Les Perelman, giáo sư về hưu của Viện Công nghệ bang Massachusetts (MIT), đánh giá những bài thi viết của kỳ thi NAPLAN thật “quái gở” và khiến học sinh chỉ biết dùng từ khó thay vì trình bày một cách rõ ràng.
Theo giáo sư Perelman, bài thi quá chú trọng vào chính tả, dấu câu, ngữ pháp và phân đoạn. Kiểm nghiệm 10-12 kỳthi quốc tế, ông thấy rằng NAPLAN của Úc “vô lý và kém hiệu quả nhất”.
“Nhìn chung, tôi thấy NAPLAN rất quái gở. Khi kiểm nghiệm nó lần đầu thì tôi đã không thể tin được. Nó xem xét tất cả mọi điều sai, khuyến khích sử dụng từ khó”, đài ABC dẫn lời giáo sư Perelman cho biết.
Là một trong những hoạt động thường niên, kỳ thi NAPLAN thu hút đông đảo học sinh các lớp 3, 5, 7, 9 tham gia đánh giá năng lực môn Toán và Ngôn ngữ. Có thể nói chương trình NAPLAN là biện pháp để chính phủ các bang, cơ quan giáo dục đánh giá chất lượng dạy và học tại Úc. Khi tham gia, học sinh sẽ làm các bài kiểm tra về đọc, viết, quy ước Ngôn ngữ (chính tả, văn phạm, chấm câu) và môn Toán trong phần thi của mình.
Những người soạn thảo NAPLAN đưa ra danh sách những từ theo chủ đề, và thường cho điểm cao những học sinh dùng những từ khó thay vì từ đơn giản.
Giáo sư Perelman cho rằng điều này là không nên, mà học sinh nên dùng từ ngữ tốt nhất để biểu đạt ý mình muốn nói. Ông lưu ý dùng cách biểu đạt đơn giản, rõ ràng nhất luôn là nguyên tắc được chấp nhận rộng rãi.
Ngoài ra, ông Perelman còn đánh giá NAPLAN thiếu minh bạch trong hệ thống chấm điểm và chú ý đến những bài luận giải thích.
ACARA, cơ quan tổ chức kỳthi NAPLAN, cho biết sẽ xem xét lời góp ý của giáo sư Perelman, mặc dù không đồng tình với một vài chê bai mà ông đưa ra. Bộ trưởng Giáo dục Úc Simon Birmingham cũng mong đợi vấn đề này được cân nhắc.
Theo Bộ trưởng: “Bài thi viết không được tiến hành riêng biệt mà đi cùng với bài thi ngôn ngữ và bài thi tính toán. Chúng ta nên xét bức tranh tổng thể. NAPLAN là một trong nhiều cơ chế đánh giá mà giáo viên có thể sử dụng”.
Vào tháng 1, chuyên gia giáo dục Phần Lan Pasi Sahlberg đưa ra nhận định bản thân bài thi không có gì sai, nhưng chuẩn hóa quá cao.
Cẩm Bình (theo The Guardian)