Cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu; mở rộng và nâng cấp quốc lộ 61C, đoạn qua TP.Cần Thơ; đường kết nối quận Ô Môn và huyện Thới Lai (Cần Thơ) với huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) là 3 dự án được Cần Thơ đề xuất với Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính.

Cần Thơ đề xuất 3 dự án giao thông gần 16.000 tỉ đồng

Đỗ Vy | 21/02/2023, 16:35

Cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu; mở rộng và nâng cấp quốc lộ 61C, đoạn qua TP.Cần Thơ; đường kết nối quận Ô Môn và huyện Thới Lai (Cần Thơ) với huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) là 3 dự án được Cần Thơ đề xuất với Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính.

Xây cầu thứ 3 bắc qua sông Hậu

Cầu Ô Môn nối Cần Thơ và Đồng Tháp được đề xuất xây dựng có tổng chiều dài khoảng 5,4km, điểm đầu giao QL54, cách bến phà Phong Hòa - Ô Môn khoảng 2,7km về phía thượng nguồn sông Hậu (thuộc tỉnh Đồng Tháp); điểm cuối tại giao ĐT920 (thuộc địa phận phường Thới An, quận Ô Môn). Cầu thiết kế có quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, vận tốc 80km/giờ.

Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 9.187 tỉ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng, các thiết bị hơn 5.950 tỉ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 291 tỉ đồng.

Cần Thơ đề xuất sử dụng nguồn vốn ODA (vay từ Chính phủ Nhật Bản), khoảng 7.276 tỉ đồng, còn lại hơn 1.911 tỉ đồng sử dụng từ ngân sách TP.Cần Thơ và các nguồn vốn khác. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023-2030.

d8f7eaefe83832666b29.jpg
Cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu - Ảnh: Đỗ Vuy

Trên sông Hậu đoạn thuộc TP.Cần Thơ đã có cầu Cần Thơ và cầu Vàm Cống nối với tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp. Tuy nhiên, UBND TP.Cần Thơ cho rằng khoảng cách giữa hai cầu này hơn 50km, chưa đảm bảo thuận lợi cho kết nối giữa các tỉnh trong khu vực, thời gian di chuyển của phương tiện giao thông kéo dài, làm tăng lượng khí thải nhà kính gây ra sự nóng lên toàn cầu, từ đó làm biến đổi khí hậu.

2 dự án giao thông hơn 6.400 tỉ đồng

Ngoài dự án cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu, Cần Thơ cũng đề xuất dự án Phát triển mạng lưới giao thông vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (dự án 1). Hai hợp phần dự án gồm: nâng cấp, mở rộng QL61C, đoạn qua địa phần Cần Thơ, và đường kết nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ với huyện Giồng Riềng của tỉnh Kiên Giang.

Theo UBND TP.Cần Thơ, QL61C sau 10 năm khai thác đã bị lún 50cm, TP đề xuất mở rộng, nâng cấp tuyến QL này, đoạn qua địa bàn TP.Cần Thơ dài hơn 10km.

Theo UBND TP.Cần Thơ, việc đề xuất 2 hợp phần dự án trên là cần thiết để hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, tăng cường liên kết vùng, giữa các địa phương trong vùng tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu an ninh, quốc phòng.

4985922905ffdfa186ee.jpg
QL61C đoạn qua địa phận Hậu Giang - Ảnh: CTV

Hiện trạng kết nối giữa TP.Cần Thơ và Hậu Giang chủ yếu thông qua 2 tuyến QL61 và 61C. Trong khi đó, QL61 quy mô nhỏ, chưa đáp ứng nhu cầu lưu thông hiện tại và tương lai. QL61C được UBND TP.Cần Thơ quy hoạch với quy mô hoàn chỉnh 4 làn xe, do khó khăn về vốn nên mới đầu tư giai đoạn 1 với quy mô nhỏ hơn. Sau 10 năm khai thác, tuyến QL này đã bị lún khoảng 50cm.

Do đây là tuyến đường ngắn nối Cần Thơ và TP.Vị Thanh (Hậu Giang) nên hầu hết xe chọn đường này để di chuyển, làm mật độ xe tăng nhanh, dẫn đến tình trạng mặt đường nhanh hư hỏng, nguy cơ mất an toàn giao thông.

Ngoài ra, việc đầu tư hoàn chỉnh tuyến sẽ tạo bước đột phá về hạ tầng giao thông, thu hút đầu tư, tăng chuỗi giá trị, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, kết nối giao thông liên vùng. Do đó, việc đầu tư hoàn thiện tuyến đường này là hết sức cần thiết.

QL61C có điểm đầu tại nút giao giữa QL1 với đường dẫn cầu Cần Thơ, điểm cuối giao với QL61, tổng chiều dài tuyến hơn 47km, rộng 11,5m. QL61C đi qua quận Cái Răng, huyện Phong Điền (TP.Cần Thơ) dài hơn 10km, huyện Châu Thành A, huyện Vị Thủy và TP.Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) hơn 37km.

QL61C có vốn đầu tư giai đoạn đầu gần 3.400 tỉ đồng, thông xe tháng 5.2012. Năm 2022, UBND tỉnh Hậu Giang cũng đã đề xuất dự án mở rộng, nâng cấp QL61C địa phận qua tỉnh này với tổng mức đầu tư 3.888 tỉ đồng cũng từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản.

Về dự án đường kết nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai với huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, UBND TP.Cần Thơ cho biết hiện kết nối giữa 2 địa phương này thông qua các tuyến QL61, QL61C, QL91 và QL80. Những tuyến QL ấy quy mô nhỏ, chưa đáp ứng nhu cầu lưu thông và phát triển của vùng. Tuyến đường này khi hình thành sẽ kết nối trực tiếp QL91 và QL61, tăng cường kết nối đông - tây ĐBSCL, đồng thời kết nối các khu vực của tỉnh Kiên Giang với sân bay quốc tế Cần Thơ.

UBND TP.Cần Thơ đánh giá 2 hợp phần dự án trên phù hợp với quy hoach tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của TP tầm nhìn đến năm 2030; phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải của TP.

Hai hợp phần dự án trên có tổng mức đầu tư dự kiến là 6.433 tỉ đồng. Trong đó, dự án cải tạo, mở rộng QL61C đoạn qua địa phần Cần Thơ có mức đầu tư dự kiến là 1.683 tỉ đồng. Cần Thơ dự kiến cơ cấu nguồn vốn ODA vay từ Chính phủ Nhật Bản cho 2 dự án là 4.378 tỉ đồng, phần còn lại hơn 2.000 tỉ đồng là từ ngân sách TP và nguồn vốn hợp pháp khác.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
1 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần Thơ đề xuất 3 dự án giao thông gần 16.000 tỉ đồng