Đã qua ngày 21.8 - ngày dự kiến thu phí trở lại, nhưng Trạm thu phí BOT Cai Lậy vẫn xả trạm. Vài ngày qua, rộ lên thông tin công an đang vào cuộc điều tra về dự án này, nhất là những bê bối về giải phóng mặt bằng.

Chủ trạm thu phí Cai lậy: Vẫn chưa biết khi nào thu phí trở lại

Hồ Hùng | 22/08/2017, 14:19

Đã qua ngày 21.8 - ngày dự kiến thu phí trở lại, nhưng Trạm thu phí BOT Cai Lậy vẫn xả trạm. Vài ngày qua, rộ lên thông tin công an đang vào cuộc điều tra về dự án này, nhất là những bê bối về giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, trao đổi với PV, phía Công an tỉnh Tiền Giang khẳng định, không hể thành lập chuyên án nào về vụ việc này. Nếu có thì chắc sẽ do các đơn vị của Bộ Công an (Cục An ninh kinh tế) đảm trách. Tuy nhiên, chưa có thông tin nào về việc này.

Chỉ có phía Kiểm toán Nhà nước cho biết, trong số 24 dự án BOT sắp được Kiểm toán nhà nước công bố kết luận vào tháng 9 tới, có cả Trạm thu phí Cai Lậy (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang).

Sau khi xả cho xe lưu thông qua lại kể từ ngày 15.8, đến trưa 22.8, trạm này vẫn xả. Chiều 21.8, ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 tỉnh Tiền Giang (BOT Cai Lậy), cho biết vẫn chưa biết khi nào thu phí trở lại.

Trụ sở nhà điều hành Trạm thu phí vẫn vắng vẻ

Cũng theo ông Hiệp, tính đến chiều 21.8 thì ông cũng chưa nhận được công văn nào từ Bộ GTVT về việc giảm phí qua trạm như thông báo hôm 16.8 của Bộ GTVT, cũng như chỉ đạo về việc thu phí trở lại ra sao…

Hôm 16.8, phía Bộ GTVT cho biết, sẽ giảm phí qua Trạm BOT Cai lậy từ 35.000 - 180.000 đồng xuống còn 25.000 - 140.000 đồng, tùy loại xe. Đó là giải pháp nhằm hạ nhiệt sau khi hàng loạt tài xế dùng tiền lẻ mua vé qua trạm, gây ách tắc giao thông, kể từ ngày trạm này bắt đầu thu phí vào 1.8.2017.

Như Một Thế Giới đã thông tin, sau khi Trạm BOT Cai Lậy bắt đầu thu phí, nhiều chủ xe và tài xế tỏ rõ sự bất bình. Bởi đầu tư 12,02km đường tránh thị xã Cai Lậy, và chỉ láng lớp nhựa mỏng hơn 26km trên quốc lộ 1, mà chủ đầu tư chặn ngang quốc lộ 1 để thu phí tất cả các loại xe.

Và nhiều mập mờ về dự án này khiến nhiều người phản ứng. Bởi hồ sơ ban đầu, kể cả phê duyệt của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải (nay là Bí thư Thành ủy Hà Nội), đều không nhắc đến việc trải thảm nhựa hơn 26km quốc lộ 1. Nhưng khi Bộ GTVT chính thức phê duyệt dự án và chỉ định thầu, lại “thêm” hơn 26km quốc lộ 1 vào để nhà đầu tư có cớ chặn quốc lộ mà thu phí.

Tuyến tránh Cai Lậy nhìn từ trên cao

Theo Kiểm toán Nhà nước, ngoài dự án BOT Cai Lậy sắp được công bố kết luận kiểm toán, còn có một loạt dự án khác như: đầu tư xây dựng công trình mở rộng và xây dựng tuyến tránh TP.Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) của quốc lộ 1; dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng quốc lộ 1 đoạn cửa ngõ phía bắc của TP.Bạc Liêu và xử lý một số vị trí ngập nước trên quốc lộ 1 (tỉnh Bạc Liêu).

Hiện nay, xe ô tô 4 chỗ đi từ TP.Cần Thơ về Bạc Liêu theo quốc lộ 1, thì đến quận Cái Răng, phải mất 35.000 đồng qua trạm thu phí của Công ty TNHH BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp (dự án này chỉ trải thảm nhựa khoảng 30km quốc lộ 1 để thu phí). Đi thêm khoảng 40km, sẽ mất thêm 25.000 đồng qua Trạm BOT Sóc Trăng và chưa đầy 60km nữa, tốn thêm 25.000 đồng cho Trạm BOT Bạc Liêu!

Tất cả những dự án này đều do ông Nguyễn Văn Thể, khi còn giữ chức Thứ trưởng Bộ GTVT phê duyệt. Hiện, ông Thể đang giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng. Và những ngày qua, khi dư luận rộ lên vấn đề các trạm thu phí BOT, trong đó có các dự án mà ông thể phê duyệt, thì ông vẫn im lặng, không có ý kiến gì.

Ông Nguyễn Văn Thể, người phê duyệt các dự án này

Trước đó, 1 trạm BOT khác cũng bị giới tài xế phản ứng là Trạm thu phí T1 và T2 thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 qua địa phận TP.Cần Thơ do Công ty CP Đầu tư quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang làm chủ đầu tư.

Dự án này có 2 phân đoạn gồm: Quốc lộ 91 đoạn Km14+00 (giao quốc lộ 91B) đến Km50+889 và quốc lộ 91B đoạn Km0+000 đến Km 15+793. Tổng mức đầu tư hơn 1.720 tỉ đồng.Trên dự án có 2 trạm thu phí gồm Trạm T1 được đặt tại Km16+905,83 quốc lộ 91 (quận Ô Môn) và Trạm T2 được đặt tại Km50+050 thuộc khu vực Thới Hòa 1, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt - giáp ranh tỉnh An Giang.

Ngay sau khi Trạm T2 bắt đầu thu phí đã bị các doanh nghiệp vận tải, tài xế… phản ứng dữ dội do vị trí đặt trạm bất hợp lý. Xe từ TP.Long Xuyên (An Giang), từ Đồng Tháp qua phà Vàm Cống… vào quốc lộ 80 để đi TP.Rạch Giá (Kiên Giang) chỉ sử dụng chưa được 200m đường quốc lộ 91 cũng bị thu phí 100% như các xe đi toàn tuyến quốc lộ 91.

Trạm thu phí T2

Trước việc Trạm T2 trên quốc lộ 91 đặt “sai” vị trí, Sở GTVT tỉnh An Giang, Kiên Giang, Hiệp hội Vận tải ô tô An Giang và doanh nghiệp trên địa bàn đã gửi văn bản kiến nghị đến các cơ quan Trung ương. Và ông Lê Văn Nưng - Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đã ký văn bản thống nhất sẽ dời trạm T2 nhưng thời gian cụ thể thì chưa thông báo!

Bởi dự án ban đầu hoàn toàn không có Trạm T2! Thế nhưng, sau khi hoàn thành việc trải thảm nhựa hơn 30km quốc lộ 91 thì phát sinh thêm trạm này, để chặn luôn các xe đi Kiên Giang!

Ông Nguyễn Ngọc Xuân - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô An Giang cho biết, sẽ gửi văn bản đến Quốc hội, Thủ tướng, Bộ GTVT… kiến nghị yêu cầu phải di dời trạm thu phí BOT T2 trên quốc lộ 91.

Thanh Ngọc
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
8 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ trạm thu phí Cai lậy: Vẫn chưa biết khi nào thu phí trở lại