Cá chết ở ven biển 4 tỉnh miền Trung đã kéo dài một tháng với 3 đợt chết. Các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế gánh chịu hậu quả nặng nề. Vết loang của nó giáng cú đấm mạnh xuống nền kinh tế biển, các ngành nghề dịch vụ cao điểm mùa du lịch cũng ảnh hưởng lao đao.

Cần có giải pháp quốc gia về môi trường biển

06/05/2016, 10:47

Cá chết ở ven biển 4 tỉnh miền Trung đã kéo dài một tháng với 3 đợt chết. Các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế gánh chịu hậu quả nặng nề. Vết loang của nó giáng cú đấm mạnh xuống nền kinh tế biển, các ngành nghề dịch vụ cao điểm mùa du lịch cũng ảnh hưởng lao đao.

Chính phủ đã đưa ra các biện pháp khởi đầu để hạ nhiệt, nhưng về lâu dài cần có giải pháp bền vững cấp quốc gia về môi trường biển.

Ngay từ khi cá chết dạt vào bờ, khủng hoàng về ứng xử thông tin đã khiến người dân mất niềm tin nghiêm trọng vào các cơ quan quản lý nhà nước, mà trách nhiệm lớn nhất là bộ TNMT. Bộ trưởng nói một đằng về ống xả thải của Formosa là vi phạm pháp luật còn thứ trưởng lại nói đó là đương nhiên được đặt ống xả thải ngầm khổng lồ, kéo dài 1,7km.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo thu mua hải sản của ngư dân đánh bắt xa bờ, phát gạo cứu đói cho ngư dân, hỗ trợ người lao động ăn theo nghề biển. Quan chức các địa phương, các bộ trình diễn ăn hải sản, tắm biển là biện pháp không phải khoa học và lấy lại được niềm tin lâu dài. Nó càng không thể là cách thức mộng mị với người dân miền biển.

Các nhà khoa học nước ngoài đã đặt chân đến Vùng Áng (Hà Tĩnh), đến vùng cá chết lần thứ 3 của Quảng Bình để lấy mẫu. Nhưng nhìn cách thức lấy mẫu truyền thống gần bờ, ngư dân địa phương vẫn chưa tin lắm vào các mẫu vật họ mang về. Từ xã biển Nhân Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình, không ít ngư dân kiến nghị các cơ quan ban ngành cần ra cách bờ từ 1-6 hải lý lấy mẫu nước, phía ngoài đó nước có màu đục khác thường với mọi năm, hôi hắc.

Một số ngư dân vì chồn chân mỏi gối, bất chấp lệnh đang cấm đánh bắt gần bờ đã liều ra vùng rạn san hô gần bờ thả lưới, chiếc lưới sử dụng vài năm đã cáu bẩn, vậy nhưng đợt này họ thả xuống rồi đưa lên nó sạch bóng như có chất tẩy rửa, lưới mới tinh như vừa mua ở tiệm. Họ nghi ngờ bên dưới lưu cữu một trong những hóa chất mạnh nào đó làm sạch lưới đánh cá.

Một số ngư dân khác phản ánh, lặn xuống dưới đáy vùng rạn, san hô đã chết, cá đang phân hủy rất nhiều, cua ghẹ, các loài giáp xác nằm nhiều hơn các đợt dạt vào bờ. Những ngư dân suốt ngày mưu sinh trên biển, họ như những "nhà hải dương học", nắm bắt rất tốt các thông tin từ dòng biển, các nhà khoa học cần tham vấn những thông tin này.

Trước đến giờ, đi các làng biển, bám sát các cơ quan chuyên môn, chưa thấy nhiều tin lấy mẫu ở ngoài khơi gần bờ để quan trắc. Những trầm tích bùn dưới đó là dấu vết để lại của các đợt làm ngộ độc cá chết cũng cần được khảo cứu một cách bài bản để có câu trả lời rõ ràng với môi trường biển thật nghiêm túc. Ngư dân đánh giá các mầu nước gần bờ thường bị loãng ra bởi nước ngầm chảy từ trong bờ cát ra. Phía ngoài các rạn san hô, dưới đáy bùn trầm tích là các mẫu cần nghiên cứu.

Trước những yêu cầu chính đáng này của ngư dân, ông Lê Minh Ngân – Giám đốc Sở Tài nguyên Môi Trường Quảng Bình đã ký công văn số 768, báo cáo và đề nghị Bộ TN&MT vào cuộc: “Kính đề nghị Bộ chỉ đạo các đơn vị quan trắc lưu ý hiện tượng được người dân phản ánh nói trên trong quá trình khảo sát, lấy mẫu nước và trầm tích để phân tích nhằm góp phần đánh giá toàn diện tình hình trong quá trình tìm nguyên nhân gây cá chết hàng loạt ven biển các tỉnh miền Trung thời gian qua, đồng thời có phương án xử lý phù hợp để nhân dân yên tâm tiếp tục đánh bắt thủy hải sản trên biển”.

Hệ sinh thái biển giàu có nhưng thật mong manh, cá chết trong vòng 1 tháng qua là chiếc "phong vũ biểu" nói lên điều đó. Chính phủ cần huy động các trường đại học ở Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng cùng các địa phương có cá chết thực hiện công trình nghiên cứu khoa học cấp quốc gia để nghiên cứu sâu nhất về môi trường biển trong thảm họa vừa rồi. Xem xét các mẫu trầm tích dưới đáy biển là mẫu chuẩn của vùng biển chết để có cách ứng phó sau này cho tương lai.

Cần biến luận văn khoa học này thành cẩm nang ứng phó với các thảm họa môi trường biển sau này ở bất cứ đâu dọc dài ven biển Việt Nam. Huy động các nhà ngư loại học, sinh trắc học, hải dương học... đánh giá thiệt hại của hệ sinh thái biển. Nếu xem cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung là thảm họa lớn nhất, mất mát thiệt hại lớn nhất về biển thì cần có các kịch bản ứng phó tầm mức quốc gia, đưa ra cảnh báo về ranh giới an toàn với dân chúng: lúc nào được ra biển đánh bắt, lúc nào được ra biển tắm, du lịch.

Cần có sự phối hợp tốt giữa 4 địa phương có cá chết để điều phối các nghiên cứu khoa học chuyên sâu. Các công trình nghiên cứu khoa học này nên có ý kiến đánh giá của các nhà nghiên cứu biển tầm cỡ quốc tế. Các nhà ngư loại học cần phân tích có bao nhiêu loài đã chết trong hệ sinh thái biển, trong đó có những loài cá nào thuộc về sách đỏ Việt Nam và thế giới để các chuyên gia bảo tồn của IUCN và những tổ chức quốc tế vào cuộc.

Nếu không xem công trình nghiên cứu khoa học này là giải pháp lâu dài đối với hệ sinh thái biển mong manh thì những lần ngộ độc sau của môi trường biển, khó có cách để khẩn cấp ứng phó và điều phối nguồn lực quốc gia để ứng phó với thảm họa.

Nước Nhật mất không dưới 24 năm để dọn dẹp vệ sinh vịnh Minamata sau khi bị đầu độc do xả thải, vậy thì Việt Nam cũng cần lên kế hoạch làm sạch vùng biển bị nhiễm độc bằng cách thức làm sạch tầng đáy như thế nào. Đó là nhiệm vụ của các nhà hoạch định chính sách bảo vệ môi trường nhằm bảo vệ tương lai của các thế hệ sau, giảm đến mức thấp nhất các di chứng khốc liệt có thể xuất hiện.

Những ngư dân trong tâm bão cá chết, họ đòi hỏi môi trường biển trong sạch, thông tin minh bạch là chính đáng. Nếu không có các giải pháp quốc gia hiệu quả hơn, không ai đảm bảo liệu có còn tiếp diễn nạn cá chết hàng loạt và môi trường biển có thật sự sạch hay không.

Để trả lời câu hỏi này, công trình nghiên cứu cấp quốc gia ấy cần đảm bảo tự do học thuật và giải pháp khoa học để bảo đảm nguồn lực của người dân được bảo vệ.

Bởi như ngư dân nói "cá chết dân sống với ai?".

Cu Làng Cát

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần có giải pháp quốc gia về môi trường biển