Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cho biết không ít các doanh nghiệp đã lợi dụng phương thức huy động vốn bằng trái phiếu để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, trục lợi, chiếm dụng vốn của các nhà đầu tư.
Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, từ tháng 7.2021 đến tháng 3.2022, bị can Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Tân Hoàng Minh) và đồng phạm đã sử dụng các pháp nhân gồm: Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty cổ phần Đầu tư & Dịch vụ khách sạn Soleil, Công ty cổ phần Cung Điện Mùa Đông thực hiện hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu để huy động tiền trái quy định pháp luật của nhiều nhà đầu tư (người mua, góp vốn đầu tư trái phiếu).
Theo Bộ Công an, tổng trị giá các đợt phát hành trái phiếu nêu trên là 10.300 tỉ đồng. Mục đích để huy động tiền của nhà đầu tư, nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu. Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị cáo buộc đã cưỡng đoạt trên 8.000 tỉ đồng của nhà đầu tư.
Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành. Cụ thể, trái phiếu là giấy ghi nhận nợ quy định nghĩa vụ của công ty phát hành (người vay tiền) phải trả cho người nắm giữ trái phiếu (người cho vay) một khoản tiền xác định. Vì thế đây là công cụ rất hữu hiệu của doanh nghiệp khi muốn huy động nguồn vốn từ cộng đồng, người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối cho biết không ít các doanh nghiệp đã lợi dụng phương thức huy động vốn bằng trái phiếu để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, trục lợi, chiếm dụng vốn của các nhà đầu tư. Điển hình là vụ việc Công ty Tân Hoàng Minh bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan hành vi phát hành trái phiếu.
“Vậy thì tại sao những công ty như Tân Hoàng Minh lại bị khởi tố về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”? Đây có lẽ là thắc mắc nhiều người, liệu rằng có hình sự hóa mối quan hệ dân sự hay không? Tuy nhiên, dưới góc độ nghiên cứu pháp luật, đây không có chuyện hình sự hóa mối quan hệ dân sự trong vụ án như thế này”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, đây là những vụ án mà hành vi, thủ đoạn hết sức tinh vi, thực hiện trên quy mô lớn, số tiền chiếm đoạt rất lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Nếu không xử lý nghiêm những vụ việc như thế này thì nguy cơ sẽ còn rất nhiều vụ việc tương tự mà hậu quả rất khó lường. Vì thế, cần nhận diện và làm rõ hơn hành vi lừa đảo của các doanh nghiệp dưới hình thức phát hành trái phiếu.
Ông Hùng cho biết, về hình thức giao dịch mua trái phiếu giữa doanh nghiệp và người mua trái phiếu được thực hiện hoàn toàn tự nguyện, nội dung ghi nhận rất rõ ràng về việc mua bán, kỳ hạn hoàn trả tiền, được bảo lãnh tài sản hoặc bên thứ 3 hoàn trả tiền (ngân hàng/tổ chức tài chính).
“Nếu nhìn vào sự thỏa thuận như trên rõ ràng nhiều người cùng chung suy nghĩ đó là giao dịch dân sự. Vậy thì hành vi có dấu hiệu lừa đảo ở đâu trong trường hợp này?”, ông Hùng nêu và cho biết về cơ bản lừa đảo là hành vi dùng thủ đoạn gian dối, thông tin, tài liệu giả để chiếm đoạt tiền của nạn nhân.
Luật sư này cho hay, nhận diện về hành vi dấu hiệu lừa đảo của doanh nghiệp trong những vụ án liên quan đến phát hành trái phiếu có thể thấy rằng: Khi doanh nghiệp lên kế hoạch phát hành trái phiếu để huy động vốn, trong hồ sơ có đưa ra đề án kinh doanh rất cụ thể, kế hoạch trả nợ, tài sản đảm bảo, bên bảo lãnh thanh toán.
Theo đó, người mua trái phiếu cũng vì tin tưởng thông tin, tài liệu, cam kết trên của doanh nghiệp mới mua trái phiếu, hay nói cách khác nhà đầu tư mua trái phiếu vì tin tưởng rằng số tiền của mình được đầu tư vào đúng dự án như đã cam kết, tính thanh khoản được đảm bảo.
Nếu như số tiền mua trái phiếu được thực hiện đúng như cam kết thì vụ việc chỉ là dân sự, tuy nhiên, ông Hùng cho rằng dấu hiệu gian dối thể hiện ở việc đề án kinh doanh không chính xác, các thông tin, cam kết đưa ra chỉ là hứa hẹn và không có.
"Ngay từ đầu, phía doanh nghiệp tự dựng hồ sơ lên để hợp thức hóa việc huy động vốn, tạo lòng tin cho người mua. Bằng mọi cách, thủ đoạn rất tinh vi, xảo quyệt để khiến cho nhà đầu tư tin tưởng và mua trái phiếu. Ngay từ thời điểm huy động này thì tội phạm lừa đảo đã hoàn thành, đủ căn cứ để khởi tố hình sự", ông Hùng nói.
Dấu hiệu nữa chứng minh về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đó là phía doanh nghiệp sau khi lấy được tiền thì sử dụng vào mục đích khác như trả nợ hoặc sử dụng trái với mục đích ban đầu dẫn đến việc nợ, mất khả năng thanh toán, gây thất thoát, thiệt hại cho nhà đầu tư.
“Rất nhiều doanh nghiệp với suy nghĩ rằng tiền đã vào tài khoản công ty thì việc làm gì, như thế nào là quyền của họ, miễn là họ trả nợ như đã cam kết dẫn đến tình trạng lợi dụng phát hành trái phiếu để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”, ông Hùng nhấn mạnh.
Theo luật sư Hùng, đến giai đoạn hiện nay thì các cơ quan tố tụng đã nhận diện rất rõ ràng về hành vi, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức phát hành trái phiếu. Đây cũng là bài học cho các doanh nghiệp khi muốn phát hành trái phiếu, không còn chuyện thích vẽ vời về dự án, phương án kinh doanh ra sao cũng được để huy động tiền người dân, xong rồi muốn sử dụng ra sao thì sử dụng. Tất cả phải thực hiện trên cơ sở trung thực, rõ ràng, đúng mục đích và tuân thủ pháp luật.
Tại một hội thảo mới đây, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết hiện nay thị trường thiếu vắng 2 chữ “minh bạch”, vì vậy kéo theo nhiều chuyện rất đáng buồn. Ở những thị trường vốn lớn mạnh trên thế giới, không thể không có những công ty kiểm toán, xếp hạng tín nhiệm uy tín.
Trái phiếu doanh nghiệp là một trong những nguồn vốn trung hạn, dài hạn, có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ở Việt Nam trong thời gian qua và tương lai rất gần sẽ trở thành nguồn vốn trung-dài hạn lớn nhất, còn lớn hơn cả vốn từ ngân hàng. Theo đó, cần xây dựng cơ sở pháp lý vững chắc, dài hạn về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Ngoài vấn đề pháp lý, theo ông Nghĩa, còn cần những kinh nghiệm về quản trị, đặc biệt là xếp hạng tín nhiệm.
“Nhìn ra các quốc gia trên thế giới, các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư trong cộng đồng, không thể nhìn vào bảng cân đối tài chính, báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo dòng tiền… để quyết định đầu tư được. Họ chỉ đơn giản quan tâm chuyện doanh nghiệp đó được xếp hạng như thế nào”, ông Nghĩa nói.