Ngày 18.10, Sở Khoa học – Công nghệ (KH-CN) TP.Cần Thơ phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), Bộ KH-CN tổ chức Hội thảo "Giải pháp tăng cường bảo hộ quyền SHTT đối với kết quả nghiên cứu".
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở KH-CN TP.Cần Thơ, cho rằng TP.Cần Thơ luôn xác định khoa học và công nghệ là một trong những động lực tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng. Đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh, việc bảo hộ quyền SHTT đóng vai trò rất quan trọng, nhất là đối với quá trình nghiên cứu. Tại các trường đại học, viện nghiên cứu, vấn đề xác lập quyền ngày càng được chú trọng. Các kết quả từ hoạt động nghiên cứu góp phần thúc đẩy quá trình tạo ra những sản phẩm có hàm lượng trí tuệ cao, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hoạt động đầu tư phát triển.
Bảo hộ quyền SHTT tại các trường đại học, viện nghiên cứu chủ yếu đối tượng là quyền tác giả, giống cây trồng, nhãn hiệu, sáng chế và giải pháp hữu ích.
Một số trường đã đăng ký bảo hộ và được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu, bao gồm: Trường đại học Cần Thơ, Trường đại học Y dược Cần Thơ, Trường đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, Trường Cao đẳng Phạm Ngọc Thạch Cần Thơ. Về đăng ký bảo hộ sáng chế và giải pháp hữu ích, có 2 trường đã tiến hành đăng ký gồm: Trường đại học Cần Thơ và Trường đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ.
Riêng Trường đại học Cần Thơ, tính đến tháng 9.2024, trường đã có 40 đơn trên tổng số 152 đơn sáng chế và giải pháp hữu ích của thành phố (chiếm tỷ lệ 26%) và có 16 văn bằng bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích trong tổng số 47 văn bằng sáng chế, giải pháp hữu ích của thành phố (chiếm tỷ lệ 34%).
Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long là nơi thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu chọn tạo giống lúa, trong đó tập trung cho giống lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, giống lúa chống chịu với điều kiện bất lợi của môi trường như hạn, mặn, ngập… và chống chịu với sâu bệnh. Số giống lúa của viện được công nhận cho phép chính thức đưa vào sản xuất trong giai đoạn 2010 đến nay là hơn 30 giống lúa mới.
Bảo hộ quyền SHTT đối với các kết quả nghiên cứu góp phần khuyến khích sự sáng tạo, thúc đẩy những nỗ lực, cống hiến của các nhà khoa học, tổ chức... vào các hoạt động nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật để tạo ra những giá trị kinh tế cao cho xã hội.
Báo cáo tại hội thảo, TS Trần Lê Hồng, Phó cục trưởng Cục SHTT, đi sâu vào phân tích việc xác lập quyền SHTT với kết quả nghiên cứu, sử dụng, khai thác đối với việc phân chia lợi ích đối với các tài sản trí tuê từ kết quả nghiên cứu. Các lĩnh vực SHTT từ khoa học, máy tính, lượng tử, thuốc bảo vệ thực vật được TS Trần Lê Hồng nêu lên bằng các ví dụ điển hình sinh động.
Đặc biệt, những sáng chế có tác động đến an ninh quốc phòng được tạo ra tại Việt Nam và thuộc quyền đăng ký của công dân Việt Nam thì việc nộp bằng sáng chế với nước ngoài phải chấp hành quy định của luật pháp Việt Nam.
TS Nguyễn Hữu Cẩn, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học SHTT, báo cáo về quản trị khai thác tài sản trí tuệ, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu. Đây là vấn đề rất thiết thực đối với những cá nhân và doanh nghiệp liên quan đến quyền SHTT trong đời sống và thương mại.
PGS-TS Lê Nguyễn Đoan Khôi - Trưởng phòng quản lý khoa học, Trường đại học Cần Thơ - đi sâu vào phân tích thực tiễn hoạt động tăng cường bảo hộ quyền SHTT đối với kết quả nghiên cứu.
Nhiều ý kiến hội thảo tập trung vào các vấn đề cụ thể về quyền SHTT trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, sáng chế từ các trường đại học, những thành quả nghiên cứ khoa học của doanh nghiệp trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, nông nghiệp, thủy sản... Các câu hỏi và những thắc mắc của người tham gia hội thảo được các diễn giả từ Cục SHTT và Viện khoa học SHTT trả lời.
Chung quanh những phát sinh từ thời đại khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và bảo vệ quyền SHTT đang là vấn đề thực tiễn đối với các cá nhân, doanh nghiệp và các viện, trường ở ĐBSCL.