Bên dưới tán rừng ngập mặn ở Cà Mau có nhiều loài giáp xác như cua biển, vọp, ốc len, chem chép, ba khía… sinh sống. Tận dụng lợi thế này, người dân địa phương men theo các tuyến kênh, rạch trong rừng để tìm kiếm, “săn” sản vật rừng.
Bảo vệ môi trường

Bảo tồn và phát huy giá trị của 'sản vật' rừng

Trần Khải 30/09/2024 12:30

Bên dưới tán rừng ngập mặn ở Cà Mau có nhiều loài giáp xác như cua biển, vọp, ốc len, chem chép, ba khía… sinh sống. Tận dụng lợi thế này, người dân địa phương men theo các tuyến kênh, rạch trong rừng để tìm kiếm, “săn” sản vật rừng.

Với người dân ở các huyện ven biển như Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển… thì họ đã quá quen thuộc với cuộc sống mưu sinh trong rừng hay dưới biển. Đi rừng “mò cua, bắt ốc” lâu dần thành thói quen nên hầu như ngày nào họ cũng phải vào rừng để mưu sinh. Hôm nào "trúng mánh" thì có thu nhập khoảng 400.000 - 500.000 đồng/người, còn bình thường cũng tầm 200.000 đồng. Với những người dân địa phương, từng ấy thu nhập đã là nhiều, giúp họ có được cuộc sống đỡ vất vả sau một ngày lao động.

rung-2.jpg
Ốc len sinh sống dưới tán rừng ngập mặn Cà Mau

Anh Hiếu, ngụ huyện Ngọc Hiển chia sẻ, bao đời nay những cánh rừng đước bạt ngàn ở vùng đất này đã chở che, tạo ra việc làm nuôi sống con người. Sống ở ven rừng là một lợi thế với người dân như anh Hiếu. Công việc hằng ngày của anh là đi dọc các kênh rạch ven rừng tìm bắt vọp, ốc len đem bán kiếm tiền lo cho gia đình.

“Đi rừng lâu dần thành thói quen, hễ ngày nào không đi là trong người cứ bứt rứt khó chịu lắm. Với tôi, rừng như máu thịt của mình vậy, nhờ rừng mà tôi có tiền để lo cho cuộc sống gia đình. Bình quân mỗi ngày vào rừng tôi kiếm được hơn 250.000 đồng từ việc bán cua, vọp, chem chép, ốc len. Nói chung, mình bắt được mỗi thứ một ít, cộng lại thì nhiều”, anh Hiếu nói.

Là người có kinh nghiệm mưu sinh nhiều năm ở xứ rừng ngập mặn, anh Hiếu nắm rõ quy luật sinh sản của các loài giáp xác. Anh cho biết mình chỉ bắt những loài đạt kích cỡ, còn những loài bé anh thả lại tự nhiên.

“Đi rừng săn bắt giáp xác là phải lựa, đừng thấy con nào cũng bắt, lớn nhỏ gì cũng bắt thì sớm muộn gì cũng cạn kiệt. Mình phải biết bảo tồn, phát triển để còn nuôi sống thế hệ mai sau. Những lúc đi rừng, nhiều loài có trứng sắp sinh sản thì tôi thả lại hoặc những con chưa đạt kích cỡ tôi cũng không bắt. Bắt một con có trứng là mất biết bao nhiêu con giống rất lãng phí cho tài nguyên”, anh Hiếu cho biết.

rung-1.jpg
Bắt vọp dưới tán rừng

Là người có kinh nghiệm mưu sinh dưới tán rừng hơn chục năm nay, anh Huỳnh Văn Út (ngụ huyện Đầm Dơi) cho biết, bình quân mỗi ngày anh bắt được từ 3 - 5kg ba khía. Hằng ngày, khi trời sụp tối, anh vội chuẩn bị đồ nghề gồm thùng nhựa có nắp đậy, đèn pin, đôi găng tay… rồi xuống xuồng máy đi thẳng vào rừng.

“Vuông tôi ở ven rừng nên không phải cạnh tranh với ai, rất dễ để tái tạo nguồn lợi như ba khía, ốc len… Con nào đạt kích cỡ thì bắt, con bé thì thả lại. Bình quân hằng tháng tôi có thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng từ việc bắt ba khía, ốc len. Công việc nhàn, không phụ thuộc vào ai, mệt thì nghỉ, khỏe thì vào rừng bắt cua, bắt ốc kiếm tiền”, anh Út cho biết.

so.jpg
Sò huyết là loài có giá trị kinh tế cao, hiện được người dân Cà Mau nuôi nhiều tại các vuông tôm

Ông Huỳnh Văn Lập, Trưởng ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân, cho hay sản vật dưới tán rừng rất phong phú, đa dạng. Tại địa phương, nhiều người sống bằng nghề bắt cua bắt ốc dưới tán rừng có thu nhập khá.

“Bà con ý thức rất cao trong khâu tái tạo nguồn lợi rừng. Vì thế, họ chỉ bắt những loài vật đạt kích cỡ, bán được giá cao và thả lại môi trường những loài bé, loài sắp sinh sản. Ở đây, có nhiều người thuê vuông để nuôi thêm ba khía. Thu nhập từ loài này rất cao nên bà con rất chú trọng bảo tồn để phát triển”, ông Lập nói.

Tại các vựa thu mua trên địa bàn huyện Ngọc Hiển, hiện ốc len được mua với giá từ 85.000 đồng/kg; vọp, ba khía có giá khoảng 60.000 đồng/kg; sò huyết từ 180.000 - 200.000 đồng/kg (tùy kích cỡ). Với mức giá này, bình quân mỗi người có thu nhập hơn 200.000 đồng/ngày từ việc vào rừng bắt cua, mò ốc. Đây là mức thu nhập tương đối cao đối với người dân địa phương.

Nói về kế hoạch tái tạo nguồn lợi dưới tán rừng, phân chia khu vực khai thác theo mùa hay thả giống tái tạo…, một lãnh đạo UBND thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển cho hay: “Sản vật rừng từ tự nhiên hiện nay đã ít dần, nếu không có cách khai thác hợp lý thì nguy cơ tài nguyên thủy sản sẽ không còn. Để tái tạo nguồn lợi sản vật rừng từ tự nhiên, ngành chức năng huyện Ngọc Hiển đã phối hợp với Trường đại học Cần Thơ nghiên cứu, nhân giống thành công ba khía sinh sản. Hiện địa phương đang xây dựng mô hình nuôi thí điểm”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
2 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bảo tồn và phát huy giá trị của 'sản vật' rừng