Chỉ cần một vài độ cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn đối với các VĐV. Ở nhiệt độ ấm, cơ thể ít có khả năng giải phóng nhiệt mà nó tạo ra, điều này có thể ảnh hưởng đến hiệu suất thi đấu và sức khỏe.
Cuộn mình trên một tấm vải hình chữ nhật nhỏ màu trắng trên bãi cỏ cạnh một băng ghế công viên ở Paris, VĐV bơi lội người Ý Thomas Ceccon vô tình gây bão trên mạng chỉ vì ngủ ngoài trời. Khoảnh khắc này, được một VĐV khác trong làng Olympic chụp được và đăng lên mạng xã hội vào đầu tuần, chỉ một tuần sau khi Ceccon thất bại trong giành vé vào vòng chung kết nội dung bơi ngửa 200 mét nam, mặc dù Ceccon vừa giành huy chương vàng ở nội dung 100 mét.
Trong cuộc phỏng vấn sau đó với một kênh truyền hình Ý, Ceccon giải thích phong độ kém của mình là do điều kiện ăn ngủ ở làng Olympic quá tệ — cụ thể là do nóng bức. Giới truyền thông đồn đoán rằng nhiệt độ khó chịu cũng là nguyên nhân khiến Ceccon phải tìm giấc ngủ trưa ngoài trời, làm dấy lên một loạt lo ngại về tác động của thời tiết khắc nghiệt đến Thế vận hội mùa hè năm nay. (Liên đoàn bơi lội Ý đã phủ nhận Ceccon phải đi ngủ bụi có liên quan đến điều kiện ở làng Olympic).
Paris bị hầm trong những ngày tổ chức Olympic
Trong những tuần trước Thế vận hội Paris, các nhà dự báo thời tiết và các VĐV đều lo ngại rằng Olympic lần này có thể trở thành kỳ Thế vận hội nóng nhất trong lịch sử, vượt qua cả Tokyo năm 2021, nơi độ ẩm cao và những ngày nắng nóng trên 32 độ khiến 100 VĐV phải tìm kiếm sự chăm sóc y tế vì các bệnh do nhiệt. Mặc dù còn quá sớm để thống kê kỳ Thế vận hội năm nay sẽ diễn ra như thế nào, nhưng một òm nhiệt đã bao phủ Paris vào ngày 29.7, kéo dài trong bốn ngày và nhiệt độ có lúc tăng vọt lên mức hơn 36 độ khi tuần đầu tiên của Thế vận hội diễn ra.
Trong thời tiết nắng nóng, nhiều đoàn thể thao đã nhanh chóng bảo vệ cho điều kiện ăn ở của các VĐV nhà luôn trong tình trạng tốt nhất, phổ biến là thuê máy điều hòa cho phòng ngủ tại làng Olympic. Ủy ban Olympic Úc thậm chí còn đầu tư vào các màn hình hiện đại để ghi lại nhiệt độ, bức xạ, độ ẩm và tốc độ gió trên mặt đất, từ đó đưa ra các khuyến nghị được cá nhân hóa để giúp các VĐV đối phó với nhiệt. Đối với một số môn thể thao ngoài trời, như quần vợt và bóng đá, ban tổ chức phải áp dụng về thời gian nghỉ ngơi bổ sung khi nhiệt độ vượt quá ngưỡng an toàn.
Biến đổi khí hậu đang làm tăng tần suất các đợt nắng nóng cực độ và gây tử vong. Rings of Fire II, một báo cáo về nhiệt độ Olympic được công bố trước khi Thế vận hội 2024 bắt đầu vào ngày 26.7, phát hiện ra rằng nhiệt độ trung bình vào mùa hè ở Paris năm nay đã tăng 3,1 độ C so với năm 1924, lần cuối cùng Thành phố Ánh sáng tổ chức Thế vận hội.
Vào ngày cuối tháng 7, nhà khí hậu học Friederike Otto của World Weather Attribution, một dự án học thuật nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đến khí tượng học, cho biết: "Hôm qua, biến đổi khí hậu đã phá hủy Thế vận hội. Nếu bầu khí quyển không bị quá tải bởi khí thải từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch, Paris sẽ mát hơn khoảng 3 độ C và an toàn hơn nhiều cho thể thao".
Các VĐV phải đặt cược sức khỏe vào cuộc thi
Chỉ cần một vài độ cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn đối với các VĐV. Ở nhiệt độ ấm, cơ thể ít có khả năng giải phóng nhiệt mà nó tạo ra, điều này có thể ảnh hưởng đến hiệu suất thi đấu và sức khỏe. Một nghiên cứu năm 2023 về các VĐV chạy marathon và đi bộ nhanh cho thấy nhiệt độ cơ thể tăng 1,5 độ có thể khiến thời gian thực hiện chậm hơn tới 20%. Và khi cơ thể cố gắng hạ nhiệt, nó sẽ đổ mồ hôi và giãn nở các mạch máu. Khi các cơ chế này bị đẩy lên mức quá cao, chúng sẽ dẫn sức khỏe đến các rủi ro nguy hiểm — chẳng hạn như mất nước, suy nội tạng và đau tim. Và đợt nắng nóng kéo dài càng lâu thì tác động càng trở nên nguy hiểm hơn.
Nhiệt độ cực cao ảnh hưởng đến nhiều môn thể thao. Báo cáo Rings of Fire, một hợp tác giữa Hiệp hội Thể thao Bền vững Anh và nhóm vận động khí hậu Frontrunners của Úc, đã ghi lại những câu chuyện từ các VĐV ưu tú ở 15 môn thể thao về cách nhiệt độ khắc nghiệt đã tác động đến sự nghiệp và sức khỏe của họ. Trong báo cáo, VĐV bơi lội người Anh Hector Pardoe cho biết anh "gần như bị liệt" sau cơn say nắng khiến anh nôn mửa và bất động trong một cuộc thi ở Budapest. Đối với Yusuke Suzuki, VĐV đi bộ đường trường người Nhật Bản, say nắng là thử thách đau đớn và phải mất hai năm mới có thể hồi phục.
Mike Tipton, nhà nghiên cứu sinh lý học con người tại Đại học Portsmouth ở Anh, người đã đóng góp vào báo cáo, cho biết: “Trong tương lai, tôi không thấy vấn đề này bớt nghiêm trọng hơn”. Tipton đánh giá cao những thay đổi đang diễn ra trong các môn thể thao để bảo vệ các VĐV và người hâm mộ khỏi cái nóng khắc nghiệt — chẳng hạn như bố trí các điểm dừng uống nước và trạm làm mát. Tuy nhiên, Tipton cũng cảnh báo không nên bỏ qua tầm quan trọng của việc giảm thiểu nguyên nhân trực tiếp gây ra biến đổi khí hậu: con người đốt nhiên liệu hóa thạch.
Những người tổ chức Thế vận hội Paris dường như đồng tình với điều này. Trong những năm trước khi diễn ra Olympic, Ban tổ chức đã đưa ra những cam kết chưa từng có về tính bền vững như cắt giảm một nửa lượng khí thải nhà kính so với vài Thế vận hội gần đây. Tuy nhiên trớ trêu là, quyết định cắt giảm mức sử dụng năng lượng bằng cách xây dựng ký túc xá làng Olympic với hệ thống làm mát địa nhiệt thay vì máy điều hòa không khí đã khiến các VĐV khó chịu về chỗ ở. Bernadette Szocs, một VĐV bóng bàn người Romania, nói với The Guardian rằng ngay cả quạt cấp cho các phòng cũng không đủ nên rất nóng.
Vào năm 2023, Thị trưởng Paris Anne Hidalgo đã giải thích về quyết định tránh sử dụng máy điều hòa thế này: “Tôi rất tôn trọng sự thoải mái của các VĐV, nhưng tôi nghĩ nhiều hơn đến sự sống còn của nhân loại”. Nhưng khi dự báo nhiệt độ và mối lo ngại tăng cao, cuối cùng, ban tổ chức đã nhượng bộ và đặt mua 2.500 máy điều hòa cho các đội sẵn sàng trả tiền. Một số đội, như đội bơi Hàn Quốc, đã chọn ở trong khách sạn. Việc tiếp cận không bình đẳng với những tiện nghi như vậy đã làm dấy lên mối lo ngại về sự bất công.
Các chuyên gia đồng ý rằng máy điều hòa có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh. Richard Franklin, giáo sư y tế cộng đồng và y học nhiệt đới tại Đại học James Cook, Queensland, Úc, cho rằng đợt nắng nóng thường đi kèm với nhiệt độ ban đêm cao hơn khiến cơ thể không kịp phục hồi hoàn toàn và việc thiếu ngủ cùng với sức ép về thể chất khi thi đấu có thể làm tăng rủi ro cho sức khỏe của VĐV.
Hannah Mason, giảng viên y tế cộng đồng tại Đại học James Cook và là tác giả chính của một bài báo năm 2024 phân tích tác động của nhiệt độ cực cao đối với các sự kiện thể thao đông người, cho biết các yếu tố khác như bóng râm và tình trạng sức khỏe hiện tại… nên được xem xét để tránh cơ thể vượt ngưỡng chịu đựng. Ví dụ, các VĐV Paralympic thường sử dụng các thiết bị, như xe lăn, có thể giữ nhiệt nhiều hơn.
Cả Tipton và Mason đều đồng ý rằng, cuối cùng, những nguy cơ ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu sẽ khiến các nhà tổ chức Thế vận hội không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thay đổi thời gian tổ chức Olympic mùa hè vào những tháng có thời tiết mát mẻ hơn. Tipton cho biết tin tốt là các nước và liên đoàn thể thao đã bắt đầu coi trọng hơn rủi ro do nhiệt độ cao. Ông cho biết: "Chúng ta đang thấy bản chất của các môn thể thao thay đổi về mặt luật lệ, quy định và chiến lược làm mát được phép".
Theo Mason, việc ban hành nhiều quy định từ trên xuống về giới hạn an toàn sẽ rất quan trọng để kiểm soát rủi ro. Bà cho biết, với khát vọng cao và áp lực của cuộc thi, các VĐV thường không muốn bỏ cuộc ngay cả khi điều kiện trở nên nguy hiểm.
Mason cho biết: "Nếu nhiệt độ cao hơn vài độ, các VĐV sẽ không chịu bỏ cuộc. Chúng ta cần có các chính sách dự phòng để không đẩy VĐV vào thế phải lựa chọn trước cơ hội mà họ đã dành cả cuộc đời tập luyện phấn đấu vì nó".