Ở một góc độ nào đó, việc đặt ra chỉ tiêu và kỳ vọng quá cao vào tấm huy chương vàng trong khi thực lực và tâm lý chưa đủ chính là lý do khiến bóng đá Việt Nam luôn lỡ hẹn với giấc mộng vàng SEA Games.

Bóng đá Việt Nam tại SEA Games: Bao giờ thoát được ám ảnh thành tích?

Bùi Ngọc | 29/08/2017, 12:39

Ở một góc độ nào đó, việc đặt ra chỉ tiêu và kỳ vọng quá cao vào tấm huy chương vàng trong khi thực lực và tâm lý chưa đủ chính là lý do khiến bóng đá Việt Nam luôn lỡ hẹn với giấc mộng vàng SEA Games.

Việc U.22 Việt Nam sớm rụng ở SEA Games 29 là điều mà giới chuyên môn từng lo ngại. Tuy nhiên nó không lớn và sau khi có được những kết quả tốt ở 3 trận đầu ý nghĩ đó dần tan biến. Nhưng thực tế luôn rất phũ phàng.

Đoàn quân của HLV Hữu Thắng chia tay Malaysia ngay sau vòng bảng có nhiều nguyên nhân. Người ta đổ lỗi cho ông thầy người xứ Nghệ với những con tính sai về con người và chiến thuật.

Điều này đúng nhưng chưa đủ. Thất bại một giải đấu, thật quá dễ để chỉ trích HLV và cầu thủ. Và xưa nay kẻ bại trận phải hứng chịu mọi búa rìu cũng là điều tất lẽ dĩ ngẫu.

Tuy nhiên ở đây xin nhìn nhận thất bại của U.22 và bóng đá Việt Nam tại các kỳ SEA Games dưới một lăng kính khác: Sự kỳ vọng quá cao so với năng lực và sự chịu đựng của sức ép tâm lý từ VFF và giới mộ điệu.

Đành rằng đã thi đấu là phải hướng đến thành tích, có mục tiêu để phấn đấu. Song điều gì cũng có hai mặt của nó.

U.22 Việt Nam và rộng hơn là những lứa từng dự SEA Games của bóng đá Việt Nam luôn bị ám ảnh bởi giấc mơ vàng bao năm chưa thành. Và khi chưa thể hiện thực hóa được giấc mơ đó chúng ta đã “chết” trong sự kỳ vọng và áp lực thành tích.

Hãy nhìn sang Thái Lan và Malaysia, những quốc gia từng vô địch SEA Games để thấy dù họ đặt mục tiêu giành vị trí cao nhất.

Nhưng cái khác là không hề bị choáng hết cảm xúc đến độ ám ảnh khiến đích ngắm thành sức ép vô hình nhưng nặng trĩu như bóng đá Việt Nam.

Xét về thực lực so với các đối thủ trong khu vực, U.22 Việt Nam tại SEA Games 29 lần này và các lứa trước cũng không hề kém cạnh.

Nếu như vào trận với tâm thế đơn giản là giành chiến thắng từng trận có lẽ chúng ta đã làm tốt hơn thay vì nghĩ quá nhiều đến chức vô địch xa xôi khi mục tiêu trước mắt chưa hoàn thành.

Thái Lan, Malaysia họ cũng nghĩ về tấm huy chương vàng nhưng không đến mức lớn như Việt Nam.

Khi họ làm chủ được cảm xúc tốt hơn cũng có nghĩa năng lực bản thân sẽ phát huy tối đa. Nhìn U.22 Việt Nam bất lực trong khoản ghi bàn ở trận gặp Indonesia, trận cầu then chốt thì việc đổ lỗi cho may mắn, cho khả năng dứt điểm kém chẳng sai nhưng phải thừa nhận chính tâm lý quá nặng nề, căng cứng đến run rẩy khiến toàn đội chơi như đeo chì ở chân, đánh mất sự thanh thoát, tỉnh táo và hiệu quả.

Đặt giả thiết, vẫn với U.22 Việt Nam dự SEA Games 29 nhưng thay vì hô hào khẩu hiệu kiểu “không vô địch bây giờ thì bao giờ” từ lúc giải còn chưa diễn ra, thổi vào đầu cầu thủ cái ý nghĩ phải vô địch bằng mọi giá mà khiêm nhường, âm thầm hơn, có lẽ mọi chuyện đã khác.

Ít nhất sẽ không bị hất văng theo cách đường đột như thế. Chơi bóng với tâm lý được tung hô, đối thủ dè chừng, nghiên cứu kỹ nhưng năng lực chẳng hề hơn họ, khả năng vượt qua áp lực ở mức tệ thì việc đón nhận thất bại không quá khó hiểu.

Nhìn rộng ra đây cũng chính là “căn bệnh” chung của bóng đá Việt khi dự SEA Games.

Chúng ta vẫn đặt gánh nặng lên vai các cầu thủ mà không cần biết họ đã thực sự chín về tài năng và tâm lý để đủ sức hoàn thành nó hay chưa. Điều này giải thích tại sao tấm huy chương vàng vẫn luôn né tránh.

Chúng ta thường dự giải với sự kỳ vọng cao, tự tin thái quá vào năng lực cầu thủ trong khi vẫn chưa đánh giá chuẩn xác khả năng của đối phương sự thể hiện của cầu thủ khi gặp núi áp lực ở những trận cầu có ý nghĩa quyết định.

Một thực tế là cứ giải đấu nào, VFF và ngươi hâm mộ đặt mục tiêu cao thì sau đó chúng ta đều ngã đau điếng.

Khi năng lực cầu thủ chưa phải là ghê gớm, bản lĩnh trận mạc chưa được tôi luyện nhiều, sự kỳ vọng, đòi hỏi quá cao chẳng khác nào “liều thuốc độc”.

Chẳng ai dám tin, U.20 Việt Nam có thể dự World Cup 2017 gồm cả cầu thủ và người hâm mộ nhưng rồi như đã thấy khi được cởi bỏ áp lực chơi bóng bằng sự thoải mái và thanh thoát, kỳ tích vẫn có thể đến.

Vẫn biết sau nhiều thập kỷ, bóng đá Việt Nam đang khát vàng SEA Games hơn bao giờ hết.

Giành vàng giống như một mệnh lệnh với các thế hệ cầu thủ. Nhưng cần nhấn mạnh một lần nữa rằng nếu tài năng chưa phải là vượt trội so với phần còn lại nó vẫn sẽ còn cản trở và khiến chúng ta nếm trái đắng dài dài.

Thay vì hô hào, kỳ vọng quá nhiều, hãy thi đấu với tất cả khả năng, thành công sẽ đến.

Khương Duy

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
2 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bóng đá Việt Nam tại SEA Games: Bao giờ thoát được ám ảnh thành tích?