Theo các kết quả của công trình nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature, các loài thực vật và động vật được con người đưa vào môi trường mới, thường cạnh tranh, chèn ép các loài cây bản địa và phá vỡ nhiều mối tương tác trong hệ động thực vật, ví dụ như trong quá trình thụ phấn.
Tuy nhiên, một số nhà khoa học nghi ngờ rằng việc tốn thời gian để loại bỏ các loài xâm lấn khỏi cộng đồng tự nhiên không mang lại hiệu quả. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu cũng không có đủ thông tin về các hệ sinh thái được khôi phục lại, nếu các loài ngoại lai được loại bỏ.
Một công trình nghiên cứu mới cho thấy rằng thực ra một hoạt động như vậy có thể khá hiệu quả. Các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm trên một trong những đảo thuộc Seychelles, để theo dõi xem hệ thực vật bản địa và các loài động vật tham gia thụ phấn hoa được khôi phục như thế nào.
Để làm được điều này, các nhà nghiên cứu loại bỏ khoảng 40.000 bụi cây xâm lấn trong 4 vùng miền núi của đảo Mahe. Sau đó họ theo dõi cẩn thận các loài động vật tham gia thụ phấn cho các loài thực vật bản địa còn lại ở đó. Họ đã ghi nhận được hiện tượng các loài ong, bướm, bọ cánh cứng, chim và thậm chí cả thằn lằn xuất hiện tham gia thụ phấn cho các cây Polyscias crassa bản địa.
Trong 8 tháng, các nhà khoa học đã thực hiện 1.500 giờ theo dõi. Hóa ra, số lượng các loài động vật đến thụ phấn và tần suất chúng tiếp xúc với thực vật cao hơn 20% so với những khu vực đối chứng nơi vẫn còn những loài xâm lấn, cây cối bản địa cũng ra nhiều hoa quả hơn.
Vũ Trung Hương