Ông Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch Hiệp hội cơ khí Việt Nam cho rằng xét về toàn cục, trình độ Việt Nam đang ở mức rất thấp, có ngành thậm chí cách xa thế giới 2 - 3 thế kỷ. Tuy nhiên, cũng có ngành trình độ của Việt Nam đã tương đồng, hoặc sử dụng các công nghệ mới của thế giới.

Chủ tịch Hiệp hội cơ khí cho rằng có ngành ở Việt Nam tụt hậu thế giới 2-3 thế kỷ

tuyetnhung | 24/03/2017, 06:05

Ông Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch Hiệp hội cơ khí Việt Nam cho rằng xét về toàn cục, trình độ Việt Nam đang ở mức rất thấp, có ngành thậm chí cách xa thế giới 2 - 3 thế kỷ. Tuy nhiên, cũng có ngành trình độ của Việt Nam đã tương đồng, hoặc sử dụng các công nghệ mới của thế giới.

Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, phân tích dữ liệu, quản lý nền kinh tế, một yếu tố chính quyết định sự phát triển của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (công nghiệp 4.0) đó là nguồn nhân lực. Khẳng định trên được ông Isara Burintramart - Giám đốc điều hành Công ty Reed Tradex, nhấn mạnh tại cuộc họp báo Vietnam Manufacturing Expo 2017 diễn ra ngày 23.3.

Nhân lực - yếu tố tiên quyết

Công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sau 3 đợt sóng đầu tiên bắt đầu từ cơ giới hóa sức mạnh của hơi nước, sản xuất hàng loạt với động cơ điện và tự động hóa bằng máy tính. Được gọi bằng tên khác là “nhà máy thông minh”, đây là lĩnh vực đầu tư nằm trong danh sách ưu tiên của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, là sự kết hợp hiệu quả của các công nghệ mới xuất phát từ mạng lưới thiết bị kết nối Internet (IoT) đến đám mây, phân tích, robot, công nghệ in 3D và trí tuệ nhân tạo.

Theo ông Nguyễn Văn Thụ- Chủ tịch Hiệp hội cơ khí Việt Nam, tính khả thi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nên bắt đầu bằng những bước nhỏ và đơn giản nhưng cần được thực hiện ngay. Thiết yếu nhất là đầu tư vào nguồn nhân lực. Sau đó các nhà sản xuất nên mạnh dạn đổi mới công nghệ, và không thể thiếu sự hợp tác chặt chẽ để tối đa hóa hiệu quả của các doanh nghiệp, tránh đầu tư chồng chéo.

Ông Thụ dẫn ví dụ cụ thể từ kế hoạch kinh doanh phức hợp của Công ty cổ phần ôtô Trường Hải trong việc xây dựng KCN cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải, sẽ được đưa vào hoạt động năm 2018.Trong đó, nhà máy được đầu tư công nghệ hàn lazer và công nghệ sơn tân tiến nhất, công suất 1 năm 100.000 xe hơi, 100.000 xe tải, 5.000 xe buýt. Kế hoạch này đi kèm giải pháp kết nối các doanh nghiệp sản xuất linh kiện trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa, phát triển Chu Lai trở thành trung tâm cơ khí đa dạng miền Trung.

Ông Isara Burintramart -Giám đốc điều hành Công ty Reed Tradex, cho biết nền sản xuất của Việt Nam đã chuyển từ các danh mục sản xuất truyền thống sang các sản phẩm giá trị gia tăng cao hơn.

"Trong suốt 10 năm qua, chúng tôi đã chứng kiến sự tăng trưởng và thay đổi đáng kể của nền công nghiệp Việt Nam, hiện nay vẫn đang có dấu hiệu phát triển, đặc biệt là trong thời đại kỹ thuật sốkhi mà cả thế giới đang tiến đến kỷ nguyên công nghiệp 4.0", ông Isara đánh giá.

Theo ông Isara, với các dự án áp dụng công nghiệp 4.0, các công ty dự tính sẽ giảm chi phí hoạt động 3,6% và tăng hiệu suất 4,1% trong một năm.

Theo báo cáo của cơ quan quốc tế thu thập số liệu thống kê về kỹ thuật số We Are Social,năm 2016, Việt Namcó thêm 3 triệu người sử dụng Internet, tăng con số tổng sử dụng lên 50,05 triệu, chiếm 53% dân số. Chỉ số tăng trưởng là 6%. Số lượng người sử dụng phương tiện truyền thông xã hội tăng 31% và số người sử dụng mạng xã hội di động tăng 41%.

Thực tế Việt Nammới ở giai đoạn công nghiệp 2.0

Ông Isara nhìn nhận: “Thực tế, trình độ sản xuất hiện tại của Việt Nam đang ở giai đoạn công nghiệp 2.0 hoặc công nghiệp 3.0, sản xuất chính vẫn ở trình độ thấp bởi thiếu hụt các công nghệ mới, thiếu thông tin, kỹ năng, cơ sở hạ tầng và hỗ trợ. Việt Nam đang cố gắng để trở thành người trong cuộc của kỷ nguyên 4.0. Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, phân tích dữ liệu, quản lý nền kinh tế, một yếu tố chính quyết định sự phát triển của công nghiệp 4.0 đó là nguồn nhân lực”.

Trao đổi với báo chí, ông Thụ cũng nhận địnhqua 15 năm đổi mới, một số ngành của Việt Nam cũng có công nghệ mới, kỹ thuật hiện đại như: lọc hóa dầu, hóa chất, thiết kế giàn khoan, máy nông nghiệp... Tuy nhiên, về cơ bản, trình độ công nghệ, kỹ thuật của Việt Nam còn thấp, nhân lực và cơ sở vật chất chưa theo kịp với tiến bộ của thế giới.

Khi được hỏi "chỗ đứng" đang ở trình độ thấp như vậy mà Việt Nam lại coi công nghệ 4.0 như "chìa khóa" để theo kịp các nước thì có viển vông không, ông Thụ cho rằng xét về toàn cục, trình độ Việt Nam đang ở mức rất thấp, có ngành thậm chí cách xa thế giới 2 - 3 thế kỷ. Tuy nhiên, cũng có ngànhtrình độ của Việt Nam đã tương đồng, hoặc sử dụng các công nghệ mới của thế giới.

Theo ông Thụ, Việt Nam không nên quá lạc quan khi coi công nghệ 4.0 là chìa khóa để đuổi kịp các nước. Ngược lại phải xác định xem Việt Nam ở đâu, ngành nào thua kém và ngành nào có thể bắt kịp được với xu hướng thế giới.

"Thế giới thay đổi, chúng ta không thể đứng yên. Bên cạnh những ngành lạc hậu, chúng ta cần đưa những ngành có cơ hội tiếp cận và nắm bắt với công nghiệp 4.0. Điều quan trọng nhất là hiện chúng ta phải xác định chỗ đứng của mình, xây dựng thể chế, cơ chế mở cửa, mở rộng, xây dựng con người, nhân lực công nghệ 4.0 nhằm tiếp đón, tận dụng và chủ động hội nhập", ông Thụ nói.

Ông Isara cũng tin rằng nguồn nhân lực Việt Nam sẽ sẵn sàng học hỏi và bước vào kỷ nguyên công nghiệp 4.0. Theo ông, cách tốt nhất để tiếp cận cuộc cách mạng 4.0 là việc phải bắt đầu, mặc dù chỉ là những bước nhỏ như lập ra chiến lược, dự án thí điểm...

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
4 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ tịch Hiệp hội cơ khí cho rằng có ngành ở Việt Nam tụt hậu thế giới 2-3 thế kỷ