Sam Altman, Giám đốc điều hành OpenAI, cho biết trên Twitter rằng ông cảm thấy tồi tệ sau khi ChatGPT gặp lỗi làm rò rỉ lịch sử hội thoại của người dùng.

CEO OpenAI: Thật tồi tệ vì lỗi ChatGPT làm rò rỉ lịch sử hội thoại người dùng

Sơn Vân | 23/03/2023, 21:17

Sam Altman, Giám đốc điều hành OpenAI, cho biết trên Twitter rằng ông cảm thấy tồi tệ sau khi ChatGPT gặp lỗi làm rò rỉ lịch sử hội thoại của người dùng.

Đồng sáng lập OpenAI vào năm 2015, Sam Altman vừa viết trong một tweet rằng ChatGPT gặp "sự cố nghiêm trọng" do lỗi trong thư viện nguồn mở gây ra.

Sam Altman đã không đặt tên cho thư viện nguồn mở hoặc đi vào chi tiết cụ thể về cách OpenAI triển khai nó. Thuật ngữ này đề cập đến mã hoặc phần mềm miễn phí cho bất kỳ ai tái sử dụng và đôi khi có thể sửa đổi.

Ông cho biết lỗi này cho phép một số người dùng ChatGPT xem tiêu đề lịch sử hội thoại của những người dùng khác chứ không phải nội dung bên trong.

Một người dùng mạng xã hội Reddit đã đăng ảnh chụp màn hình hiển thị các cuộc trò chuyện trên ChatGPT mà anh nói chưa bao giờ có.

Chúng tôi cảm thấy thật tồi tệ về điều này”, Sam Altman nói, đồng thời cho biết thêm rằng OpenAI đã phát hành bản sửa lỗi này.

OpenAI đã tạm thời đóng ChatGPT vào ngày 21.3 vì sự cố này và đến tối cùng ngày, người dùng vẫn không thể truy cập lịch sử trò chuyện.

Sam Altman cho biết OpenAI đã lên kế hoạch theo dõi "kiểm tra hậu kỳ kỹ thuật" nhưng không cung cấp thêm chi tiết cụ thể.

ChatGPT có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau giống con người như làm thơ, viết sách điện tử, tiểu luận, đơn xin việc, tạo mã... nên trở thành hiện tượng trên mạng. Theo cuộc khảo sát của ứng dụng mạng chuyên nghiệp Fishbowl, hơn 40% chuyên gia đang làm việc đã sử dụng các công cụ AI, chẳng hạn ChatGPT của OpenAI, để hoàn thành các nhiệm vụ tại nơi làm việc và 70% chưa nói với sếp của họ. 

Khoảng một nửa trong 1.000 nhà lãnh đạo doanh nghiệp được Resumebuilder.com khảo sát nói rằng ChatGPT đã thay thế nhân viên tại công ty của họ.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nói với Resumebuilders.com rằng công ty của họ đã sử dụng ChatGPT vì nhiều lý do, bao gồm 66% để viết mã, 58% để viết quảng cáo và tạo nội dung, 57% để hỗ trợ khách hàng, 52% để tóm tắt cuộc họp và các tài liệu khác.

Trong quá trình tuyển dụng, 77% công ty sử dụng ChatGPT cho biết tận dụng chatbot này viết mô tả công việc, 66% để soạn thảo yêu cầu phỏng vấn và 65% để trả lời đơn đăng ký.

"Nhìn chung, hầu hết nhà lãnh đạo doanh nghiệp đều ấn tượng với ChatGPT. 55% nói rằng chất lượng công việc do ChatGPT tạo ra là tuyệt vời, trong khi 34% nói rằng rất tốt", Resumebuilder.com viết trong một thông cáo báo chí.

Gần như tất cả công ty sử dụng ChatGPT cho biết đã tiết kiệm được tiền nhờ chatbot này. Trong đó, 48% cho biết tiết kiệm được hơn 50.000 USD và 11% hé lộ tiết kiệm được hơn 100.000 USD.

Dù cho điểm cuối cùng trong việc sử dụng ChatGPT và các công cụ AI khác của các công ty là gì, điều đó chắc chắn không nằm trong tầm mắt chúng ta. Trong số các công ty mà Resumebuilder.com xác định là đang sử dụng ChatGPT, 93% cho biết dự định mở rộng việc dùng chatbot này. 90% nhà lãnh đạo cho biết kinh nghiệm sử dụng ChatGPT là lợi thế cho người đang tìm việc.

Tuy nhiên, ChatGPT đã gây lo ngại cho các nhà tuyển dụng đến mức một số công ty đã chặn chatbot này. Amazon, Walmart và Microsoft cảnh báo nhân viên không được nhập thông tin bí mật vào ChatGPT vì lo ngại về quyền riêng tư. Trong khi đó, các ngân hàng JP Morgan, Goldman Sachs và Citigroup đã hạn chế nhân viên sử dụng công cụ AI.

ceo-openai-thay-khung-khiep-vi-loi-chatgpt-lam-ro-ri-lich-su-hoi-thoai-nguoi-dung.jpg
Sam Altma cảm thấy tồi tệ sau khi ChatGPT gặp lỗi làm rò rỉ lịch sử hội thoại của người dùng - Ảnh: Internet

Hôm 14.3, OpenAI đã ra mắt phiên bản GPT-4 với nhiều cải tiến đáng giá. Theo OpenAI, GPT-4 tiên tiến hơn trong ba lĩnh vực chính: Tính sáng tạo, đầu vào trực quan và ngữ cảnh dài hơn. Về khả năng sáng tạo, OpenAI nói GPT-4 tốt hơn nhiều trong cả việc tạo và cộng tác với người dùng trong các dự án sáng tạo. Ví dụ về những điều này gồm âm nhạc, kịch bản, viết kỹ thuật và thậm chí là “học phong cách viết của người dùng”.

GPT-4 hiện có thể xử lý tối đa 25.000 từ văn bản từ người dùng. Bạn thậm chí có thể gửi cho GPT-4 một liên kết web và yêu cầu nó tương tác với văn bản từ trang đó. OpenAI cho biết điều này có thể hữu ích cho việc tạo nội dung dài cũng như “các cuộc hội thoại mở rộng”.

GPT-4 hiện cũng có thể nhận hình ảnh làm cơ sở để tương tác. Trong ví dụ trên trang web GPT-4, mô hình ngôn ngữ mới được cung cấp hình ảnh của một số nguyên liệu làm bánh và được hỏi có thể làm gì với chúng.

Ngoài ra, OpenAI cũng cho biết GPT-4 sử dụng an toàn hơn đáng kể so với thế hệ trước. Theo báo cáo, GPT-4 có thể tạo ra nhiều phản hồi thực tế hơn 40% trong thử nghiệm nội bộ của chính OpenAI, đồng thời giảm 82% khả năng "phản hồi yêu cầu cho nội dung bị cấm". Theo đại diện OpenAI, công ty đã dành 6 tháng để tinh chỉnh GPT-4 theo hướng an toàn và phù hợp hơn.

OpenAI cho biết GPT-4 được đào tạo với phản hồi của con người để đạt được những bước tiến này, đồng thời tuyên bố đã làm việc với “hơn 50 chuyên gia để có phản hồi sớm trong các lĩnh vực bao gồm an toàn và bảo mật AI”.

Trong sự kiện công bố GPT-4, Sam Altman cho biết mô hình ngôn ngữ mới được cải tiến theo hướng sáng tạo hơn và ít thiên vị hơn so với bản trước đó. Ông nhấn mạnh đây là công nghệ AI tiên tiến chưa từng có, được đào tạo bằng cách sử dụng phản hồi của con người kết hợp công nghệ học sâu (deep learning).

GPT-4 có khả năng xử lý đa phương thức đầu vào, gồm cả hình ảnh, giúp người dùng tương tác với nhiều chế độ. Việc chấp nhận hình ảnh đầu vào và xuất ra văn bản là tính năng chưa có trước đây, được đánh giá giúp người dùng có thêm tùy chọn để sáng tạo.

Sam Altman nói GPT-4 có hàng loạt khả năng mà các hệ thống AI hiện chưa thể đạt được. Cụ thể hơn, GPT-4 có thể đạt 1.410 điểm trong kỳ thi SAT - một trong những kỳ thi chuẩn hóa cho việc đăng ký vào một số đại học tại Mỹ; đạt 4 hoặc 5 trong thang điểm 5 của các kỳ thi nâng cao (AP) ở các bộ môn Lịch sử Nghệ thuật, Sinh học, Giải tích và Hóa học - số điểm đủ cao để nhận được tín chỉ đại học.

GPT-4 đã đánh bại 90% số người tham gia để vượt qua kỳ thi sát hạch trở thành luật sư, vượt 99% học sinh thi Olympic Sinh học. GPT-4 cũng đạt điểm cao nhất trong ít nhất 34 bài kiểm tra khác nhau trong các lĩnh vực như kinh tế vĩ mô, viết bài, Toán học hay thậm chí nội dung về nghiên cứu rượu vang.

"GPT-4 thể hiện hiệu suất ở cấp độ con người trong phần lớn kỳ thi học thuật và chuyên nghiệp", đại diện OpenAI cho hay.

Hơn nữa, OpenAI tuyên bố GPT-4 có thể lập trình bằng nhiều loại ngôn ngữ khác nhau, tạo kịch bản nội dung tùy theo yêu cầu, trả lời câu hỏi phức tạp cũng như tương tác với hình ảnh. Với khả năng tạo văn bản nhiều hơn 8 lần so với GPT-3.5, OpenAI cho biết mô hình ngôn ngữ mới có thể được sử dụng như một công cụ giảng dạy cho sinh viên.

Khi thảo luận về các khả năng mới của GPT-4, OpenAI cũng lưu ý một số hạn chế của mô hình ngôn ngữ này. Giống như các phiên bản trước của GPT, OpenAI cho biết GPT-4 vẫn gặp vấn đề với “thành kiến xã hội, mơ hồ về một số sự kiện và câu hỏi thù địch”.

Nói cách khác, GPT-4 không hoàn hảo, nhưng OpenAI cho biết đây là tất cả những vấn đề mà công ty đang nỗ lực giải quyết.

Sam Altman tin rằng trí tuệ nhân tạo (AI) có lợi ích đáng kinh ngạc cho xã hội, nhưng cũng lo lắng về cách những kẻ xấu sẽ sử dụng công nghệ này.

Trong một cuộc phỏng vấn của đài ABC News, Sam Altman đã cảnh báo “sẽ có những người khác không đặt ra một số giới hạn an toàn mà OpenAI thiết lập”.

Một số công ty khác đang chạy đua để cung cấp các công cụ giống ChatGPT, khiến OpenAI phải lo lắng về sự cạnh tranh, bất chấp lợi thế là có Microsoft với tư cách là nhà đầu tư lớn.

"Thị trường cạnh tranh rất khốc liệt. Không dễ dàng để phát triển ra GPT-4... Có rất nhiều công ty muốn làm điều tương tự, vì vậy từ mặt cạnh tranh, bạn có thể thấy đây là một sự trưởng thành của lĩnh vực", Ilya Sutskever, người sáng lập và là nhà khoa học trưởng của OpenAI, nói trong cuộc phỏng vấn với trang The Verge.

Ilya Sutskever lý giải về quyết định của OpenAI (bên cạnh an toàn là một lý do khác) để tiết lộ rất ít về cơ chế hoạt động bên trong của GPT-4, khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu cái tên OpenAI có còn ý nghĩa hay không. Thế nhưng, những bình luận của Ilya Sutskever cũng là sự thừa nhận về hàng loạt đối thủ đang bám sát OpenAI.

Sam Altman gợi ý rằng một số đối thủ trong đó có thể ít quan tâm hơn nhiều so với OpenAI về việc đặt các rào cản trên các sản phẩm tương tự ChatGPT hoặc GPT-4 của họ.

"Điều mà tôi lo lắng là chúng tôi sẽ không phải người duy nhất tạo ra công nghệ này. Sẽ có những người khác không đặt ra một số giới hạn an toàn mà chúng tôi thiết lập. Tôi nghĩ rằng xã hội có một khoảng thời gian hạn chế để tìm ra cách phản ứng với điều đó, làm thế nào để điều chỉnh và xử lý nó", Sam Altman chia sẻ.

OpenAI tuần trước đã chia sẻ tài liệu “thẻ hệ thống” nêu rõ cách những người thử nghiệm của họ cố tình thử thách GPT-4 để cung cấp thông tin nguy hiểm, chẳng hạn cách tạo ra một hóa chất nguy hiểm bằng cách sử dụng các nguyên liệu cơ bản và đồ dùng nhà bếp. Sau đó, OpenAI đã sửa đổi thuật toán và cập nhật các bộ lọc để loại bỏ bất kỳ nội dung nguy hiểm nào mà GPT-4 có thể tạo ra.

Nếu ai còn nghi ngờ động cơ xấu xa của những kẻ sử dụng AI thì ví dụ minh họa là một số kẻ lừa đảo qua điện thoại dùng AI sao chép giọng nói để giả danh người thân nạn nhân đang cần tiền gấp và thành công trong việc lừa đảo họ.

"Tôi đặc biệt lo ngại rằng những mô hình ngôn ngữ lớn này có thể được sử dụng cho các hoạt động thông tin sai lệch quy mô lớn. Bây giờ, khi đang ngày càng tốt hơn trong việc viết mã máy tính thì chúng có thể được sử dụng cho các cuộc tấn công mạng có mục đích", Sam Altman cho hay.

Với vai trò lãnh đạo công ty bán các công cụ AI, Sam Altman đã đưa ra những cảnh báo đáng chú ý về những mối nguy hiểm do AI gây ra. Điều đó có thể liên quan đến lịch sử của OpenAI.

OpenAI được thành lập vào năm 2015 với tư cách một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào sự phát triển an toàn và minh bạch của AI. Nó đã chuyển sang mô hình kết hợp “lợi nhuận giới hạn” vào năm 2019, với việc Microsoft trở thành nhà đầu tư lớn (lợi nhuận có thể thu được từ thỏa thuận bị giới hạn, như tên mô hình gợi ý).

Elon Musk, Giám đốc điều hành Tesla và Twitter, cũng là nhà đồng sáng lập OpenAI, đồng thời quyên góp rất nhiều cho nó. Tỷ phú 51 tuổi người Mỹ đã chỉ trích sự thay đổi này trong OpenAI khi lưu ý vào tháng trước: “OpenAI được tạo ra như một nguồn mở (đó là lý do tại sao tôi đặt tên cho nó là OpenAI), công ty phi lợi nhuận để làm đối trọng với Google, nhưng giờ đây nó đã trở thành một công ty nguồn đóng, lợi nhuận tối đa được kiểm soát hiệu quả bởi Microsoft”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
29 phút trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
CEO OpenAI: Thật tồi tệ vì lỗi ChatGPT làm rò rỉ lịch sử hội thoại người dùng