Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực cho rằng việc cán bộ đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chứng là một biểu hiện của tiêu cực, gây nhiều hệ lụy xấu, làm chậm sự phát triển kinh tế - xã hội…

Cán bộ sợ sai, đùn đẩy công việc là biểu hiện tiêu cực, gây hệ lụy xấu

Hoài Lam | 11/05/2023, 19:00

Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực cho rằng việc cán bộ đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chứng là một biểu hiện của tiêu cực, gây nhiều hệ lụy xấu, làm chậm sự phát triển kinh tế - xã hội…

Đùn đẩy, né tránh, không làm việc

Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực nhấn mạnh trong thời gian tới cần rà soát, chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

“Đây chính là một biểu hiện của tiêu cực, gây nhiều hệ lụy xấu, làm chậm sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vì vậy cần tập trung chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng này”, Ban chỉ đạo nêu.

Việc một bộ phận cán bộ sợ sai, thận trọng quá mức, không dám làm đang ngày càng trầm trọng. Nhiều doanh nghiệp phản ánh tình trạng này đã làm trầm trọng thêm những khó khăn của doanh nghiệp trong thời gian qua.

Trong nhiều kiến nghị gửi cơ quan chức năng, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đều nhấn mạnh, vướng mắc về mặt pháp lý là vướng mắc lớn nhất của doanh nghiệp bất động sản, chiếm 70% khó khăn của các dự án trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng và kinh doanh.

Theo ông Châu, ngoài nguyên nhân do một số quy định pháp luật không đồng bộ, thống nhất thì cũng có nguyên nhân do tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý trong một số cán bộ công chức dẫn đến đùn đẩy hồ sơ lòng vòng, không dám đề xuất, không dám quyết định.

can-bo-2.jpg
Có hiện tượng cán bộ sợ sai, thận trọng quá mức, không dám làm - Ảnh: Internet

Trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng cần khẩn trương ban hành Nghị định quy định về khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

“Vừa rồi Chính phủ có Công điện 280 cũng cần bổ sung vào trong báo cáo này việc thực hiện Công điện 280. Theo Công điện 280 quy định là trong tháng 5 này phải báo cáo rõ những chuyển biến, những tiến bộ, những nơi làm không tốt. Trong Công điện 280 nêu rất rõ là những trường hợp đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm thì phải được xử lý. Tôi rất mong trong thời gian tới xử lý được một số trường hợp đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm để giải quyết câu chuyện cầm chừng và sợ trách nghiệm hiện nay đang khá phổ biến ở các địa phương, các ngành”, bà Thanh nêu.

Theo bà Thanh, phải thẳng thắn đi vào những vấn đề thực chất liên quan đến câu chuyện về tình trạng làm việc cầm chừng hiện nay, việc đùn đẩy "đá qua đá lại".

“Chúng tôi đi địa phương cũng thấy địa phương thấy khó làm quá thì làm văn bản hỏi trung ương, hỏi các bộ, ngành, các bộ, ngành thì lại trích theo điểm a, điểm b luật quy định thế này và đề nghị làm theo luật, tình trạng phổ biến là như thế. Người ta không làm được thì người ta hỏi, mình lại trả lời theo luật, cứ qua lại như vậy, hai nữa là ở dưới địa phương bí không làm được thì cũng không suy nghĩ để tìm cách làm, cũng cứ hỏi trung ương. Đây là câu chuyện chúng ta cần phải rất rõ ràng trong việc này”, bà Thanh nhấn mạnh.

Thực tế này cũng được Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng dẫn ra ví dụ, năm 2022, TP.HCM gửi Bộ KH-ĐT 584 văn bản, bộ đã trả lời 604 văn bản. Đáng nói, tất cả nội dung hỏi và trả lời đều thuộc thẩm quyền của TP.HCM.

“Đó là hiện tượng né tránh, đùn đẩy, đá lên xong lại ngồi chờ, tức là không làm gì. Giai đoạn 2018 - 2021, TP.HCM cấp trung bình 1 năm khoảng 70 dự án bất động sản. Nhưng trong 2 năm vừa qua, TP.HCM cấp có 8 dự án, hầu như "đứng bóng" hết, không làm. Đấy là vấn đề lớn nhất, cán bộ các cấp sợ, né tránh, đùn đẩy, lẩn tránh không làm”, ông Dũng nói.

"Lãn công trá hình"

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, TS Nguyễn Văn Đáng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) “định danh” hiện tượng trên là "lãn công trá hình". Một bộ phận cán bộ, công chức làm việc theo nguyên tắc ba không: "không nói; không tham mưu, đề xuất; không triển khai hoặc cầm chừng, vừa làm vừa nghe ngóng". Hệ quả là cả một bộ máy công quyền địa phương có thể rơi vào tình trạng trì trệ, công việc ách tắc.

“Hiện tượng né tránh, đùn đẩy công việc có thể bắt nguồn từ những tính toán lợi ích cá nhân thiển cận, bất cập của chính sách, thể chế, cũng như áp lực từ tâm lý sợ sai. Tất cả hội tụ lại thể hiện qua câu nói vui: "làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm thì không sai"”, ông Đáng nói.

Nêu giải pháp cho tình trạng này, TS Đáng cho rằng cần quán triệt và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Đảng và của Nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời có chính sách khuyến khích cá nhân dám đột phá.

can-bo-3.jpg
TS Nguyễn Văn Đáng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)

“Bộ Nội vụ đang hoàn thiện dự thảo Nghị định khuyến khích và bảo vệ cán bộ bản lĩnh, sáng tạo, dám đột phá. Trong công điện mới đây, Thủ tướng cũng đã có những chỉ đạo quyết liệt, sẵn sàng xử lý trách nhiệm của cá nhân, tập thể nếu còn tiếp tục có những biểu hiện "lãn công trá hình"”, ông Đáng nêu.

Chuyên gia pháp lý bất động sản Phạm Thanh Tuấn cũng cho hay, phải nhìn nhận rõ nguyên nhân để có giải pháp khắc phục.

Theo ông Tuấn, nếu nguyên nhân của khó khăn do hệ thống pháp luật còn vướng mắc, chồng chéo thì phải khắc phục vấn đề này từ trong luật. Khi luật pháp không còn mâu thuẫn, chồng chéo, đã rõ ràng, thì cán bộ, công chức cũng yên tâm hơn để thực hiện. Nếu nguyên nhân từ tâm lý sợ sai quá mức của cán bộ công chức thì cần định hướng lại các làm việc của họ.

“Trách nhiệm của công chức là tận tụy với công việc, còn nếu chỉ làm việc để an toàn cho bản thân mình và đẩy hết khó khăn cho doanh nghiệp thì không ổn. Ngoài ra, cũng cần có biện pháp khuyến khích cán bộ công chức sáng tạo, dám nghĩ dám làm vì công việc chung”, ông Tuấn nêu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cán bộ sợ sai, đùn đẩy công việc là biểu hiện tiêu cực, gây hệ lụy xấu