Ninh Thuận là tỉnh nhỏ, diện tích 3.358km2, dân số hơn 611.000 người, đứng thứ 57 (trong 63 tỉnh thành) về tổng sản phẩm quốc nội GRDP, năm 2019 kim ngạch xuất khẩu 100 triệu USD. Những năm qua, tỉnh còn nhiều khó khăn, chậm phát triển và nghèo.
Góc bình luận

Biến bất lợi thành lợi thế của Ninh Thuận

Nguyễn Văn Lạng 25/08/2024 12:40

Ninh Thuận là tỉnh nhỏ, diện tích 3.358km2, dân số hơn 611.000 người, đứng thứ 57 (trong 63 tỉnh thành) về tổng sản phẩm quốc nội GRDP, năm 2019 kim ngạch xuất khẩu 100 triệu USD. Những năm qua, tỉnh còn nhiều khó khăn, chậm phát triển và nghèo.

Ninh Thuận nằm trong nhóm tỉnh nghèo khó bậc nhất nước ta bao năm nay. Trước hết là điều kiện thiên nhiên. Đất đai chủ yếu là đồi núi đất xấu, khô cằn, cát, sỏi đá, nghèo dinh dưỡng. Một năm lượng mưa thấp nhất Việt Nam, chỉ khoảng 700 - 800mm. Khô nóng với số giờ nắng trong năm vào loại cao nhất nước đã tạo nên một thảm thực vật đặc hữu kiểu sa van, tiền sa mạc. Cây cối khó sinh trưởng bởi mùa khô kéo dài gần như cả năm. Đất chủ yếu trên đá sa thạch nóng tầng đất mỏng, cát pha và kiềm có nhiễm muối. Mảnh đất của nắng, gió, khô hanh. Nông nghiệp phụ thuộc quá nhiều về thời tiết, nhất là độ ẩm không khí, lượng mưa trong năm. Các chỉ số thống kê cho thấy Ninh Thuận là tỉnh nghèo trong Top 10 của Việt Nam.

Với tư cách là thành viên Hội đồng trường Đại học Nông lâm gần 10 năm qua, qua thông tin của trường, của phân hiệu Ninh Thuận và của Tổng cục Thống kê, xem báo cáo của tỉnh, tôi mạo muội có mấy đề xuất cá nhân cho Ninh Thuận.

- Trước hết nên biến bất lợi thành lợi thế để thu hút đầu tư khai thác tài nguyên thiên nhiên, con người và xã hội. Là tỉnh có tài nguyên nắng gió vào bậc nhất quốc gia, Ninh Thuận sau khi được Quốc hội, Chính phủ có nghị quyết bỏ dự án điện nguyên tử do Nga đầu tư là bước ngoặt đột phá cho việc khai thác năng lượng tự nhiên: gió và nắng.

Đây là thế mạnh để tỉnh kêu gọi đầu tư điện mặt trời và điện gió. Cả hai loại hình đầu tư các dự án điện này trên vùng đất xấu khô cằn làm nông nghiệp hiệu quả thấp sẽ là lợi thế mà không mấy tỉnh có được. Thực tế ở Ninh Thuận đã và đang hình thành các cánh đồng điện gió, cánh đồng điện mặt trời quy mô lớn hàng đầu đất nước. Tôi cho rằng không bao lâu nữa Ninh Thuận sẽ có cơ cấu tỷ trọng GDP về điện chiếm tỷ trọng từ 15 - 20%. Hai loại hình đầu tư khai thác này sẽ là loại hình năng lượng sạch đúng theo cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính ở các hội nghị COP toàn cầu.

Năng lượng mặt trời và gió sẽ đảm bảo cho các ngành công nghiệp như vật liệu xây dựng, chế biến nông-lâm-thủy sản… và các dịch vụ cũng như đời sống xã hội của Ninh Thuận chủ động về điện để phát triển sản xuất, đảm bảo sinh hoạt; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tiến bộ với tỷ lệ công nghiệp dịch vụ tương lai lên trên 70 - 80%. Thực tế 10 năm nay đang rõ nét nhận định này.

- Về nông-lâm-thủy hải sản, Ninh Thuận là vùng đặc hữu khí hậu khô nóng và chính điều này đã tạo ra vùng thảm thực vật nhiệt đới khô hanh ven biển, tạo những cánh rừng đặc trưng, các sa van bán sa mạc. Nhưng đây cũng là vùng mà nền nông nghiệp chưa thâm canh cao, ít bón phân, ít dùng thuốc trừ sâu. Nền sản xuất quảng canh trong trồng trọt và chăn nuôi gia súc có: lúa nưóc, bông vải, nho, táo... Có thể hiểu là đất canh tác Ninh Thuận còn khá sạch, môi trường còn sạch không bị ô nhiễm và kiềm.

Với công nghệ canh tác nông nghiệp hiện nay, đây là tiềm năng tài nguyên rất lớn của tỉnh. Tỉnh cần áp dụng công nghệ tưới bón phân kiểu Israel, Nhật Bản… để tiết kiệm nước và đạt hiệu quả cao cả về nông sản và môi trường. Với số giờ nắng và lượng ánh sáng trực xạ rất cao nên việc trồng lúa ở Ninh Thuận sẽ cho ra hạt gạo ngon với hàm lượng protein, chất thơm, vitamin và vi chất có lợi cho sức khỏe con người rất tốt. Theo tôi, không cần làm quy mô lớn mà nên trồng các giống lúa ngon quý như ST24, ST25, nếp cái hoa vàng, lúa đặc sản của đồng bào tại chỗ và lúa hạt đen; sẽ tạo ra thương hiệu gạo Ninh Thuận đặc trưng. Không nhất thiết cứ phải xuất khẩu mà tiêu dùng ngay tại Việt Nam với thị trường 100 triệu dân, cũng đáng để cây lúa hạt gạo Ninh Thuận có chỗ đứng vững chắc.

Cây nho là thế mạnh của Ninh Thuận mà ít tỉnh thành có được. Cần nghiên cứu thật bài bản để tạo ra thương hiệu nho Ninh Thuận tầm quốc gia và khu vực. Quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu lớn ổn định, cung cấp cho thị trường nho ăn trái tươi, chế biến nho khô, nước uống từ nho. Nên nghiên cứu nhập giống, lai giống nho; khuyến khích FDI và doanh nhân Việt Nam đầu tư khép kín từ trồng đến sản xuất rượu nho đặc trưng Phan Rang-Tháp Chàm.

Các cây nhập nội cũng đã có ở Ninh Thuận như nêm (xoan Ấn Độ). Hiện Ninh Thuận là tỉnh có diện tích nêm lớn nhất với khoảng 3.000ha. Nêm vừa là cây phủ xanh đất trống đồi trọc, cây trồng rừng lấy gỗ, nhưng cũng là nguyên liệu tạo ra thuốc trừ sâu hữu cơ rất quý. Chỉ tiếc rằng dự án FDI trồng nêm của doanh nghiệp Nhật Bản đã được triển khai rồi lại dừng (tôi biết điều này bởi có tham gia chút ít với tư cách tư vấn).

Hệ sinh thái xương rồng tự nhiên và xương rồng làm thực phẩm ở Ninh Thuận là tự nhiên và nhập giống từ Mexico do Chủ tịch Đảng Lao động đảng cánh tả, có mối quan hệ hữu nghị với Đảng Cộng sản Việt Nam tặng và chúng ta đã đưa vào trồng thử nghiệm hàng chục giống tại Ninh Thuận. Điều này cần phải được điều tra đánh giá một cách khoa học để có hướng phát triển, theo hướng xương rồng cho cây cảnh, sinh vật cảnh, thực phẩm cho người và gia súc.

Cây bông rất phổ biến ở Ninh Thuận. Có thể nói vùng Nha Hố là cái nôi của bông Việt Nam. Viện Nghiên cứu bông có từ trước năm 1975 là nơi tạo ra các giống bông Việt, với các nhà khoa học ngành bông nước ta như GS-TS Nguyễn Văn Thơ, TS Phạm Hữu Nhượng, TS Nguyễn Văn Bình… Những năm thập niên 90 và 2000, Chính phủ, cụ thể là Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn chỉ đạo nước ta trồng bông có mục tiêu phấn đấu đưa sản lượng bông sợi nội địa lên trên 50%, thậm chí 70%, nhưng thất bại. Thời ấy, bông Việt Nam trồng năng suất thấp, sợi bông ngắn, thu nhập của người trồng bông rất thấp, canh tác và bán hàng phức tạp, sự cửa quyền, độc quyền của các nhà máy kéo sợi cán bông gây bao nhiêu cản trở, khó khăn. Chính vì vậy cây bông không có cơ hội phát triển. Cần đánh giá và xem xét lại để có hướng tươi sáng cho cây bông Ninh Thuận. Nghe nói Bộ Nông nghiệp-PTNT đã tiếp nhận Viện Nghiên cứu bông Nha Hố từ Bộ Công Thương và tổ chức thành viện đa cây. Đó cũng là cơ sở để hy vọng.

Những năm gần đây cây măng tây được đưa vào trồng quy mô, quy trình công nghiệp ở nhiều hộ dân, hợp tác xã khá thành công. Cùng với hành tỏi, Ninh Thuận có thể đưa mấy cây rau, táo ta, thanh long Ninh Thuận thành nhóm cây rau quả triển vọng hướng sang thị trường Trung Quốc đang mở rộng. Tôi có nói trực tiếp với Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận là nên cho thử nghiệm trồng cây ô liu, nó vừa cây lâm nghiệp, vừa là cây công nghiệp giá trị cao và hợp với đất sa van nóng khô, cũng như đưa cây dó bầu vào trồng cây phân tán và tạo rừng, cho nuôi cấy enzyms tạo trầm hương… Chủ tịch tỉnh đã cảm ơn và hứa sẽ cho thử nghiệm.

- Chăn nuôi cừu, dê, bò và nuôi trồng, đánh bắt thủy sản cũng là thế mạnh của nông dân Ninh Thuận. Với phương thức chăn thả tự nhiên, giống gia súc truyền thống, Ninh Thuận có đàn cừu lớn nhất nước, chiếm 90% số cừu cả nước. Cừu nuôi không để thu hoạch lông, nhưng thịt ngon, bổ và hương vị đặc trưng. Tỉnh và Bộ Nông nghiệp-PTNT nên có chương trình bảo tồn, phát triển nghề nuôi cừu lấy thịt cung cấp trong nước và tiến tới xuất khẩu trong khu vực. Dê cũng là thế mạnh cho thịt, sữa và pho mát. Nếu đặt đúng vị trí kinh tế thì đàn dê cỏ bắc thảo Ninh Thuận sẽ cung cấp thực phẩm cho thị trường cả nước. Chẳng hạn cung cấp thịt dê cho tỉnh Ninh Bình với món “Thịt dê cơm cháy” nổi tiếng bao đời ở cố đô Hoa Lư quê tôi. Còn sản phẩm thủy-hải sản thì khỏi bàn, bởi Ninh Thuận là tỉnh ven biển, là thế mạnh tự nhiên vốn có.

- Du lịch dịch vụ. Ninh Thuận bất lợi về vị trí địa lý, địa hình, khí hậu thời tiết, v.v… nhưng không phải không có lợi thế, thậm chí còn là thế mạnh mà ít địa phương có được. Ninh Thuận vài năm gần đây đã khởi động và bứt phá về du lịch, dịch vụ.

Vườn quốc gia Núi Chúa là kiểu rừng tự nhiên, nguyên sinh, thảm thực vật - động vật khá đa dạng quý hiếm (có cả trong sách đỏ). Vườn quốc gia Phước Bình cũng vậy, rất đặc sắc, nếu khia thác tốt sẽ thu hút du khách, nhất là những người yêu thích tìm hiểu, quan tâm tới thế giới tự nhiên.

Kinh tế biển là tiềm năng không chỉ cho đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, mà còn là các cảng biển. Ninh Thuận có ngành sản xuất muối, nước mắm nổi tiếng bao đời nay. Bãi biển cát trắng gần như còn nguyên sơ, nguyên thủy, cộng với nắng gió đặc trưng khác biệt ở khá nhiều vùng như Cà Ná, Vĩnh Hy, Bình Tiên, Ninh Chữ, Bình Sơn… Ninh Thuận đi sau nên sẽ rút ra nhiều bài học thành bại của các tỉnh để có chính sách đầu tư hiệu quả.

Mảnh đất một thời vương triều ngàn năm vẫn còn nhiều di tích, dấu ấn và văn hóa có một không hai ở nước ta. Các lễ hội, các phong tục văn hóa, nhạc cụ đặc sắc Chăm… Theo tôi, cần sớm có đầu tư đủ lớn cho du lịch văn hóa, thiên nhiên, lịch sử với đạo Hồi, Bà La Môn; khai thác truyền thuyết về các nhân vật lịch sử, cuộc đời những anh hùng, nhân sĩ, trí thức nổi tiếng của Ninh Thuận như: Tiểu vương Jaya Prithindravarman, Vua Po Klong Garai, Bi Năng Tắc, Chế Linh, Nguyễn Ánh 9, Từ Công Phụng… để phát triển du lịch sẽ rất thu hút và hiệu quả.

-Điều cuối tôi muốn nói, là yếu tố con người cho phát triển. Cần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có tâm có tầm tại chỗ cho Ninh Thuận. Ngày 16.8.2024, tại TP.Phan Rang-Tháp Chàm, Trường đại học Nông lâm TP.HCM vừa ký với UBND tỉnh Ninh Thuận kế hoạch hợp tác phát triển. Đã có phân hiệu của trường này tại Ninh Thuận, hoạt động khá hiệu quả, là tiền đề để tới năm 2030 trở thành Trường đại học Ninh Thuận.

Cải cách hành chính một cửa và điện tử mà mô hình Trung tâm Xúc tiến đầu tư Ninh Thuận đang là điểm sáng. Bộ máy lãnh đạo các cấp tinh thông, chuyên nghiệp và có cách tiếp cận khoa học đổi mới là yếu tố rất quan trọng để Ninh Thuận phát triển. Những quan tâm hỗ trợ mọi mặt của trung ương, sự liên kết, kết nối nhiều mặt đang hình thành khiến ta cháy bừng hy vọng Ninh Thuận sẽ nhanh chóng thoát nghèo và trở nên giàu có cùng cả nước.

Ninh Thuận là tỉnh nhỏ, diện tích 3.358km2, dân số hơn 611.000 người, đứng thứ 57 (trong 63 tỉnh thành) về tổng sản phẩm quốc nội GRDP, năm 2019 kim ngạch xuất khẩu 100 triệu USD. Những năm qua, tỉnh còn nhiều khó khăn, chậm phát triển và nghèo.

TS Nguyễn Văn Lạng - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ

Bài liên quan

(1) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Biến bất lợi thành lợi thế của Ninh Thuận