Cho rằng bỏ sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân là cần thiết nhưng ĐBQH Bùi Văn Xuyền, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của QH cho rằng, vấn đề khó nhất là khắc phục tình trạng hạ tầng không đồng nhất giữa các địa phương, bộ ngành. Phải tạo được hệ thống cơ cở dữ liệu đồng nhất, còn nếu làm kiểu “xôi đỗ” thì khó mang lại hiệu quả như mong muốn...
>>Bộ Công an sẽ họp báo thông tin rõ về việc bỏ sổ hộ khẩu
>>Cần cắt phăng sổ hộ khẩu
>>Loanh quanh cái sổ hộ khẩu
Trả lời báo chí bên lề kỳ họp thứ 4, Quốc hội (QH) khoá 14, ngày 6.11, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Bùi Văn Xuyền (đoàn Thái Bình), Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của QH cho rằng, khi các cơ quan đã tích hợp được các dữ liệu vào thẻ căn cước công dân thì việc bỏ sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân là cần thiết.
“Hơn nữa, chúng ta đang xây dựng Chính phủ điện tử thì việc bỏ sổ hộ khẩu là hoàn toàn đúng tiến trình, phải làm nhanh, làm sớm, phải phủ sóng toàn quốc, dù nền tảng áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước còn hạn chế, kể cả về nguồn lực, cơ sở vật chất, con người” ông nói.
Tuy nhiên, điều khó khăn nhất khi triển khai chính sách trên theo vị ĐBQH này là nguồn lực, cả về kinh phí lẫn cơ sở vật chất, con người. Ông cũng lưu ý, phải đồng bộ được cơ sở dữ liệu dân cư của các địa phương, bộ ngành để quản lý đồng nhất, tránh tình trạng chỗ này triển khai nhưng chỗ kia chưa.
Theo ông Xuyền, việc bỏ sổ hộ khẩu có thể dẫn đến phải sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật khác, nhưng chủ yếu là văn bản dưới luật, như Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Công an. Nếu có luật khác liên quan về lĩnh vực quản lý hành chính thì cũng không nhiều và trách nhiệm rà soát sẽ thuộc 2 bộ Công an, Tư pháp.
Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của QH nhấn mạnh: “Vấn đề khó nhất là khắc phục tình trạng hạ tầng không đồng nhất giữa các địa phương, bộ ngành. Phải tạo được hệ thống cơ cở dữ liệu đồng nhất thì việc này mới thuận lợi cho người dân, còn nếu làm kiểu “xôi đỗ” thì khó mang lại hiệu quả như mong muốn”.
Bỏ sổ hộ khẩu là hoàn toàn hợp lý
Về phần mình, ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An (đoàn Nghệ An) cho rằng, chủ trương này đã được chuẩn bị chu đáo trong cả một quá trình.
“Bỏ một số giấy tờ không có nghĩa là buông lỏng công tác quản lý. Công tác quản lý vẫn được tiến hành một cách bình thường, thậm chí chặt chẽ hơn, trên cơ sở các số liệu về dân cư được các cấp các ngành, đặc biệt là Bộ Công an đang tiến hành trực tiếp hoàn thiện.
Do đó, yêu cầu về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt giấy tờ, với yêu cầu quản lý chặt chẽ xã hội, không mâu thuẫn với nhau. Đây là một quá trình đã được chuẩn bị rất chu đáo và đến thời điểm hiện nay, bỏ như thế là hoàn toàn hợp lý”, đại tá Nguyễn Hữu Cầu nói.
Vị Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cũng cho rằng, “hiện cuộc cách mạng 4.0 phát triển rất mạnh. Tôi nhận thức rằng trong tất cả các vấn đề quản lý xã hội thì quản lý con người là khó nhất. Tuy nhiên khi chúng ta có công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin thì việc quản lý sẽ dễ dàng hơn, chứ không đến mức ra đường phải mang đủ loại giấy tờ”.
Theo ông Cầu, việc quản lý theo hình thức mới “đương nhiên cần có thời gian để chuyển đổi nhưng chắc chắn không dài vì hiện cơ sở dữ liệu đã kết nối đến từng địa phương.”
“Cơ sở dữ liệu quốc gia hiện đã được hoàn tất toàn bộ và Bộ Công an đang triển khai chủ trương làm căn cước công dân. Hiện tại, Hà Nội đang làm rất hiệu quả, theo tôi được biết, ngay từ năm sau tất cả công an các địa phương cũng sẽ triển khai ngay khi có chủ trương của Bộ Công an, có nghĩa là hiện nay cơ sở dữ liệu quốc gia đã rất đầy đủ, nên bỏ bớt giấy tờ cũng không ảnh hưởng gì,” đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu cho biết.
Cũng theo ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu, khi có nghi ngờ trong công tác làm thủ tục thì cơ quan chức năng sẽ thẩm tra, xác minh, chứ không phải bỏ sổ hộ khẩu đi là không kiểm tra. Việc kiểm tra, xác định sự thật là trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, còn công dân thì người ta chỉ xuất trình thế thôi. Với phần chuẩn bị chu đáo rồi, cơ quan quản lý có thể trích xuất thông tin, trả lời ngay rất chính xác các vấn đề. Tôi lấy ví dụ, ở Nghệ An, tất cả dữ liệu liên quan đến chứng minh nhân dân chúng tôi có thể lên máy tính tra cứu, không có khó khăn gì.
Theo đại tá Cầu, việc xoá bỏ được sổ hộ khẩu chắc sẽ tiết kiệm được không ít. Ông dẫn chứng: “Ví dụ làm sổ hộ khẩu, thì riêng tiền giấy đã rất lớn, hay làm giấy chứng minh nhân dân, ngoài giấy mực, còn công sức anh em, chi phí đi lại, thời gian của người dân... Về mặt kinh tế mà nói, có thể thấy tác động là rất lớn.
Nam Phong