Các kết quả nghiên cứu ADN ty thể và hạt nhân chiết xuất từ các mẫu da của 190 con hươu cao cổ đã cho thấy rằng những con vật đó không thuộc 1 loài mà những 4 loài khác nhau.

Có những 4 loài hươu cao cổ

11/09/2016, 10:57

Các kết quả nghiên cứu ADN ty thể và hạt nhân chiết xuất từ các mẫu da của 190 con hươu cao cổ đã cho thấy rằng những con vật đó không thuộc 1 loài mà những 4 loài khác nhau.

Theo tạp chí Current Biology, trong một thời gian dài, các nhà sinh học coi hươu cao cổ thuộc về một loài duy nhất (Giraffa camelopardalis) với vài phân loài khác nhau, vài chi tiết bề ngoài và sự phân bố về địa lý. Chỉ sau khi phát triển được phương pháp phân tích ADN, các nhà di truyền học đã vào cuộc và họ đã bị bất ngờ.

Trước đó, năm 2007, tạp chí BMC Biology đã công bố bài báo chứng minh rằng có 6 loài hươu cao cổ. Điều kỳ lạ trước tiên là dù không có cách biệt về địa lý để giao phối lẫn nhau và chúng rất hay di chuyển nhưng các loài hươu cao cổ khác nhau vẫn sinh sản ra cùng loài trong một thời gian dài. Các nhà sinh học giải thích điều đó có thể là sự chênh lệch về mùa động dục và hươu cao cổ định hướng vào hoa văn đặc thù trên da đồng loại khi lựa chọn đối tượng giao phối.

Nhưng trong công trình nghiên cứu mới được tiến hành theo sáng kiến của Quỹ bảo tồn hươu cao cổ (Giraffe Conservation Foundation) ở Namibia, các nhân viên của quỹ đã thu thập vật liệu di truyền ở các vùng khác nhau của châu Phi và chuyển sang Đức để phân tích.

Một lần nữa sự tồn tại của các loài độc lập lại được khẳng định, hơn nữa sự khác biệt di truyền giữa một số cặp hươu cao cổ thậm chí còn lớn hơn cả khác biệt giữa gấu nâu và gấu trắng. Nhưng lần này, các nhà sinh học chỉ phân ra 4 loài thay vì 6 loài như năm 2007.

Đó là loài hươu cao cổ phương Nam (G. giraffa), với 2 phân loài Ăng gô la (G. g. angolensis) và Nam Phi (G. g. giraffa); hươu cao cổ Maasai (G. tippelskirchi), cộng với loài trước đây được coi là loài riêng G. thornicrofti; hươu cao cổ mặt lưới (G. reticulate) và hươu cao cổ phương Bắc (G. camelopardalis), bao gồm cả hươu cao cổ G. rothschildi trước đây được tính là loài riêng. Những loài này đã tách ra khỏi nhau trong khoảng thời gian 1,25 triệu -2 triệu năm trước.

Sự phân chia các loài hươu cao cổ làm cho các chuyên gia bảo tồn động vật lo ngại. Mặc dù trước đây số đầu hươu cao cổ tuy có giảm nhưng sự tồn tại của một loài không gây lo lắng nhiều vì toàn châu Phi vẫn còn tới trên 90.000 đầu hươu cao cổ. Nhưng bây giờ đã rõ trong 4 loài thì có những loài còn rất ít, đặc biệt hươu cao cổ phương Bắc chỉ còn chưa đến 5.000 con.

Vũ Trung Hương

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
10 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Có những 4 loài hươu cao cổ