dâng một ly nước dừa, hay la ve và riêng tặng một quạt giấy có kèm một tấm giấy “ngẫu” (năm đồng bạc) đền ơn có lòng đưa đón”. Cụ Vương kết luận, là một phú gia giàu sang bậc ấy thế mà lúc cụ đến gần chùa Giác Lâm trong Chợ Lớn hồi viết cuốn Sài Gòn năm xưa thấy “một bầy bò sữa đứng ăn cỏ trên một ngôi mộ có vẻ hùng tráng nhưng trơ trọi điêu tàn. Cạnh bên là một đám ruộng khô chứa một đống rác to bằng đống lúa chưa vô bồ, ruồi muỗi lằn xanh bay vù vù như một đám nhạc hỗn độn. Địa thế “hữu bạch hổ” không còn, “tả thanh long” và ruộng nọ đang lấp, còn chăng là bầy bò nhơi cỏ gần đống rác và mớ ruồi lằn, ấy là hiện trạng ngày nay của mộ phần “phong thủy” ông Thông Hiệp”.

Một trường hợp khác về đất đại cát vùng hai cự phú Sài Gòn do nhà văn Sơn Nam ghi nhận, là vùng địa đạo Phú Thọ Hòa, nay thuộc quận Tân Phú, ngày trước vùng đất này khá cao ráo “được xem là tốt về phong thủy” nên tay cự phú Lý Tường Quang (tức Bá hộ Xường) chọn làm nơi chôn cất “trước mộ tạc hai tượng đá (gia nhân cầm ấn, nữ tỳ dâng chén trà)”.

Bá hộ Xường là một trong bốn nhà giàu gộc: “nhứt Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định” – xuất thân từ nghề thông ngôn rồi chuyển hướng lãnh thầu và lần hồi trở thành cự phú. Bá hộ Xường cũng chọn thế đất tốt để cất dãy nhà 5 căn trên đường Khổng Tử theo kiểu xưa pha kiến trúc mới và cũng lại nằm quay mặt ra con kênh có đường nước chảy qua hợp thế phong thủy.

Những cự phú chọn đất dựng cơ ngơi và lập mộ là thế. Còn thường dân ở cùng trời cuối đất của phương Nam thì khác, bởi theo Sơn Nam đất phù sa có ranh giới mơ hồ giữa bờ và biển nên khó phân biệt đâu là đất, đâu là nước, vì vậy “không có (lựa chọn đất) phong thủy vì thiếu gò nổng, núi cao (…) chết mà được chôn ở bờ đất khô ráo, nấm mộ lè tè nhô lên vào mùa mưa là có phước rồi”.

Được vậy “còn hơn phía khu Tứ Giác bao la trời biển (…) nhà chòi ngập nước rủi chết thì bó chiếu mà chôn, dằn thêm cái cối xay, cối đá cho xác đừng trôi nổi”. Hoặc đóng đỡ “4 cây cọc như chữ X, gọi “giá tréo” để treo xác người chết nhô lên mặt nước, diều quạ kêu ỏm tỏi, lượn lên đáp xuống, trông thảm thương” (7). Vậy ở vùng đất “biên địa” như trên tuyệt đối không thể ứng dụng phong thủy hay sao? Chúng tôi sẽ chuyển câu trả lời của các nhà nghiên cứu đến bạn đọc trong những kỳ sau.

Quách Đàm có nguy cơ phá sản, nhưng ông không đổ lỗi cho thầy địa lý, vì ông nghiệm lời thầy nói đúng, mà “chỉ căm thù ai kia đã lấp con kinh trước nhà làm hư phong thủy. Thầy địa lý năm xưa dạy rằng chỗ Đàm đóng đô là “đầu một con rồng”, khúc đuôi rồng nằm tại biển cả ! Dặn coi chừng đừng cho lấp kinh, tức lấp mạch rồng, và nếu một mai mạch rồng khô cạn, nguy cơ cho cơ nghiệp họ Quách”.

(1)   Và (6) Xem Gia Định thành thông chí (trấn Biên Hòa). Đỗ Mộng Khương và Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Viện Sử học xuất bản, Hà Nội 1964. Bản dịch khác của Nguyễn Tạo, Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, Sài Gòn 1972.

(2)   và (5)  Đại Nam nhất thống chí, Phạm Trọng Điềm dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, NXB KHXH 1970-1971.

(3)   và (4): Tả Ao địa lý toàn thư, NXB Văn hóa Sài Gòn 2008.

(7) Sơn Nam – Sài Gòn xưa, Ấn tượng 300 năm và Tiếp cận với đồng bằng sông Cửu Long, NXB Trẻ 2008, trang 349.

Theo Tạp chí Duyên Dáng Việt Nam – Bài: Giao Hưởng – Ảnh: Nguyên Trương, Tư liệu

>> Xem thêm sự kiện Phong Thủy
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
một giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 24: Đất Phương Nam & Chuyện hai cự phú Sài Gòn