Sự nổi tiếng bất ngờ của nữ tỉ phú 9x xinh đẹp - Nguyễn Thị Ngọc Hạnh làm người ta không khỏi nhớ tới mẹ cô: Bà Nguyễn Thị Mai Thanh - một trong những doanh nhân thành công sớm và “nổi như cồn” trong mấy thập kỷ gần đây của Việt Nam.

Bí quyết dạy con thành nữ tỉ phú 9x của bà Nguyễn Thị Mai Thanh

16/11/2014, 11:32

Sự nổi tiếng bất ngờ của nữ tỉ phú 9x xinh đẹp - Nguyễn Thị Ngọc Hạnh làm người ta không khỏi nhớ tới mẹ cô: Bà Nguyễn Thị Mai Thanh - một trong những doanh nhân thành công sớm và “nổi như cồn” trong mấy thập kỷ gần đây của Việt Nam.

Người mẹ giỏi giang
Nguyễn Thị Mai Thanh (sinh năm 1952, nguyên quán Tây Ninh) là con gái của Trung tướng Nguyễn Thới Bưng - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Trong kháng chiến chống Mỹ, bà theo học lớp dược tá và được phân công về Sư đoàn 9 ở chiến trường miền Đông ác liệt.
"Tôi làm mọi thứ. Chẻ củi, tải gạo, lội sông, lội suối như đàn ông. Tôi luôn cố gắng quên mình là con của một cán bộ để sống như mọi người, càng không cho phép xem mình là phụ nữ để gây khó khăn cho người khác", đó chính là suy nghĩ tự lập đáng nể của nữ doanh nhân khi mới 16 tuổi.
Nguyen Thi Mai Thanh
Bà Mai Thanh trên tạp chí Forbes Việt Nam
Năm 1973, bà cùng em trai ra Bắc học tập rồi được tạo điều kiện du học tại CHDC Đức nhờ thành tích học tập xuất sắc. Bà tốt nghiệp chuyên ngành cơ khí, mảng điều hòa không khí, rồi lập gia đình với một tiến sĩ hóa học người Việt tại Đức và cùng chồng về nước. Sau đó bà trở thành kỹ sư của Xí nghiệp Quốc doanh liên hiệp Thiết bị lạnh (TP.HCM).
Đến năm 1984, nhờ thành công trong việc lắp đặt hệ thống lạnh lớn đầu tiên cho Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM), bà Mai Thanh đã ghi điểm trong mắt lãnh đạo xí nghiệp. Năm 1985, bà bất ngờ được ông Nguyễn Thanh Vân - Giám đốc Xí nghiệp khi ấy đề nghị "kế vị".
Nói về quyết định giao lại vị trí giám đốc cho cô kỹ sư mới 33 tuổi, ông Vân giải thích: "Cô ấy là một nhân viên xuất sắc, không bao giờ thỏa mãn với thành quả hiện tại mà luôn cố gắng. Cô ấy làm việc cật lực như những đồng nghiệp nam. Và tôi không quan tâm đến việc cô ấy có là con của một vị Trung tướng hay không khi quyết định giao quyền lãnh đạo".
Khi ấy, Xí nghiệp Quốc doanh liên hiệp Thiết bị lạnh đã hoạt động được 8 năm, nhiệm vụ chính là tận dụng các thiết bị cũ gom từ nhiều nguồn để lắp ráp dây chuyền sản xuất đá cây nhưng định hướng hoạt động không rõ ràng, kinh doanh bế tắc.
Ở tuổi 33, bà Mai Thanh quản lý 200 con người, chấp nhận đối mặt với một loạt khó khăn, trong đó có việc dàn nhân sự cấp trưởng, phó phòng đồng loạt xin nghỉ việc, kho hàng vật tư trống rỗng, tài khoản ngân hàng không có một đồng.
Để có tiền nuôi quân, bà phải quyết định lập hồ sơ để Xí nghiệp vay vốn ngân hàng nhập tủ lạnh cũ, tân trang bán lại kiếm lời, lần hồi, cầm cự vượt qua cuộc khủng hoảng giá lương tiền năm 1986.
Năm 1992, Xí nghiệp của bà Mai Thanh cũng là một trong những doanh nghiệp đầu tiên mạnh dạn xung phong thực hiện cổ phần hóa và đến năm 1993 thì trở thành công ty cổ phần có vốn Nhà nước, vốn của cán bộ công nhân viên và vốn nước ngoài.
Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE) ra đời từ đó và ngày càng phát triển không ngừng với sự nhanh nhạy và quyết đoán của nữ "thuyền trưởng" tài năng. Cuối năm 2013, tổng tài sản của REE đông 350 triệu USD, vốn chủ sở hữu hơn 200 triệu USD, doanh thu mỗi năm trên 100 triệu USD. Từ ngày đầu có vài cỗ máy cũ kỹ, REE mở rộng hoạt động kinh doanh ra nhiều lĩnh vực mới, nền tảng vững chắc theo thế "chân kiềng": cơ điện - văn phòng cho thuê – đầu tư chiến lược vào lĩnh vực hạ tầng tiện ích.
Người đồng sự giàu kinh nghiệm của con
Năm 2011, bà Mai Thanh bất ngờ tiến cử người con trai mới 29 tuổi Nguyễn Ngọc Thái Bình vào vị trí Giám đốc Tài chính và tham gia Ban Quản trị của REE. Bình từng có một thời gian làm việc tại ngân hàng HSBC.
Thời gian đó, không ít lời ra tiếng vào vì cho rằng cậu cả nhà nữ doanh nhân còn quá trẻ để đảm nhận một vị trí quan trọng như vậy. Tuy nhiên với câu hỏi: "Bà có ngại dư luận nói đưa người nhà vào làm việc trong công ty và giữ chức vụ quan trọng?", bà thẳng thắn: "Tôi không ngại. Với trường hợp con trai tôi cũng yêu cầu làm đúng trình tự tuyển dụng nhân sự. Với người nhà, tôi cũng đối xử như những người khác, thậm chí là nghiêm khắc".
Sau khi nữ Chủ tịch HĐQT cứng rắn này tuyên bố trước cổ đông: "Bình là con tôi và tôi tin, tôi giới thiệu, quý vị có quyền bầu hoặc không", Nguyễn Ngọc Thái Bình đã được thông qua với tỉ lệ 90% và được bổ nhiệm. Thời gian qua, anh đã rất cố gắng để chứng minh năng lực của mình và vượt qua "cái bóng" quá lớn của mẹ.
Nguyen Thi Mai Thanh
Bà Mai Thanh và con trai Nguyễn Ngọc Thái Bình
Cũng giống như anh trai, khi cô gái Nguyễn Ngọc Nhất Hạnh (SN 1991) làm giới tài chính xôn xao với việc sở hữu gần 1,3% vốn điều lệ của REE, nhiều người không khỏi hoài nghi đây chính là "kế sách" của vợ chồng bà Mai Thanh.
Tuy nhiên, nhìn vào bảng thành tích "khủng" của cô, người ta cũng không thể không công nhận cô có tài. Từ năm 2007, khi mới học lớp 10, cô đã giành chứng chỉ Tốt nghiệp Phổ thông cơ sở Quốc tế. Năm 2009, cô là một trong những thí sinh đồng điểm thi trình độ Anh ngữ quốc tế (IELTS) cao nhất Việt Nam với tổng điểm trung bình là 8,5 - trong đó kỹ năng đọc viết đồng 9 điểm.
Đây được xem là số điểm khó đối với ngay cả người bản địa, chứ chưa nói tới người nước ngoài. Ngoài tiếng Anh, Nhất Hạnh cũng từng học thêm tiếng Tây Ban Nha khi còn ở bậc phổ thông. Trước khi về Việt Nam làm việc, cô gái sinh năm 91 tốt nghiệp University of Warwick (Anh).
Nguyen Thi Mai Thanh
Con gái bà Mai Thanh, Nguyễn Ngọc Nhất Hạnh từng làm giới tài chính xôn xao với việc sở hữu gần 1,3% vốn điều lệ của REE
Là "nữ tướng" trên thương thường, công việc của bà Mai Thanh lúc nào cũng bận rộn. Tuy nhiên đối với các con, bà vẫn đóng vai trò là người "truyền lửa", quan tâm sát sao từng ngày. Thái Bình cho biết anh lớn lên trong sự dìu dắt từng ngày của cha mẹ, dù họ luôn tất bật với công việc.
Chẳng hạn, năm lớp 12, anh học kém môn hóa học đến mức suýt không được thi tốt nghiệp, nhưng rất may, nhờ quan tâm và trò chuyện với con hằng ngày nên bà Mai Thanh sớm phát hiện ra điều đó. Một buổi tâm sự thân mật giữa mẹ và con trai về chuyện trường, chuyện lớp đã giúp bà tìm ra biện pháp khắc phục, giúp cậu cả vượt qua thử thách này.
Từ sự tự lập của mình, bà Mai Thanh cũng luôn dạy các con phải tự quyết định các vấn đè. Bà Mai Thanh kể, năm lớp 12, con trai bà vẫn tự đạp xe đi học chứ không đi xe gắn máy. Tốt nghiệp THPT, Thái Bình tự nộp đơn vào ba trường đại học nước ngoài và sau đó đậu vào Đại học Virginia (Mỹ). Kết quả này làm chính người mẹ giỏi giang cũng phải ngạc nhiên.
Lấy vợ, sinh con, đã trở thành trụ cột của một gia đình nhỏ nhưng Nguyễn Ngọc Thái Bình cho biết, anh vẫn tìm thấy ở mẹ sự chia sẻ giống như một người bạn, người đồng sự giàu kinh nghiệm. Là giám đốc tài chính, công việc của anh luôn gắn với các con số, các kế hoạch và đôi khi không tránh khỏi gặp những vấn đề nan giải. Lúc ấy, anh được mẹ nhắc nhở việc đầu tư không được nóng vội, cần phải thu thập số liệu để phân tích, đánh giá hiệu quả. Không bao giờ người mẹ doanh nhân đưa ra sự lựa chọn cho con trai, mà chỉ trao đổi, vạch ra các khả năng để anh nhìn xuyên suốt các vấn đề.
Thái Bình nói, khi gặp vấn đề khó, trò chuyện với mẹ bao giờ anh cũng thấỵ mở rộng được tầm nhìn, bổ sung và làm phong phú thêm kiến thức học được từ sách vở. Doanh nhân trẻ cũng cho biết, gia đình lớn chính là bàn đạp xuất phát đầu tiên của mình, trong đó mẹ là người anh chịu ảnh hưởng và học hỏi rất nhiều.
Còn bà Mai Thanh thì chia sẻ, áp lực nhịp sống công nghiệp khiến mọi doanh nhân phải ráo riết chạy đua với thời gian nhằm theo kịp chuyển động hối hả của thương trường, nhưng tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái thì bất kể thời gian. Có thời gian dành cho nhau thì các thành viên trong gia đình mới gắn kết, sống vì nhau, giúp đỡ nhau.
Người ta thường gọi bà Mai Thanh là "người phụ nữ đi tiên phong". Bởi thực tế, REE được biết đến là công ty của nhiều cái đầu tiên: công ty Việt Nam đầu tiên cổ phần hóa, đầu tiên niêm yết trên thị trường chứng khoán, đầu tiên phát hành trái phiếu chuyển đổi, đầu tiên áp dụng điều lệ mẫu mới do Bộ Tài chính chỉ định...
Trong đó, đáng chú ý nhất là thành công trong việc cổ phần hóa những năm đầu 1990. Năm 2006, bà là người phụ nữ giàu thứ hai trên thị trường chứng khoán. Những năm gần đây, mặc dù bị nhiều người "qua mặt" nhưng bà Mai Thanh vẫn là một trong những nữ doanh nhân có vị thế được nhắc đến nhiều.
Đầu năm nay, tạp chí Forbes (tạp chí uy tín chuyên theo dõi những sự kiện kinh tế, tài chính nổi bật và cách làm giàu hiệu quả của các tỉ phú thế giới) công bố danh sách những nữ doanh nhân quyền lực của khu vực châu Á năm 2014. Có 3 sếp nữ của Việt Nam lọt vào danh sách này và một trong số đó chính là bà Nguyễn Thị Mai Thanh.
Gia Hân/Gia đình&Xã hội
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bí quyết dạy con thành nữ tỉ phú 9x của bà Nguyễn Thị Mai Thanh