Về kết quả thực hiện lời hứa bạn nên hỏi người dân sẽ đúng đối tượng hơn", Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời.

Bộ trưởng Đinh La Thăng và những lời hứa sau 3 năm nhậm chức

01/01/2015, 15:20

Về kết quả thực hiện lời hứa bạn nên hỏi người dân sẽ đúng đối tượng hơn", Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời.

Cuối năm nhìn lại, Bộ trưởng đánh giá thế nào về các kết quả đạt được và thấy ấn tượng với điều gì nhất?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Tôi nhường quyền đánh giá cho người dân, các đại biểu Quốc hội và giới truyền thông. Tại thời điểm này tôi vẫn chưa thật yên tâm với những gì đạt được.
Chẳng hạn, những bức xúc của người dân trong nhiều năm qua với ngành đường sắt phản ánh 2 điều: Nó quá yếu kém và bảo thủ. Vì thế, nói thật là ngay cả tôi cũng thở phào khi những lời khen của hành khách với ngành đường sắt đã xuất hiện ngày một nhiều.
Hay sự duy trì mạch kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT), liên tiếp từ hơn 13.000 người chết 2 năm trước xuống dưới 9.000 người trong năm 2014. Đây cũng là mức giảm TNGT thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Trong năm 2014, Bộ GTVT cổ phần hóa được 53 doanh nghiệp, trong đó nổi lên sự kiện IPO thành công Tổng công ty Hàng không Việt Nam.
Với những gì đã đạt được, tôi không muốn và không cho phép bất cứ ai thuộc phạm vi quản lý của mình được chủ quan, tự mãn.
Nếu hỏi tôi ấn tượng nhất về điều gì trong năm qua, thì đó chính là sự thay đổi về tư duy, cung cách làm việc, tinh thần đoàn kết của hầu hết cán bộ, công nhân viên trong toàn ngành.
Có ý kiến cho rằng mấu chốt để có được kết quả đó là do lãnh đạo bộ quyết liệt, không khoan nhượng với sự trì trệ, yếu kém và tiêu cực. Quan điểm của Bộ trưởng thế nào?
Nếu chỉ nhìn vào thực tế bề nổi thì dễ dàng đi đến nhận định đó. Bởi vì chúng ta vẫn quen với cung cách dây dưa đổ trách nhiệm cho nhau, làm cái gì cũng cầm chừng, nghe ngóng, sợ mất lòng cho nên mới coi sự quyết liệt của lãnh đạo nào đó như là một phẩm chất nổi trội, đặc biệt, khác thường. Tôi không nghĩ thế.
Lãnh đạo phải dám làm, dám chịu, sẵn sàng đương đầu với khó khăn là chuyện đương nhiên. Tôi thích phong cách làm việc như vậy và yêu cầu cấp dưới phải có phẩm chất đó.
Nhưng chỉ thế thôi thì không thể tạo ra chuyển biến trên diện rộng, duy trì liên tục trong nhiều tháng, nhiều năm được. Bất kỳ sự chuyển biến tích cực nào cũng là tổng hợp của nhiều yếu tố chủ quan và khách quan.
Chỉ cần tạo cơ hội bằng sự hiểu biết, bằng các cơ chế hợp lý, bằng sự chân thành trong đãi ngộ cũng như giao phó trách nhiệm… sẽ là nền tảng quan trọng tạo ra mọi sự thay đổi. Tôi cho rằng, yếu tố quyết định để có được những thành công ban đầu là đánh thức được khát vọng cống hiến và ý thức danh dự của cả tập thể giàu lòng tự trọng.
Khi nhận nhiệm vụ là người đứng đầu ngành GTVT, Bộ trưởng đã hứa với cử tri cả nước về quyết tâm đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và kiềm chế TNGT, ùn tắc giao thông. Sau hơn 3 năm nhận nhiệm vụ, những lời hứa đó đã được triển khai như thế nào?
Về kết quả thực hiện lời hứa thì bạn nên hỏi người dân sẽ đúng đối tượng hơn. Chỉ có họ, những người hàng ngày tham gia giao thông, mới đủ khách quan và sự vô tư để đánh giá hiện trạng giao thông bây giờ, so với trước đây.
Nếu bạn hỏi vì sao tôi lại dám hứa thực hiện một nhiệm vụ chưa thể lường hết một phần khó khăn, tôi sẽ trả lời là nó xuất phát trước tiên từ trách nhiệm của người được Quốc hội trao cho vai trò đứng đầu ngành GTVT.
Sự thôi thúc tôi hành động còn từ những cảm nhận đau đớn mang tính cá nhân về tình trạng TNGT khủng khiếp diễn ra hàng ngày, không chừa một ai. Rồi nạn ùn tắc ở các thành phố lớn… Chúng đều có nguyên nhân chủ yếu từ sự lạc hậu, xuống cấp, bất cập của hệ thống hạ tầng giao thông.
Tôi không tìm cách đổ lỗi cho ai, vì làm thế chẳng ích gì và trên thực tế cũng không cần thiết. Thay vào đó, chúng tôi xác định mọi thứ tồn đọng, mọi khó khăn lớn - bé đều là nhiệm vụ của mình, một phần không mong muốn của di sản mình thừa kế, chắc chắn phải giải quyết.
Chúng tôi nhanh chóng phát hiện ra rằng muốn nâng cấp hạ tầng, giải tỏa ùn tắc giao thông để nhờ thế kéo giảm TNGT xuống, tạo cú hích cho phát triển, trước tiên phải giải tỏa ách tắc, ùn tắc ngay từ trong tư duy, từ mỗi cá nhân.
Cần phải khơi thông không chỉ các nguồn lực rất lớn bao nhiêu năm vẫn còn ngủ yên chỉ vì thiếu cơ chế, thiếu động lực để chảy ra thành dòng vốn xã hội, mà còn khơi thông cả một hệ thống chính sách liên quan đến GTVT, vì lý do lịch sử, đã kìm hãm và làm thui chột những ý tưởng sáng tạo có giá trị.
Thật may là mọi việc diễn ra, về cơ bản, đều như chúng tôi mong muốn và được nhân dân ủng hộ.
Qua quan sát, giới truyền thông và người dân đều cho rằng trong mọi vấn đề cần chỉ đạo, hầu như Bộ trưởng đều có thể đưa ra quyết định ngay lập tức như quyết định liên quan đến hệ thống hầm chui dân sinh trong dự án đường dẫn cầu Nhật Tân, chủ trương về hoạt động của xe Taxi Uber… Những quyết định đó thể hiện sự nhạy cảm bẩm sinh của một nhà lãnh đạo hay kinh nghiệm cá nhân do rèn luyện?
Tôi chưa bao giờ để ý xem bản thân mình có những năng lực ấy không khi hành động. Tuy nhiên, có một chỗ dựa tinh thần mà tôi tin là tuyệt đối đúng, một chuẩn mực cho mọi hành động có thể đối chiếu ngay lập tức với các quyết định của mình. Đó là lời Bác Hồ đã dạy: “Việc gì lợi cho dân, dù nhỏ ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, dù nhỏ ta phải hết sức tránh”.
Ngồi phân tích, cân đo một vấn đề gì đó có thể phải cần thời gian. Nếu mà ngại chịu trách nhiệm thì còn mất nhiều thời gian gấp bội. Sự chậm trễ đưa ra quyết định không chỉ làm mất cảm hứng, mà còn mất cơ hội tốt nhất để thực hiện một chủ trương nào đó. Nhưng nếu dựa vào tiêu chí của Bác để xét xem việc đó có lợi cho dân, cho nước hay không thì vấn đề trở nên đơn giản hơn nhiều.
Những việc như vậy trước sau cũng phải làm, đáng làm, cần làm, làm mà không sợ sai thì làm sớm ngày nào tốt cho người dân ngày đó. Tốt cho nhiều người dân, tức là tốt cho đất nước. Đó là cơ sở để tôi hành động.
Lấy ngay ví dụ bạn vừa nêu. Một công trình giao thông, dù hiện đại và cấp thiết như cầu Nhật Tân và hệ thống đường dẫn mà vẫn còn gây phiền toái cho hàng nghìn người thì nhất định thiết kế có vấn đề. Sai thì phải sửa, không thể khác được, đơn giản vậy thôi.
Hoặc như tranh cãi quanh dịch vụ taxi Uber. Nói thật, cho đến khi dư luận xôn xao, bản thân tôi cũng chưa chú tâm hiểu ngọn nguồn bản chất của dịch vụ này. Chỉ biết rằng nhiều người dân hào hứng sử dụng vì được hưởng lợi từ loại hình vận tải mới đó, trong khi một số nước tiên tiến đã cấp phép hoạt động. Đó là những cơ sở quan trọng để nghiên cứu nó thay vì đưa ngay ra lệnh cấm vì chưa biết quản lý nó thế nào. Nếu Uber tuân thủ luật pháp, nộp thuế đầy đủ mà người dân được hưởng lợi, thì tại sao không khuyến khích phát triển?
Câu hỏi cuối cùng, cảm xúc của Bộ trưởng thế nào khi được Quốc hội tín nhiệm rất cao?
Ý nghĩ đầu tiên khi nhận thông tin đó là thời gian sắp tới, trách nhiệm của tôi sẽ nặng nề hơn.
Cảm ơn Bộ trưởng!
Tổng hợp từ GTVT
Bài liên quan
Ông Trump chọn tỷ phú giỏi đầu tư làm Bộ trưởng Tài chính Mỹ
Đài CNN dẫn lời Tổng thống đắc cử Donald Trump ngày 22.11 thông báo chọn tỷ phú Scott Bessent làm Bộ trưởng Tài chính Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Đinh La Thăng và những lời hứa sau 3 năm nhậm chức