Điểm mạnh và cũng là điểm yếu của hầu hết các hãng smartphone Trung Quốc là họ phần lớn tập trung vào phân khúc tầm trung, có giá dưới 500 USD. Điều này đang đứng trước nguy cơ lớn do sự thay đổi về thị hiếu mua sắm của người dân Trung Quốc, theo đó tập trung vào các sản phẩm smartphone cao cấp có giá thành lớn hơn.
Một thông tin an ủi đối với Samsung trong cơn bĩ cực hiện tại, đó là tại Trung Quốc – một trong những thị trường có sức tiêu thụ lớn nhất thế giới – cơn sốt smartphone giá rẻ đang dần hạ nhiệt và bắt đầu suy tàn. Làn sóng smartphone giá rẻ vốn là đòn bẩy tạo nên sự trỗi dậy cho hàng loạt các thương hiệu sản xuất điện thoại thông minh nội địa Trung Quốc trong vài năm trở lại đây như Xiaomi, Huawei, Oppo và Vivo, cũng như là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự sụt giảm thị phần của các thương hiệu smartphone cao cấp như Samsung và Apple đang bắt đầu có dấu hiệu sắp chấm dứt khi tăng trưởng kinh tế đang làm thay đổi thị hiếu mua sắm của người tiêu dùng Trung Quốc theo hướng chú trọng về chất lượng hơn là giá cả. Sự dịch chuyển này sẽ vừa là cơ hội vừa là thách thức lớn cho cả các hãng smartphone Trung Quốc cũng như trên thế giới nếu muốn tiếp cận thị trường béo bở gần 1,4 tỉ người này.
Có lẽ không nhiều người trên thế giới biết rằng, ở thời điểm hiện tại trong số 10 thương hiệu sản xuất smartphone lớn nhất thế giới thì có tới 7 là các công ty Trung Quốc. Điều này cũng không quá khó hiểu khi thực tế là các hãng sản xuất smartphone Trung Quốc mới chỉ trỗi dậy mạnh mẽ khoảng 3-4 năm trở lại đây mà thôi, và tất cả cùng có chung một công thức: giá thành rẻ nhưng chất lượng khá, chủ yếu tập trung vào phân khúc smartphone tầm trung với ưu thế về giá cả và chất lượng tốt hơn của các hãng nước ngoài.
Về mặt công nghệ, các nhà sản xuất nội địa Trung Quốc khó có thể cạnh tranh ở phân khúc cao cấp với các tên tuổi như Samsung hay Apple, nhưng ở phân khúc tầm trung thì có thể. Và những con số thống kê đã cho thấy chiến lược này đã thành công, khi mà tầng lớp trung lưu đang chiếm tỷ lệ lớn trong xã hội Trung Quốc và đang ngày càng mở rộng về số lượng.
Xiaomi là một ví dụ điển hình cho sự trỗi dậy của các hãng smartphone giá rẻ Trung Quốc. Chiếc smartphone đầu tiên của Xiaomi ra đời vào năm 2011 – một thời điểm khá muộn, nhưng đến năm 2013 hãng này đã nhanh chóng sở hữu 5% thị phần ở Trung Quốc trước khi tăng lên 12,5% vào năm 2014 để trở thành người dẫn đầu, đẩy Samsung xuống vị trí thứ 2 với 12%.
Điều tương tự cũng diễn ra với các tên tuổi smartphone nội địa Trung Quốc khác như Huawei, Vivo hay Oppo. Ở thời điểm hiện tại, 4 công ty này chiếm 4 vị trí đầu bảng trong top 5 nhà sản xuất smartphone lớn nhất Trung Quốc, tập đoàn công nghệ nổi tiếng của Mỹ là Apple xếp thứ 5 còn Samsung thì xếp thứ 6. Không chỉ giới hạn ở thị trường nội địa, smartphone Trung Quốc còn đang bành trướng sang nhiều thị trường tại khu vực và trên thế giới, do nhu cầu smartphone phân khúc tầm trung trên toàn cầu vẫn còn rất lớn, và ở phân khúc này thì smartphone Trung Quốc không có đối thủ cả về giá cả lẫn chất lượng.
Nhưng làn sóng này đang đi đến hồi kết, khi mà các hãng smartphone Trung Quốc đang có nguy cơ gục ngã ngay trên sân nhà. Điểm yếu của hầu hết các hãng smartphone Trung Quốc là họ phần lớn tập trung ở phân khúc tầm trung, theo thống kê các hãng này đang sản xuất khoảng 40% lượng smartphone của toàn thế giới, nhưng chỉ tập trung ở các phân khúc có giá dưới 500 USD.
Ở các phân khúc smartphone cao cấp thường có giá từ 500 USD trở lên thì Apple hay Samsung chiếm ưu thế gần như tuyệt đối. Phần lớn smartphone của Trung Quốc sản xuất hiện nay đều thuộc tầm trung có giá dưới 300 USD, đỉnh điểm là Xiaomi có giá khoảng trên dưới 200 USD. Tuy nhiên thị hiếu mua sắm điện thoại thông minh của người tiêu dùng Trung Quốc đang thay đổi mạnh, theo hướng tập trung nhiều hơn vào các sản phẩm cao cấp có giá thành lớn hơn.
Đây được xem là một thách thức nghiêm trọng với các hãng smartphone nội địa Trung Quốc, do họ vẫn chưa được đánh giá là đã hội đủ khả năng về tài chính cũng như công nghệ để có thể sản xuất ra những sản phẩm smartphone cao cấp hơn. Sự trỗi dậy của Xiaomi, Huawei, Oppo hay Vivo tại thị trường smartphone ở Trung Quốc là quá ngắn, hầu hết mới từ năm 2011 trở lại đây, và không ít trong số đó đã sử dụng chiến thuật chấp nhận thua lỗ để chiếm thị phần thông qua giảm giá mà Xiaomi là một ví dụ điển hình.
Dù là hãng smartphone có doanh số lớn nhất tại Trung Quốc nhưng Xiaomi hiện nay về mặt lợi nhuận vẫn đang gánh chịu những khoản lỗ khá lớn và tiếp tục hoạt động. Những nhà lãnh đạo Xiaomi nói riêng và các hãng smartphone giá rẻ khác ở Trung Quốc nói chung đều hy vọng rằng sau khi chấp nhận lỗ để giành được thị phần thì sẽ có lãi, nhưng sự dịch chuyển về thị hiếu mua sắm của người dân Trung Quốc đang diễn ra sớm hơn so với kỳ vọng này, và đẩy họ vào một tình thế khó khăn cả về tài chính lẫn công nghệ.
Dù các hãng smartphone Trung Quốc đang có một số lợi thế nhất định cho việc chuyển dịch sản phẩm từ trung cấp sang cao cấp, chẳng hạn như về vấn đề phần cứng, khi chính phủ Trung Quốc trong năm 2015 đã buộc hãng chip nổi tiếng của Mỹ là Qualcomm chấp nhận nộp phạt 975 triệu USD do vi phạm luật chống độc quyền và giảm tiền bản quyền về việc sử dụng chip thiết kế cho các hãng smartphone nội địa. Ở thời điểm hiện tại các hãng smartphone Trung Quốc chỉ phải trả 65% tiền bản quyền cho các loại chip do Qualcomm sản xuất thay vì 100% như trước.
Tuy nhiên, thách thức về công nghệ phần mềm và các bộ phận phần cứng khác là không dễ để vượt qua. Hiện Samsung và Apple vẫn đang độc chiếm phân khúc smartphone cao cấp ở Trung Quốc nói riêng và hầu hết thị trường trên thế giới nói chung dựa trên nền tảng công nghệ vượt trội hơn, và dường như hai gã khổng lồ này cũng không hề có ý định nhường bước cho các hãng nội địa Trung Quốc, kể cả khi Samsung vừa phải đối mặt với sự cố nghiêm trọng liên quan đến chiếc smartphone cao cấp Galaxy Note 7.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)