chúng ta đã không kiểm soát kỹ việc ban hành các văn bản, gây ra các rào cản, thủ tục mà chính chúng ta đã vô tình giết chết doanh nghiệp”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Có những quy định vô tình giết chết doanh nghiệp

01/02/2019, 06:43

chúng ta đã không kiểm soát kỹ việc ban hành các văn bản, gây ra các rào cản, thủ tục mà chính chúng ta đã vô tình giết chết doanh nghiệp”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng - Ảnh: VGP

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1.2019 diễn ra vào chiều tối 31.1, trả lời báo chí về vấn đề tồn đọng container ở cảng Hải Phòng làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Công Thành cho hay, Thông tư 08 và Thông tư 09 được xây dựng trong bối cảnh thực hiện chỉ đạo về việc hạn chế nhập khẩu phế liệu khi các nước láng giềng trong khu vực đều có chính sách nghiêm khắc về việc nhập khẩu phế liệu.

Mực đích xây dựng Thông tư 08 và 09 là nhằm bảo vệ môi trường, nhưng thực tế có một loạt quy định thực hiện Luật Bảo vệ môi trường và hải quan vô tình có sự chồng chéo, khó cho địa phương thực hiện.

Cũng theo ông Thành, một phần do địa phương chưa thực sự giám sát để có thể giảm thời gian thông quan của các lô hàng hóa. Tổ công tác của Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt và trong thời gian tới sẽ sửa đổi các quy định nhà nước về việc nhập khẩu phế liệu theo hướng tăng cường trách nhiệm hậu kiểm của các cơ quan về TN-MT tại địa phương, thay vì kiểm tra trước thông quan; cũng như việc thông quan dựa trên cơ sở giấy chứng nhận kết quả đánh giá sự phù hợp của các tổ chức đánh giá độc lập.

“Từ thực tế này chúng tôi thấy rằng công tác đánh giá tác động của các văn bản quy phạm pháp luật cần phải thực hiện sâu sát hơn và việc xử lý các vướng mắc về thay đổi việc thực hiện quy định cần có sự chung tay của các cơ quan liên quan”, ông Thành nói.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nói thêm, hiện có 24.124 container đang tồn đọng tại các cảng biển trên cả nước, đây là số lượng rất lớn. Số container này sẽ rất tốt nếu ta thông quan tốt, cung cấp kịp thời cho các nhà máy trong nước. Các nhà máy sản xuất chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên nếu như chậm thông quan sẽ ảnh hưởng đến nguyên liệu, công nhân nghỉ việc, cắt hợp đồng với đối tác đã ký…

“Rất tiếc khi thực hiện việc này, chúng ta đã không kiểm soát kỹ việc ban hành các văn bản, gây ra các rào cản, thủ tục mà chính chúng ta đã vô tình giết chết doanh nghiệp”, Bộ trưởng nói.

Theo ông Dũng, 1 lô hàng container phế liệu phải qua 4 cơ quan kiểm tra, kiểm soát: Một là sở TN-MT địa phương cấp cho doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu; hai là phải qua cơ quan hải quan; ba là phải qua cơ quan giám định độc lập (hiện nay Bộ TN-MT chỉ định 13 cơ quan giám định độc lập); bốn là qua cơ quan quản lý nhà nước là sở TN-MT tại nơi nhà máy đóng.

Ông Dũng cho rằng giám định độc lập là cơ quan giúp cho toàn bộ vấn đề trách nhiệm trước pháp luật liên quan đến chất lượng giám định. Còn sở TN-MT là nơi nhà máy đóng, trong khi hàng hoá về một chỗ.

Ví dụ hàng về cảng Cát Lái (TP.HCM) nhưng nhà máy nằm ở xung quanh TP.HCM. Khi có kết quả của cơ quan giám định độc lập rồi thì đưa giấy về Sở TN-MT để Sở cử cán bộ xuống cảng, mở container ra kiểm tra bằng mắt thường xem có phải phế liệu thật không. “Rõ ràng ta ban hành những quy định này ra đã gây khó khăn cho doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp phải “rơi nước mắt””, ông Dũng nói.

Trong khi đó nhà máy cần phế liệu thì không thông quan được. Hải quan cho rằng khi thông quan phải áp dụng theo thông tư cũ. Ngày 17.1, Tổng cục Hải quan đã có văn bản chỉ đạo cả nước phải rút kinh nghiệm về việc container phế liệu về nhôm của Hàn Quốc.

Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng phải minh bạch, không đổ lỗi cho nhau mà phải nói rõ ra. Hôm nay Thủ tướng rất gắt gao trong việc không đánh giá kỹ tác động mà đã ban hành thông tư là vô cảm. Trong khi đó trước khi Tổ công tác xuống, Thủ tướng đã nghe các doanh nghiệp phản ánh rất nặng nề về việc này, thậm chí có doanh nghiệp còn khóc với Thủ tướng.

“Câu chuyện là không ai giải quyết cho doanh nghiệp mà tình trạng này đã diễn ra từ rất lâu rồi (từ tháng 6.2018), rồi có chuyện bán cả hàng cũng không đủ tiền nộp phạt cho những container này”, Chủ nhiệm VPCP cho hay.

Theo ông Dũng, sinh ra những việc này là do sở TN-MT không có tiền để chở cán bộ TN-MT đến Cảng. Ví dụ ai sẽ cấp tiền cho sở TN-MT xuống Hải Phòng để mở từng container kiểm tra bằng mắt thường?

“Những chi phí này doanh nghiệp đều phải lo hết. Chưa nói đến việc theo quy định tại Thông tư 08, một container chỉ thực hiện 1 ngày là thông quan nhưng thực tế đang là 29 ngày, việc này xảy ra tại cảng Cái Mép. Sở TN-MT chiếm tới 90% thời gian này, còn toàn bộ là thời gian của hải quan để chờ giấy, mặc dù chỉ cần ký xác nhận thôi nhưng hải quan vẫn phải chờ”, ông Dũng chia sẻ.

Theo đó, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là sẽ đưa vào Nghị quyết của Chính phủ việc không giao trách nhiệm cho Sở TN-MT các tỉnh, thành phố nữa. Thủ tướng còn nói nặng hơn là yêu cầu ra thông báo hủy bỏ Thông tư 08 và 09.

Thủ tướng đưa ra mục tiêu là ta phải sòng phẳng, Tổng cục Hải quan phải xin lỗi doanh nghiệp Hàn Quốc vì doanh nghiệp lỗ tới 14,5 tỉ. Bên Hải quan đã xin lỗi là do hiểu sai văn bản, nhưng họ vẫn đề nghị Chính phủ xem lại về thủ tục thì mới thông quan được.

“Chúng ta họp báo, rất nhiều doanh nghiệp theo dõi việc này, Thủ tướng đã chỉ đạo kịp thời nếu không cả Tết này không ai ăn Tết được. Tôi phải nói rõ để thấy là chúng ta đang vô cảm”, Bộ trưởng nói.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Có những quy định vô tình giết chết doanh nghiệp