Dù nằm ở vị trí trung tâm, mặt tiền quốc lộ 1 nhưng suốt thời gian dài Bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) có rất ít xe vào đón khách và bốc xếp hàng hóa, gây lãng phí lớn.
Hạ tầng và bất động sản

Bến xe thị xã Cai Lậy trống vắng gây nhiều lãng phí

V.K.K - Mỹ Tho 02/08/2024 16:05

Dù nằm ở vị trí trung tâm, mặt tiền quốc lộ 1 nhưng suốt thời gian dài Bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) có rất ít xe vào đón khách và bốc xếp hàng hóa, gây lãng phí lớn.

ruoc-6.jpg
Bến xe Cai Lậy hoạt động cầm chừng - Ảnh: Mỹ Tho

Bến xe thị xã Cai Lậy từ nhiều năm được người dân địa phương gọi là “chùa Bà Đanh”. Bến rộng hơn 3.000m2, được đầu tư cơ bản các điều kiện vật chất cần thiết cho hoạt động của bến xe nhưng rất ít xe ra vào đậu đỗ, bốc xếp hàng hóa, đón rước hành khách như trước đây.

Theo Phòng Quản lý đô thị thị xã Cai Lậy (đơn vị quản lý bến xe), mỗi ngày nơi đây có 5 - 7 chiếc xe trong bến nhưng chủ yếu vào để sửa chữa, bảo trì, xe đưa đón công nhân dừng đậu qua ngày, chứ không có xe hàng hóa, xe khách ra vào theo quy định. Tiền thu phí tại đây mỗi tháng chỉ trên dưới 20 triệu đồng - vừa đủ chi phí nhân công, điện nước, làm vệ sinh.

ruoc-4.jpg
Một góc khu dịch vụ tại bến xe trông rất nhếch nhác - Ảnh: Mỹ Tho

Điều đáng nói là tình trạng ô tô tải, ô tô khách không chịu vào đậu trong bến theo quy định mà dừng ngay cổng để nghỉ hoặc rước khách, xuống hàng ngoài lề đường... gây mất an toàn giao thông. Một số nhà xe tại thị xã Cai Lậy đăng ký hoạt động loại xe hợp đồng nhưng hoạt động hình thức xe đưa rước hành khách, đón khách tại điểm tập trung chứ không vào bến xe. Tình trạng đậu, dừng trả khách tràn lan dọc đường gây mất trật tự an toàn giao thông, không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động bến xe mà còn phá bỏ những quy tắc về giao thông.

ruoc-3.jpg
Cả xe khách lẫn xe tải đều đậu đỗ ngoài đường chứ không chịu vào bến - Ảnh: Mỹ Tho

Ông Lê Thanh Nhàn, nhân viên phụ trách quản lý, thu phí Bến xe thị xã Cai Lậy cho biết: “Không có xe vãng lai vô đây đậu, chỉ có xe vô đậu sửa chữa, quản lý thu tiền bến bãi. Với các xe đậu trước cổng bến, mình đã có nhiều lần nhắc nhở không được đậu như thế mà phải vào bến nhưng các chủ xe không chịu. Họ ngại vô bến đậu phải đóng phí nên không hợp tác”.

ruoc-1.jpg
Xe dù bến cóc hoạt động mạnh ở thị xã Cai Lậy - Ảnh: Mỹ Tho

Một vấn đề nữa là những năm gần đây, tuyến quốc lộ 1 đi qua nội ô thị xã Cai Lậy bị cấm tất cả các loại xe 3 trục và ô tô khách từ 29 chỗ ngồi trở lên. Điều này cũng tác động khiến giảm xe qua nội ô và ra vào Bến xe thị xã Cai Lậy.

Theo lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị thị xã Cai Lậy, bến xe là một tiêu chí của đô thị loại 3 nên phải duy trì, do đó những ngày tới đơn vị sẽ tham mưu cho UBND thị xã tổ chức cuộc họp với các ngành chức năng, chính quyền các địa phương bàn giải pháp khắc phục tình trạng bến xe ế khách, đồng thời phải xử lý kiên quyết các nhà xe “né” vào bến, không chấp hành quy định.

Ông Thái Văn Bảy, Phó giám đốc Hợp tác xã Thủy bộ Cai Lậy đề nghị: “Theo tôi, căn cứ Nghị định 10/CP và Thông tư 12 của Bộ GTVT thì tất cả các xe kinh doanh vận tải hàng hóa và hành khách đều phải chấp hành quy định vào bến đậu. Bến bãi phải tạo điều kiện cho các nhà xe đưa xe vào đậu, phải đảm bảo thoáng mát, an toàn an ninh trật tự, PCCC. Riêng về tình trạng xe dù bến cóc, theo tôi biết, thị xã hay huyện Cai Lậy xử lý chưa đạt hiệu quả thì các ngành cấp tỉnh mới xử lý. Trách nhiệm của HTX là luôn luôn động viên các thành viên phải chấp hành nghiêm túc các thông tư, nghị định”.

ruoc-2.jpg
Những trạm xe bên ngoài càng làm Bến xe thị xã Cai Lậy thêm vắng vẻ - Ảnh: Mỹ Tho

Không chỉ Bến xe thị xã Cai Lậy, một số bến xe khác tại tỉnh Tiền Giang cũng lâm vào cảnh "bỏ thì thương, vương thì tội", gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai, kinh phí đầu tư của nhà nước. Giải pháp tháo gỡ tình trạng này là là không hề dễ dàng ở tỉnh Tiền Giang cũng như các đô thị miền Tây Nam Bộ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bến xe thị xã Cai Lậy trống vắng gây nhiều lãng phí