GS-TS Phạm Tiết Khánh - Chủ tịch Hiệp hội Cao đẳng cộng đồng Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng trường Trường đại học Trà Vinh cho biết: “Hiện nay Trà Vinh đã khởi động chương trình “Nhân rộng mô hình trữ nước sinh hoạt và nông nghiệp tại các tỉnh ven biển dồng bằng sông Cửu Long do Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc UNDP-AFCIA hỗ trợ năm 2023-2024”.
Cũng theo GS-TS Phạm Tiết Khánh, hiện Việt Nam là một trong những quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Đặc biệt với người dân ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với tình trạng sạt lở, hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn trầm trọng. Biến đổi khí hậu đe dọa sản xuất, kinh tế, năng lượng, an ninh lương thực, sinh kế, đa dạng sinh học, cơ sở hạ tầng, y tế…
Trong thời gian qua, Việt Nam là quốc gia đi đầu hưởng ứng chiến lược giảm thiểu những tác động do biến đổi khí hậu gây ra, bằng những chính sách lâu dài và hành động cụ thể… Không đứng ngoài những chính sách và định hướng của chính phủ trong vấn đề môi trường của toàn cầu, năm 2022, Hiệp hội Cao đẳng Cộng đồng Việt Nam đã nộp ý tưởng đề xuất và được phê duyệt trở thành thành viên của chương trình Nền tảng tổng hợp hỗ trợ nhỏ cho đổi mới của chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (ISGAP Programme) - UNDP.
Chương trình được triển khai vào trung tuần tháng 12.2023. Thời gian thực hiện là 2 năm, từ năm 2023 - 2024, tại 3 tỉnh ven biển ĐBSCL là Trà Vinh, Sóc Trăng, Bến Tre. Chương trình này có sự phối hợp và tham gia của các chuyên gia đến từ Trường đại học Trà Vinh, các sở Nông nghiệp-PTNT 3 tỉnh và các địa phương ở Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng. Nội dung chủ yếu là nhân rộng mô hình trữ nước sinh hoạt và nông nghiệp cho các hộ nông dân tại các tỉnh ven biển ĐBSCL.
TS Trần Thị Ngọc Bích, Phó viện trưởng Viện Khoa học, công nghệ, môi trường (Trường đại học Trà Vinh) cho biết: “Mục tiêu của chương trình là mang lại lợi ích thiết thực phục vụ cho cộng đồng thông qua công tác giáo dục, đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật đến cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng khu vực ĐBSCL. Chương trình này sẽ tạo cho người dân ven biển nói trên biết cách trữ nước ngọt, nước mưa phục vụ cho nước sinh hoạt, nước tưới tiêu khi trồng trọt, làm quen với hạn hán và biến đổi khí hậu. Có thể nói, đây là chương trình sống chung với biến đổi khí hậu.
Điều này xuất phát từ việc vào cuối năm 2015, đầu năm 2016 ở Việt Nam hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra trên diện rộng tại các tỉnh ĐBSCL. Hiện tượng nói trên đã gây tác động rất lớn đến đời sống, kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái trong khu vực, đặc biệt là về sản xuất nông nghiệp. Đến nay đã có 11/13 tỉnh thành trong vùng bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn, sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề, thiếu nước ngọt nghiêm trọng.
Hiện nay, ĐBSCL đang trong cơn quay quắt hạn mặn, được đánh giá là vượt cả đỉnh hạn mặn lịch sử 2015-2016. Hầu hết các địa phương ven biển đều đã bị mặn xâm nhập, thiếu nước tưới cho nông nghiệp và nước ngọt dành cho sinh hoạt.
Trước thực trạng hạn hán và mặn xâm nhập diễn ra thường xuyên, khốc liệt hơn, những năm gần đây, các địa phương vùng ĐBSCL đã triển khai các biện pháp cần thiết để chủ động nguồn nước như: nghiên cứu đề xuất quy hoạch hệ thống thủy lợi, quy hoạch trữ nước trong các ao, kênh, rạch; hướng dẫn hộ dân vùng khó khăn về nước sạch đào ao, giếng, trang bị bồn chứa, túi chứa... tích trữ nước ngọt vào mùa mưa, sử dụng trong mùa khô.
Cũng theo TS Trần Thị Ngọc Bích, chương trình này gồm các bước thực hiện như sau: tập huấn kỹ thuật trồng trọt hiệu quả, sử dụng nước hiệu quả. Nông dân sẽ được cung cấp kiến thức về tình trạng khan hiếm nước, áp dụng các biện pháp để thu trữ và sử dụng hiệu quả nước trong mùa khô. Người tham gia chương trình được cung cấp và lắp đặt hệ thống túi trữ nước; được cung cấp hệ thống thu trữ và lọc nước mưa. Trọng tâm của chương trình là giảm rác thải nhựa và giải quyết vấn đề khan hiếm nước.
Ngoài ra chương trình còn lắp đặt hệ thống thu, lọc và bồn trữ nước mưa sử dụng cho sinh hoạt; thiết kế và lắp đặt hệ thống túi trữ nước và hệ thống tưới tiết kiệm phục vụ cho nông nghiệp
Trao đổi với ông Lê Văn Thiện, 55 tuổi, nông dân ở ấp Ô Rồm, xã Châu Điền, H.Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, ông cho biết: “Gia đình tôi làm 4ha lúa, mỗi năm sản xuất 3 vụ. Năm 2023 tôi đã trữ đủ nước bơm tát cho lúa nhưng cuối vụ thì thiếu nước. Nếu chương trình trữ nước để sống chung với biến đổi khí hậu triển khai tôi sẽ tham gia và học hỏi để tiết kiệm và trữ nước cho mùa vụ tốt hơn”.
TS Thạch Thị Dân - Phó hiệu trưởng Trường đại học Trà Vinh cho rằng: “Trong thời gian qua, Việt Nam là quốc gia đi đầu hưởng ứng chiến lược giảm thiểu những tác động do biến đổi khí hậu gây ra, bằng những chính sách lâu dài và hành động cụ thể… Không đứng ngoài những chính sách và định hướng của chính phủ trong vấn đề môi trường của toàn cầu, năm 2022, Hiệp hội Cao đẳng Cộng đồng Việt Nam đã nộp ý tưởng đề xuất và được phê duyệt trở thành thành viên của chương trình Nền tảng tổng hợp hỗ trợ nhỏ cho đổi mới của chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (ISGAP Programme) - UNDP. Chúng tôi sẽ tích cực triển khai các chương trình của Liên Hợp Quốc trong vấn đề biến đổi khí hậu, phục vụ dân sinh và phát triển trong thời gian tới”.