Bé trai 44 tháng tuổi bị tai nạn sinh hoạt vào viện trong tình trạng sốc mất máu do đứt động mạch cánh tay với nguy cơ phải cắt chi, đã được phẫu thuật thành công nhờ thực hiện quy trình báo động đỏ giữa 2 Bệnh viện Nhi Đồng TP.Cần Thơ (BVNĐTPCT) và Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTƯCT).

Bé trai 44 tháng tuổi thoát cảnh cụt chi nhờ quy trình báo động đỏ liên viện

15/06/2020, 13:40

Bé trai 44 tháng tuổi bị tai nạn sinh hoạt vào viện trong tình trạng sốc mất máu do đứt động mạch cánh tay với nguy cơ phải cắt chi, đã được phẫu thuật thành công nhờ thực hiện quy trình báo động đỏ giữa 2 Bệnh viện Nhi Đồng TP.Cần Thơ (BVNĐTPCT) và Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTƯCT).

Bác sĩ và người nhà của bé hết sức vui mừng - Ảnh: Phong Phạm

Bệnh nhi là Trần Văn D. (44 tháng tuổi, ngụ xã Tân Thành, H.Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp), nhập viện ngày 11.6 do bị té cầu cá cách đó 8 giờ. Bé bị vết thương ở trước cánh tay trái chảy máu (không rõ do vật gì cắt trúng), sơ cứu băng ép bằng băng thun tại tuyến dưới sau đó chuyển đến BVNĐTPCT trong tình trạng lừ đừ, niêm nhạt, tay trái sưng nề. Các đầu ngón tay trái của bé tím, mạch quay và trụ tay trái không bắt được, có dấu hiệu sốc mất máu nặng, huyết áp thấp…

Bệnh nhi được chẩn đoán sốc mất máu do đứt động mạch cánh tay trái và vết thương mặt trước ngoài cẳng chân trái do tai nạn sinh hoạt. Bệnh nhân được hồi sức tích cực: chống sốc - truyền máu - băng ép cầm máu có trọng điểm - giảm đau, tiêm thuốc kháng sinh và ngừa uốn ván.

Nhận thấy đây là tình trạng bệnh nặng, nguy kịch, vượt khả năng chuyên môn nên lãnh đạo BVNĐTPCT thực hiện quy trình báo động đỏ liên viện. Ê kíp phẫu thuật chuyên khoa Ngoại lồng ngực - Mạch máu của BVĐKTƯCT trong vòng 20 phút đã có mặt tại BVNĐTPCT. Sau khi thăm khám và hội chẩn, các bác sĩ thống nhất bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật vi phẫu cấp cứu phục hồi lưu thông động mạch cánh tay trái bị đứt giờ thứ 8, khâu nối thần kinh và các phần mềm khác. Nếu chậm trễ hơn nữa thì nguy cơ cắt chi rất cao.

Ê kíp phẫu thuật do BSCK2 Trầm Công Chất, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực - Mạch máu của BVĐKTƯCT làm phẫu thuật viên chính; Ths-BS Trần Thanh Bình - chuyên khoa Ngoại lồng ngực - Mạch máu của BVĐKTƯCT; BS Bùi Minh Đức và BS Đặng Thị Ngọc Mai của BVNĐTPCT đã tiến hành rạch rộng vết thương cánh tay lên trên. Khi dò xuống dưới thám sát, các bác sĩ thấy đứt động mạch cánh tay trái và tĩnh mạch đi kèm, đứt cơ nhị đầu cánh tay gần điểm bám tận, rách bao thần kinh giữa.

Các bác sĩ đã cột tĩnh mạch, bộc lộ 2 đầu động mạch, cắt lọc khâu nối tận động mạch cánh tay trái. Sau thời gian phẫu thuật 120 phút, sinh tồn bé ổn định, bàn tay trái hồng ấm, mạch quay và trụ rõ. Bé được tiếp tục theo dõi và điều trị tiếp tại Khoa Hồi sức tích cực của BVNĐTPCT. Sáng 15.6, bé tỉnh táo, không sốt, mạch rõ chi ấm, sinh tồn ổn định, các ngón tay cử động được, hiện đã chuyển lên Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình điều trị tiếp.

Sáng 15.6 bé đã khỏe khoắn, tươi tỉnh - Ảnh: Phong Phạm

Việc phẫu thuật thành công vi phẫu bảo tồn cánh cẳng bàn tay trái mang lại niềm vui, hạnh phúc đối với gia đình bệnh nhi cũng như đội ngũ thầy thuốc của 2 bệnh viện, khi giúp bé thoát khỏi nguy cơ đoạn chi, nhất là tương lai của bé còn rất dài. Đó cũng là niềm hạnh phúc lớn nhất của đội ngũ thầy thuốc ở 2 bệnh viện.

Theo BSCK2 Trầm Công Chất: “Vết thương mạch máu ở trẻ em tương đối hiếm gặp, được đánh giá là phức tạp do nhiều điểm đặc thù về giải phẫu và sinh lý. Các mạch máu thường nhỏ và có thành mỏng, đồng thời hệ thống mô nâng đỡ xung quanh cũng yếu hơn so với người trưởng thành. Đồng thời, các mạch máu này cũng có xu hướng hay co thắt mạnh. Nhìn chung, do hiếm gặp và những điểm đặc thù trên nên vết thương mạch máu vẫn là một thách thức rất lớn cho các bác sĩ trong việc chẩn đoán, điều trị phẫu thuật và chăm sóc hậu phẫu...”.

Theo BSCK2 Phạm Thanh Phong - Phó giám đốc chuyên môn BVĐKƯCT: “Quy trình báo động đỏ liên viện nhằm nâng cao năng lực cấp cứu và hồi sức của bệnh viện, triển khai quy trình nhằm huy động sự phối hợp, hỗ trợ khẩn cấp giữa các bệnh viện với nhau. Đây là trách nhiệm của lãnh đạo bệnh viện trong nỗ lực cứu sống người bệnh trong tình trạng nguy kịch.

Đã có nhiều bệnh nhân nguy kịch được cứu sống nhờ quy trình báo động đỏ liên viện. Đây không phải là lần đầu tiên BVĐKTƯCT thực hiện quy trình này mà lần gần đây nhất là ngày 4.6.2020, cũng chính ê kíp lồng ngực mạch máu của BVĐKTƯCT đã phẫu thuật thành công 1 trường hợp vỡ túi phình động mạch chủ bụng dưới thận tại BVĐK Sóc Trăng, cách đó khoảng 70km”.

Phong Phạm

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL: Nhiều kênh rạch cạn kiệt nước, giao thông thủy gặp khó khăn
12 giờ trước Bảo vệ môi trường
Vào cuối năm 2023, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam đã dự báo mực nước sông Cửu Long xuống thấp do mưa mùa kết thúc sớm và mùa mưa năm 2024 đến muộn hơn. ĐBSCL không chỉ bị hạn mặn, nắng nóng, thiếu nước canh tác nông nghiệp… mà giao thông đường thủy gặp nhiều khó khăn do mực nước kênh rạch xuống rất thấp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bé trai 44 tháng tuổi thoát cảnh cụt chi nhờ quy trình báo động đỏ liên viện