Với tác giả của ca khúc hit “Kiếp đỏ đen”, sự bình đẳng của con người chỉ có được trên sân bóng.
“THỂ THAO ĐỪNG DÍNH TỚI TIỀN BẠC”
Bóng đá là môn thể thao gần như duy nhất mà Duy Mạnh gắn bó ngay từ ngày bé. Kỷ niệm ngày nhỏ của Duy Mạnh về đá bóng là những trận đá ở sân xi măng, dưới cái nắng bỏng rát của trưa Hè đất Cảng Hải Phòng. “Ngày đó, lũ trẻ con chúng tôi chỉ có đủ tiền để mua quả bóng nhựa. Giải thưởng của đội thắng là được quyền hành hạ đối thủ bằng đủ trò quái quỷ chứ không có chuyện ăn uống hay tiền bạc như bây giờ” - Duy Mạnh hồi tưởng.
Với anh, đó là những kỷ niệm đẹp nhất, quý giá nhất bởi chúng sẽ không bao giờ trở lại. Thứ bóng đá trẻ con ấy sao mà lung linh thế, đáng yêu thế và chất chứa đầy mộng tưởng thế. Chúng trong veo như những viên ngọc, lấp lánh mà không hề vẩn đục bởi tác động của tiền bạc.
Duy Mạnh (trái trong bài) khi còn tham gia CLB bóng đá Chân tình của các nghệ sĩ
Vài năm trước, Duy Mạnh còn là thành viên năng nổ của đội bóng nghệ sĩ ở Sài Gòn là “Chân tình FC”. Ban đầu, CLB hoạt động sôi nổi, thường xuyên tổ chức những trận giao hữu hay làm từ thiện. Đến khi có Mạnh Thường Quân rót tiền tài trợ, thế là sinh lục đục.
Cũng kể từ đó, Duy Mạnh không còn mặn mà với đội nào cả, chỉ thích chơi theo cảm hứng và các thành viên cùng tự nguyện chia sẻ về mặt chi phí. “Như vậy là “cả nhà cùng vui mà lại bền chặt nữa” - Duy Mạnh kết luận.
Giờ đã là nghệ sĩ nổi tiếng, nhưng Duy Mạnh vẫn dành ít nhất một buổi trong tuần để ra sân đá bóng. Theo anh, đó vừa là cơ hội để vận động lại vừa là nơi giải tỏa tâm trạng tốt nhất. Điều anh tâm đắc nhất ở môn thể thao Vua là tính gắn kết xã hội cao.
Dù bạn là ai, có địa vị gì trong xã hội đến khi ra sân sẽ không còn khoảng cách với đồng đội hay đối thủ.
“Nhờ đá bóng mà tôi được đi nhiều, quen biết nhiều. Dân bụi đời đá bóng, tôi cũng tham gia, có khi, thi đấu giao lưu ngay trong trại giam. Cái thú nhất sau mỗi trận đấu là những cuộc gặp mặt trên bàn nhậu. Những câu chuyện đời, chuyện nghề của mỗi người đều trở nên thật hơn, sống động hơn”.
Duy Mạnh là người hầu như không thể vắng mặt trong các cuộc tụ họp hậu trường này. Bởi nó cho anh nhiều chất liệu cho các ca khúc của mình. Các sáng tác của anh gần như xoay quanh các đề tài xã hội, người thật việc thật… Đó đều là những câu chuyện “hậu kỳ trái bóng tròn”.
THẦN TƯỢNG “NGƯỜI ĐẶC BIỆT”
Duy Mạnh ít khi có đủ thời gian theo dõi hết các giải đấu, mà chỉ xem một vài trận mình thích. Với anh, bóng đá không đơn thuần là sự giải trí mà còn giúp anh “chiêm nghiệm” ra nhiều quy luật của cuộc sống từ lối đá, tư duy hay những câu chuyện hậu trường.
Ngày xưa, khi xem bóng đá, Duy Mạnh hướng mọi sự quan tâm đến cầu thủ. Khoảng 5 - 7 năm trở lại đây, anh chỉ thích theo dõi các HLV. Hai nhà cầm quân Duy Mạnh hâm mộ nhất là Alex Ferguson (cựu HLV của Man United) và José Mourinho (Chelsea).
“Hiện tại, Sir Alex đã nghỉ hưu chỉ còn lại Mourinho. Gần như, Mourinho dẫn dắt đội nào, tôi thích đội đó, từ Inter Milan, Real Madrid đến hiện tại là Chelsea” - Duy Mạnh tiết lộ.
Theo anh, Mourinho không phải là HLV đơn thuần mà là nhà cầm quân lão luyện. Để đạt được chiến thắng, giành ngôi vị cao nhất trong những cuộc chơi đầy tính thực dụng này, người cầm quân phải thông minh, tài năng và cả tính quỷ quyệt. Thế mới trị được các “ông sao” chứ.
THỂ THAO CŨNG GIỐNG SHOWBIZ
Với Duy Mạnh, thể thao hay giới showbiz đều là cuộc chơi có sự phân chia cao thấp, tính ăn thua. Bất cứ cuộc chơi nào không thể thiếu tính thực dụng. Từ các giải lớn như World Cup, EURO đến các giải của CLB như Champions League, các giải VĐQG châu Âu.
Chỉ khác là, mỗi thành viên của ĐTQG chơi bóng vì màu cờ sắc áo của đất nước mình, trong khi đó, các CLB chỉ cần có nhiều tiền mua cầu thủ giỏi, thuê HLV tài ba. Nó chỉ là cuộc chơi, bên thắng có tất cả, còn bên thua lại trắng tay.
Theo quan sát của mình, Duy Mạnh cho rằng, những chân sút ở châu Âu ít vướng phải scandal hơn là các cầu thủ xuất thân từ bóng đá đường phố Nam Mỹ, bởi họ là những người thiên về lý trí. Dù vậy, xem các cầu thủ Nam Mỹ vẫn thích mắt hơn, vì họ dễ dàng cuốn khán giả theo lối đá cảm xúc, ngẫu hứng.
Đời sống của các cầu thủ đó cũng giống… nghệ sĩ ở điểm vui tận cùng, buồn tột đỉnh. Người có cuộc sống theo đủ các quy chuẩn của xã hội họ không bao giờ sáng tạo ra những bàn thắng đẹp mắt như thế.
“Bản thân tôi là người nghệ sĩ cùng từng trải qua khoảng thời gian sa đà vào những cuộc chơi, đứng trước nhiều cám dỗ. Rất may, tôi lập gia đình sớm và chính nền tảng gia đình đó đã giữ tôi khỏi sự sa ngã” - Duy Mạnh chia sẻ.
Về ảnh hưởng của giới truyền thông đến bóng đá, Duy Mạnh cho rằng: “Bóng đá Việt Nam hay thế giới đang mắc sai lầm khi đi đổ lỗi cho báo chí trước những thất bại. Đừng đổ lỗi cho ai cả, bởi một cầu thủ thành danh phải tự trang bị cho mình khả năng chịu áp lực trong chính lĩnh vực mình thành công và trước truyền thông. Khi đó, họ mới là người chuyên nghiệp được. Không phải chỉ cần đá giỏi là sẽ thành công mà sự thành công còn đòi hỏi người đó phải có nhiều tố chất cần thiết khác nữa”.
Duy Mạnh (sinh năm 1975) tại Hải Phòng. Anh được biết đến với vai trò là ca sĩ và nhạc sĩ, từng học tại Nhạc viện TP.HCM, Khoa piano. Duy Mạnh được biết đến khi thể hiện các bài hát do chính anh sáng tác, như: Hãy về đây bên anh, Kiếp đỏ đen, Ta đâu có say, Tình em là đại dương, Biết tìm đâu, Dĩ vãng cuộc tình…
Duy Mạnh tự nhận mình là người có đôi mắt quan sát tinh tường. Anh bảo, chỉ cần xem một người chơi bóng hay thậm chí chơi cá độ, đỏ đen thì cũng biết được họ là người như thế nào rồi. Bởi trong một cuộc chơi đề cao sự ăn thua, thì bản chất con người sẽ tự nhiên bộc lộ hết mà nhiều khi chính họ cũng không biết.
“Mùa World Cup vừa qua, tôi không để tâm nhiều lắm, vì tôi thích HLV hơn là cầu thủ. Nhưng tôi dám chắc, 70% người theo dõi World Cup là người có chơi cá độ. Hấp lực của trò cá cược này khiến người ta có đủ sức khỏe để thức xuyên đêm xem các trận. Còn người đi làm, họ chỉ xem một vài trận là giỏi rồi”, tác giả “Kiếp đỏ đen” thẳng thắn nhận định.