Đây là một trong những ý kiến được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nêu ra khi các ĐBQH đề nghị Dự luật Chuyển giao công nghệ cần chặt chẽ hơn.

Cần quy định rõ vai trò của các bộ trong chuyển giao công nghệ

02/06/2017, 16:20

Đây là một trong những ý kiến được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nêu ra khi các ĐBQH đề nghị Dự luật Chuyển giao công nghệ cần chặt chẽ hơn.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi)

Công nghệ ở Việt Nam lạc hậu 2-3 thế hệ

Sáng 2.6, UBTVQH trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Chuyển giao công nghệ. Theo báo cáo, một số đại biểu đề nghị không nhập khẩu công nghệ lạc hậu vào Việt Nam, đặc biệt là máy móc, thiết bị cũ; quy định rõ ràng hơn tiêu chí của công nghệ khuyến khích chuyển giao, công nghệ hạn chế chuyển giao và công nghệ cấm chuyển giao để tạo điều kiện cho công nghệ tiên tiến, sạch được chuyển giao vào Việt Nam.

UBTVQH cho biết sẽ tiếp thu ý kiến xác đáng này và chỉnh sửa các quy định cụ thể. Theo đó, dự thảo luật đã phân định rõ các luồng công nghệ chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam, trong lãnh thổ Việt Nam, từ Việt Nam ra nước ngoài.

Dự thảo luật cũng đã bổ sung quy định hạn chế chuyển giao công nghệ kèm theo máy móc, thiết bị cũ, hiệu suất năng lượng thấp; cấm chuyển giao đối với công nghệ, máy móc, thiết bị không còn sử dụng ở các quốc gia có trình độ phát triển hơn Việt Nam và không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Bên cạnh đó, dự luật chỉ khuyến khích chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế - xã hội cũng như văn hóa của Việt Nam...

Nhiều đại biểu cũng đề nghị phải thẩm định công nghệ tất cả các dự án và việc thẩm định công nghệ phải thông qua Hội đồng thẩm định, bổ sung quy định “hậu kiểm” đối với các dự án có công nghệ. Đồng thời, vì hiệu quả công tác quản lý nhà nước về chuyển giao công nghệ còn chưa cao nên vẫn còn tình trạng chuyển giao công nghệ lạc hậu vào Việt Nam, đề nghị quy định rõ vai trò của Bộ KH-CN và các bộ liên quan trong việc quản lý hoạt động chuyển giao công nghệ.

UBTVQH cho biết nhiều ngành, lĩnh vực vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu; máy móc, thiết bị phần lớn đã lạc hậu 2 - 3 thế hệ, ít đi kèm với giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật... Do đó, rất cần có các giải pháp thẩm định, kiểm soát luồng công nghệ nhập khẩu vào nước ta để ngăn chặn công nghệ cũ, lạc hậu, ô nhiễm môi trường... đồng thời không làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam và yêu cầu của cải cách hành chính.

Theo đó, đối với việc kiểm soát có hiệu quả công nghệ của các dự án đầu tư, cần thiết phải phân luồng công nghệ, quy định trách nhiệm, trình tự, thủ tục thẩm định công nghệ ngay trong luật này đồng thời phải phù hợp với các luật khác có liên quan để giảm thiểu tối đa thủ tục đầu tư đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và thuận lợi trong đầu tư của doanh nghiệp.

Xác định rõ trách nhiệm cơ quan để lọt "công nghệ bẩn"

Cùng với đó, ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về công nghệ là nội dung bắt buộc trong báo cáo thẩm định dự án đầu tư trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định đầu tư. Trong dự thảo luật đã bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan có liên quan.

Việc thẩm định công nghệ phải thông qua Hội đồng thẩm định; quy trình, thời gian, thành phần chuyên gia, trách nhiệm của Hội đồng thẩm định… Trường hợp công nghệ phức tạp, thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan được giao thẩm định công nghệ dự án đầu tư có quyền yêu cầu, phối hợp với cơ quan, đơn vị có chuyên môn để thẩm định hoặc thuê chuyên gia, tổ chức tư vấn độc lập để thẩm định.

Đối với đề nghị quy định “hậu kiểm” đối với các dự án có công nghệ, dự thảo luật đã bổ sung Điều 21 “Kiểm tra, giám sát công nghệ trong dự án đầu tư”, trong đó quy định cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về KH-CN định kỳ, đột xuất hoặc khi có dấu hiệu vi phạm.

“Quy định này nhằm giảm thiểu tối đa việc có quá nhiều cơ quan kiểm tra giám sát dự án khi sự cố xảy ra, song không cơ quan nào chịu trách nhiệm chính và bảo đảm quản lý chặt chẽ công nghệ được sử dụng”, báo cáo nêu.

Một số ý kiến ĐBQH cho rằng cần bổ sung quy định bắt buộc hoặc khuyến khích doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam.

Về vấn đề này, UBTVQH cho rằng yêu cầu bắt buộc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước là khó khả thi. Một mặt là do công nghệ thuộc quyền sở hữu của chủ đầu tư nên không thể bắt buộc chuyển giao. Mặt khác, nói chung các doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa đáp ứng tốt được yêu cầu về năng lực, trình độ để tiếp nhận công nghệ, nhất là các công nghệ có trình độ cao và rất cao.

Một nội dung cũng rất đáng chú ý đó là lợi nhuận thu được từ thương mại hóa kết quả hoạt động KH-CN được tạo ra bằng ngân sách nhà nước được phân chia cho chủ sở hữu, tác giả, tổ chức chủ trì, tổ chức trung gian, tổ chức thực hiện thương mại hóa kết quả hoạt động KH-CN.

Cùng với đó, tổ chức cá nhân đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sau khi có kết quả được chuyển giao, ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn, được cơ quan quản lý công nhận thì được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước. Trong trường hợp kết quả có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng thì Nhà nước sẽ xem xét mua kết quả đó.

Hoài Phong

Bài liên quan
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần quy định rõ vai trò của các bộ trong chuyển giao công nghệ