Khoảng mươi năm trở lại đây, Việt Nam đã trở thành nơi có diện tích trồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò sữa lớn nhất nhì châu Á.
Những thảo nguyên trồng thứ cỏ nhiệt đới có tên Mombasa rộng hàng ngàn héc ta không phải là hình ảnh chỉ có ở Brazil hay Nam Mỹ xa xôi nữa, mà đã trở nên quen thuộc ngay trên những cánh đồng đất Việt. Đó như một bảo chứng cho thành công ở khâu đầu tiên của chuỗi quy trình khép kín “từ đồng cỏ tới ly sữa”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng, từ hơn 10 năm trước, giống cỏ này đã được các kỹ sư nông nghiệp của Tập đoàn TH đưa về thuần dưỡng tại Việt Nam rồi tiên phong phát triển với quy mô công nghiệp lớn hàng đầu thế giới như hiện nay.
Nhiều năm nghiên cứu và khảo sát về các loại cỏ dinh dưỡng cho gia súc, ông Tăng Xuân Lưu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bò và đồng cỏ Ba Vì (Viện Chăn nuôi quốc gia, Bộ NN&PTNT) nhận định: “Cỏ Mombasa du nhập vào Việt Nam từ cách đây 8-10 năm và phát triển nhất từ khi TH true MILK sử dụng cỏ này trồng với quy mô công nghiệp làm thức ăn cho bò sữa. Ở Việt Nam, TH là đơn vị tiên phong trồng cỏ Mombasa với hình thức thâm canh công nghệ cao. Với 2.300 ha mà TH đang trồng, theo tôi là quy mô lớn nhất Đông Nam Á và hàng đầu thế giới”.
Hành trình TH true MILK đưa cỏ Mombasa về Việt Nam
Cỏ Mombasa xuất xứ Nam Mỹ được đưa về Brazil những năm 1900 và cuối cùng Thái Lan chính là nơi phát triển cỏ này đến toàn thế giới. Từ Thái Lan, cỏ Mombasa tới Việt Nam với các chuyên gia nông nghiệp của TH true MILK.
Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Nam Thái được biết đến là một trong những đơn vị đầu tiên nhập khẩu hạt giống Mombasa về Việt Nam. Phó giám đốc Nam Thái, chị Vũ Mỹ Bình nhớ lại: “Khoảng năm 2009, TS. Nguyễn Thị Mùi ở Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) khi đó phụ trách việc trồng thử nghiệm một số giống cỏ ngoại, đã gợi ý cho chúng tôi nhập giống Mombasa có hàm lượng dinh dưỡng cao. Tôi còn băn khoăn chưa dám quyết định, may mắn ngay sau đó làm việc với TH, các anh chị muốn thử nghiệm và chinh phục giống cỏ mới. Vậy là chúng tôi có động lực để làm thủ tục đưa hạt cỏ Mombasa vào danh mục nhập khẩu”.
TS. Michael Hare hiện là Giám đốc điều hành Ubon Forage Seeds Co., Ltd – Thái Lan – một trong những đơn vị đối tác đầu tiên đưa hạt giống cỏ Mombasa về Việt Nam. Trong email trao đổi với chúng tôi cuối tháng 5.2021, vị chuyên gia này cho biết: “Mombasa lần đầu tiên được đưa vào Thái Lan năm 2007. Tôi đã mang một lượng hạt giống Mombasa đến tỉnh Nghệ An vào năm 2009. Mombasa được trồng ở 3 thôn của huyện Nghĩa Đàn là Nghĩa Sơn, Nghĩa Lâm và Nghĩa Yên. Chắc chắn, TH true MILK chính là đơn vị tiên phong tại Việt Nam trồng cỏ Mombasa quy mô công nghiệp để làm thức ăn cho bò sữa. Các công ty khác ở Việt Nam hiện đang theo chân TH”.
Chung nhận định với TS. Michael Hare, chị Vũ Mỹ Bình cũng cho rằng: “Bắt đầu từ TH, khoảng hai, ba năm trở lại đây, cỏ Mombasa bắt đầu phổ biến tới các đơn vị chăn nuôi bò sữa tập trung khác”.
Thuần phục Mombasa trên đồng đất Việt
Nguyễn Lê Thăng, Phó tổng giám đốc Công ty Agitec (Tập đoàn TH) nhớ lại, bản thân anh và các chuyên gia TH nhiều năm trước gần như đã đặt cược cả sự nghiệp vào “canh bạc” Mombasa khi vật lộn với nguồn thức ăn cho đàn bò sữa khổng lồ ở TH. Anh cùng các đồng nghiệp đã thử nghiệm hàng chục giống cỏ khác nhưng chỉ có Mombasa đáp ứng được các tiêu chí của chăn nuôi công nghệ cao quy mô lớn.
Anh Thăng kể: “Cỏ Mombasa được du nhập vào Việt Nam có thể từ trước đó nhưng chưa bao giờ được chú ý cho đến khi TH tham gia trồng cỏ với diện tích lớn để nuôi bò. Trước đó, người ta tôn sùng cỏ voi “thần thánh”. Cỏ Mombasa có nhiều ưu điểm nhưng cũng có một số nhược điểm như dễ mốc nếu sau thu hoạch gặp mưa, khá dai khi làm héo, thân khá cứng nên dễ làm hỏng máy móc khi cắt, nghiền. Vì vậy chúng tôi mất rất nhiều công sức để chinh phục nó được như hôm nay”.
Khó khăn lớn nhất trong hành trình thuần phục Mombasa là ở chỗ, trên thế giới hiếm nước nào trồng cỏ này với quy mô tập trung lớn như TH nên các máy móc chuyên dụng cho Mombasa gần như không có. Và chưa bao giờ tồn tại một quy trình thu hoạch mẫu (protocol) cho Mombasa cho đến trước TH. Với đặc điểm riêng của loại cỏ này là chất lượng tốt nhưng khi già thân cứng, thu hoạch bằng máy khá vất vả, đội ngũ TH phải xây dựng quy trình thu hoạch riêng.
Để phục vụ trồng và thu hoạch cỏ Mombasa, TH sử dụng một đội ngũ hùng hậu các “siêu máy móc” như các loại máy xúc, ủi, gieo hạt, bón phân, các máy thu hoạch đa năng với độ hiện đại đứng hàng đầu trong các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam.
Ưu điểm lớn của giống cỏ Mombasa là không nhiễm loại sâu bệnh nào nên trồng nó không bao giờ phải sử dụng bất kỳ thuốc trừ sâu trừ cỏ hay chất kích thích nào. Đó cũng là điểm cộng lớn khi sử dụng Mombasa trong quy trình khép kín sản xuất và chế biến sữa tươi sạch TH true MILK.
Cùng với Mombasa, TH còn trồng ngô, hướng dương, cỏ mulato II, cỏ Hamil, kết hợp cùng bã mía, rỉ mật từ Nhà máy mía đường NASU tạo nên các công thức thức ăn giàu dinh dưỡng cho đàn bò 45.000 con tại trang trại TH. Cuối năm 2020, trang trại này vừa xác lập kỷ lục thế giới “Cụm trang trại tập trung ứng dụng công nghệ cao quy trình sản xuất khép kín quy mô lớn nhất thế giới”.
Với 2 nhà máy chế biến thức ăn, tổng lượng thức ăn phối trộn mỗi ngày tại TH lên tới 1.600 tấn, tuy nhiên cho đến nay TH chỉ phải nhập khẩu mỗi năm khoảng 1-2% lượng thức ăn thô xanh, còn lại gần như hoàn toàn chủ động về nguồn nguyên liệu này. Trong chuỗi quy trình khép kín công nghệ cao làm nên ly sữa tươi sạch hoàn mỹ TH true MILK, những đồng cỏ Mombasa chính là mắt xích mở đầu và với cách làm của TH, mắt xích này đã trở nên bền vững hơn bao giờ hết.