Nhà thơ Trần Đăng Khoa trong bài thơ "Hạt gạo làng ta" viết rất hay: "Hạt gạo làng ta/Có bão tháng bảy/Có mưa tháng ba/Giọt mồ hôi sa/Những trưa tháng sáu/Nước như ai nấu/Chết cả cá cờ/Cua ngoi lên bờ/Mẹ em xuống cấy".
Văn hóa

Cây lúa quê tôi

Vũ Trung Kiên 24/06/2024 17:15

Nhà thơ Trần Đăng Khoa trong bài thơ "Hạt gạo làng ta" viết rất hay: "Hạt gạo làng ta/Có bão tháng bảy/Có mưa tháng ba/Giọt mồ hôi sa/Những trưa tháng sáu/Nước như ai nấu/Chết cả cá cờ/Cua ngoi lên bờ/Mẹ em xuống cấy".

Hạt gạo “có bão tháng bảy” chính là gạo vụ mùa được cấy trong khoảng thời gian từ cuối tháng 5 đến hết tháng 6 âm lịch và gặt vào tháng 10, tháng 11 âm lịch hằng năm. Hạt gạo “có mưa tháng ba” là vụ lúa chiêm cấy cuối tháng chạp và tháng giêng, gặt vào tháng 5, tháng 6 âm lịch. Những năm 80 - 90 thế kỷ trước, quê tôi chỉ cấy mỗi năm hai vụ bởi đa phần giống lúa khi ấy có thời gian sinh trưởng dài.

Có lẽ ít có nơi đâu trên đất nước này thời tiết khắc nghiệt như quê tôi - vùng phía bắc miền Trung, hay còn gọi Bắc Trung Bộ. Mùa cấy tháng 6, tôi nhớ có hôm cả hai mẹ con không thể bước xuống ruộng vì nước nóng như muốn lột da chân. Hai mẹ con phải trú mát trong một cái gò cây gần đó và mãi tới 4 - 5 giờ chiều mới có thể lội xuống cấy. Đó là vẫn còn may bởi ruộng có nước để cày cấy, chứ rất nhiều đám chân ruộng cao hơn bị khô hạn nứt nẻ, hoặc nước chỉ xâm xấp, được bà con cấy trên đó loại lúa chịu hạn có tên lúa “lốc”, nay dường như đã không còn.

Có những khoảnh ruộng khô rang nhưng đến mùa bà con vẫn cố gắng để cắm được cây lúa xuống. Khoảng gần chục hộ gia đình có ruộng liền nhau đào một hố thật to. Tất cả trai tráng của các gia đình đều tham gia tát nước. Cứ hai người một chiếc gầu dai, vục gầu xuống kênh nước rồi kéo tát hắt lên trên. Nước được tát lên chảy theo một đoạn mương và đến đoạn khác cao hơn lại có một tốp khác tát chuyền để nước chảy vào chiếc hố đã đào. Thường phải tát suốt đêm thì hôm sau mới có nước để cấy. Vì ruộng quá khô nên không thể cho nước chảy ngay vào ruộng, mà tạm trữ ở hố đã đào. Thành viên nào của gia đình có thể gánh nước đều được trưng dụng. Đúng là một cuộc đọ sức thi gan với trời. Cứ mỗi gánh nước gánh lên được đổ vào một khoảng ruộng rồi mấy đứa trẻ vội vàng lấy châm dẫm dẫm cho khoảnh đất nhỏ ấy nhão ra thành bùn. Người lớn nhanh tay cắm mạ vào đó. Chỉ sau một lúc chỗ ấy đã khô.

Để cấy được một thửa ruộng trăm mét vuông có khi mỗi ngày cả gia đình phải gánh hàng trăm gánh nước. Cắm được cây lúa xuống kể như là yên tâm. Tuần sau vào nhìn chỗ đã cấy không còn thấy bất kỳ sự sống nào vì cây mạ gần như đã khô cháy, thế nhưng trong cái lõi thân mạ chết khô kia vẫn chứa mầm sống. Ít ngày sau, chỉ cần trận mưa xuống, ngay lập tức mầm sống trồi ra, chỉ một tuần sau ruộng đã xanh mát. Năm nào cấy rồi mà hạn nặng kéo dài quá thì có khi chính cái mầm sống kia cũng không còn và năm đó gần như cả làng bị đói.

Cấy vụ mùa đã khổ, cấy vụ chiêm càng khổ hơn. Đến gần Tết, các dòng sông quê tôi bắt đầu cạn nước. Những thửa ruộng ngập nửa năm trời nay bắt đầu rút nước. Đó là những đám ruộng sẽ cấy lúa chiêm. Mặc dù nước đã cạn nhưng có những khu ruộng nước vẫn lên gần đến ngực. Đa số những đám ruộng này thường nhiều bùn và rất tốt. Những gia đình ở quê tôi đã chuẩn bị mạ cho loại ruộng này nên trước đó đã tát ao để lấy sẵn bùn ao gieo mạ. Những cây mạ gieo vào bùn ao nên móc rất nhanh, cao, cứng cáp. Giống mạ này chủ yếu là giống lúa “chành”, chịu nước. Gần Tết trời lạnh cóng, nước ngập sâu làm sao cấy. Nhưng trong “cái khó ló cái khôn”, bà con đẩy thuyền ra bờ sông bốc bùn đưa lên thuyền, sau đó ngồi trên thuyền gói bọc những cây mạ trong nắm bùn. Thuyền đi tới đâu, người ta thả nắm bùn đã cắm mạ xuống. Sau Tết nước rút dần, lúa lên tốt bời bời. Chỉ tới đến tháng 4 âm lịch có lũ tiểu mãn là lo nhất. Lũ này thường xuất hiện lúc lúa đã chắc hạt. Nếu thấy nguy cơ lũ lớn, người trồng đành “ăn non” bằng cách mò xuống nước và cắt lúa sớm. Nếu trời mưa ít, lũ không lớn thì nước chỉ ngập ít hôm sẽ rút và năm ấy chắc chắn được mùa.

Bây giờ quê tôi đã thay đổi nhiều. Mương máng được làm bằng bê tông dẫn đến từng khu ruộng. Những vùng ngập nước khi xưa giờ cũng thành ruộng cạn hơn và những người đi cấy có cả áo quần bảo hộ mặc vào nên mùa đông cũng không bị lạnh.

Không biết có phải cây lúa "chành" sinh trưởng trong thời tiết khắc nghiệt như vậy nên nó chắt chiu từng chút để nuôi hạt không mà nồi cơm gạo mới từ thóc vừa gặt về thơm không thể tả. Gạo ngon giờ đây rất nhiều loại nhưng tôi có cảm giác không có thứ nào mùi thơm ngon đặc biệt như vậy. Nhớ mùi thơm hương gạo quê nhà, lại nhớ mùa cấy lúa ở quê.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
16 phút trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cây lúa quê tôi