Sau gần một năm sống chui lủi ở Thái Lan, mới đây 4 người dân tộc thiểu số vượt biên trái phép đã tìm đường trở về quê hương, buôn làng. Hơn ai hết họ đã hiểu sự thực về cuộc sống “giàu sang, sung sướng nơi xứ người mà bọn xấu tuyên truyền. Nhận tin báo từ gia đình những người vượt biên trở về, chúng tôi đã tìm đến gặp họ.  

Cuộc sống chui lủi của người vượt biên trái phép sang Thái tìm "thiên đường"

Một Thế Giới | 18/07/2015, 06:40

Sau gần một năm sống chui lủi ở Thái Lan, mới đây 4 người dân tộc thiểu số vượt biên trái phép đã tìm đường trở về quê hương, buôn làng. Hơn ai hết họ đã hiểu sự thực về cuộc sống “giàu sang, sung sướng nơi xứ người mà bọn xấu tuyên truyền. Nhận tin báo từ gia đình những người vượt biên trở về, chúng tôi đã tìm đến gặp họ.  

Trở về từ miền đất hứa

Từ thủ đô Bangkok - Thái Lan, sau hành trình gian nan suốt 3 ngày đêm bằng nhiều phương tiện khác nhau, Siu Anek (25 tuổi), Siu Bêch (32 tuổi), Siu Toan (22 tuổi) và Rơ Mah Thoát (30 tuổi, cùng trú huyện Chư Pưh) về đến Cửa khẩu Cầu Treo - Hà Tĩnh. Bộ đội Biên phòng và Công an tỉnh Hà Tĩnh đã giúp đỡ họ đón xe về Gia Lai.

Siu Bêch (ở làng Pui A, xã la Le, huyện Chư Pưh) kể: ‘Tôi đi từ tháng 3.2014 mà mãi 4 tháng sau mới có việc: làm bảng quảng cáo, tháng đầu họ trả tiền đủ, nhưng sau đó không có việc. Mấy ông chủ người Thái bảo phải có hộ chiếu, nếu không cảnh sát Thái bắt, họ không bảo lãnh được”.

Trở về, Siu Anek, Siu Bêch, Siu Toan, Rơ Mah Thoát đã đến trình diện chính quyền địa phương và được động viên, tạo điều kiện để hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống; đồng thời tích cực vận động dân làng không nghe lời bọn xấu lôi kéo, lừa phỉnh. Siu Bêch cho biết thêm, ở Thái Lan còn một số người vượt biên trước đây muốn về với buôn làng nhưng không có tiền và chẳng biết đường.

Đầu năm 2013, một số làng đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai rộ lên tin đồn ai trốn sang Thái sẽ được người của Liên hợp quốc đón đi Mỹ, hưởng cuộc sống sung sướng. Mặc dù được chính quyền và các ban ngành giải thích nhung một số người nhẹ dạ vẫn bán nương rẫy, gia súc, thậm chí đi vay nặng lãi chờ cơ hội bỏ trốn. Siu Anek, Siu Bêch, Siu Toan và Rơ Mah Thoát nằm trong số đó.

Sính ra trong gia đình kinh tế khá giả ở làng Thơh Nhoeng, xã la Phang, nhưng Siu Toan không chịu lao động giúp bố mẹ mà lại nghe lời bạn bè rủ rê bỏ trốn ra nước ngoài. Sang đến đất Thái đầu năm 2014, Siu Toan mới biết bị bọn xấu lừa phỉnh, suốt ngày phải trốn chui trốn lủi vì sợ cảnh sát nước sở tại bắt giam do nhập cảnh trái phép. Siu Anek ở làng Tao, xã la Phang cũng trở về trong tâm trạng mừng vui khôn xiết nhưng có vẻ ngại ngùng vì hai đứa con nhìn anh như người xa lạ.

Ông Y Đhưn Ayun - Thôn trưởng làng Thơh Nhoeng, xã la Phang, nói: “Với những người đã lạc lối, chúng tôi sẽ thường xuyên gặp gỡ, nhắc nhở họ. Cứ như thế nhiều lần thì Nhà nước sẽ không khoan hồng nữa đâu”.

192 ngày trên đất khách

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà gỗ đầy ắp tiếng cười con trẻ, giọng buồn buồn, đôi mắt nhìn vô định về khoảng trời xa xăm, Rơ Mah Thoát kể: ‘Tôi ở gần nhà Siu Lomôn (thôn la Tong, xã la Le, Chư Pưh). Nó từng vượt biên một lần nên thường cùng chính quyền tuyên truyền cảnh báo mọi người đừng ai nghe theo lời bọn xấu dụ dỗ trốn sang Thái Lan để đi Mỹ. Nhưng viễn cảnh về cuộc đời mới nơi có những ngôi nhà cao tầng, nhiều đèn sáng lóa về đêm và một công việc nhẹ nhàng vẫn hấp dẫn hơn. Thế là ngày 14.12.2014 tôi và Siu In (SN 1997, ở cùng làng) rủ nhau đi Thái một chuyến, cầm trong tay 20 triệu đồng hôm trước vừa bán bắp, lúa, tôi rất áy náy với vợ, nhưng lại tự an ủi rồi mình sẽ trở về và đón mẹ con nó qua Mỹ.

Tôi và Siu In mất mỗi người 17 triệu đồng và 2 sau ngày đêm thì đến được Bangkok. Người dẫn đường bỏ chúng tôi ở ngoại ô thành phố cùng lời dặn dò chớ để bị Cảnh sát Thái Lan bắt được. Nhìn những ngôi nhà chọc trời ở đó, tôi và Siu In ngỡ đã chạm được đến miền “cổ tích”, nhưng chúng tôi sớm vỡ mộng. Chẳng quen biết ai, tôi và Siu In phải tự xoay xở với cái bụng lép kẹp sau chặng đường dài, Với 3 triệu đồng còn lại, tôi đổi được hơn 4.000 bạt Thái. Tiền thuê một phòng trọ trống không chừng 12m2 hết 3.000 bạt/tháng.

Ở đây cái gì cũng đắt, gạo cũng gấp đôi ở Việt Nam. Thỉnh thoảng khi ông chủ người Thái bảo trốn đi đâu đó vì cảnh sát sắp đến kiểm tra, tôi và Siu In bèn phóng ra chợ, nơi ít bị phát hiện, Cứ thế, chúng tôi quanh quẩn trong phòng trọ chật hẹp, hết ăn lại nằm. Lay lắt đến ngày thứ 30, tiền trong túi đã cạn thì tôi có việc làm.

Một người đàn ông Thái Lan đến bảo tôi đi theo ông ta (sau này tôi mới biết đó là “cò” việc làm) và đưa tôi đến công trường làm phụ hồ cùng nhân công người Thái. Cuối ngày, ông này trả cho tôi 300 bạt (tương đương 200.000 đồng). Những ngày sau đó, tôi phát hiện rằng cùng làm việc như nhau, thậm chí chúng tôi phải đảm đương những phần việc nặng nhọc hơn, nhưng nhân công người Thái đều được 1.000 bạt mỗi ngày, trong khi tiền chúng tôi đã ít hơn lại còn bị “cò” cắt xén.

Nhưng như thế vẫn còn đỡ, vì khi tôi nhận làm công tháng ở khu biệt thự đã bị chủ quỵt luôn tiền công. Một kẻ sống chui lủi không giấy tờ như tôi làm sao dám đến đòi nợ? Cay đắng, chán nản cùng cực, tiếc công sức 30 ngày ròng rã dưới cái nắng như thiêu đốt ở Bangkok, đến lúc này tôi mới chua xót nhận ra “cuộc sống sung sướng” mà tôi được rỉ tai khi còn ở nhà chỉ là dối trá, tôi nuôi quyết tâm trở lại quê hương.

Rút kinh nghiệm, thời gian sau tôi chỉ làm công nhật và hết sức tiết kiệm chi tiêu. Một ngày cuối tháng 5, tôi gặp Siu Bêch ở cùng xã. Cậu ấy bảo sang đây từ tháng 3-2014, đã gặp UNHCR nhưng họ từ chối, không giải quyết. Bêch rủ tôi cùng 2 người khác góp tiền tìm người dẫn đường hồi hương.

Chúng tôi nộp mỗi người 14.000 bạt cho một người lái xe ở Thái Lan để ông ta đưa đến biên giới Thái - Lào. Sìu In biết kế hoạch của chúng tôi, nhưng vì không đủ tiền nên đành ở lại. May mắn là sau hành trình gian nan suốt 3 ngày đêm, bằng xe, thuyền qua sông Mê Kông, cả nhóm về đến cửa khẩu Cầu Treo, Hà Tĩnh. Bộ đội Biên phòng và Công an Hà Tĩnh giúp chúng tôi đón xe về Gia Lai.

Tôi và cả nhóm vừa xấu hổ vừa lo sợ trước việc làm của mình. Nhưng Công an Gia Lai chẳng những không giam giữ còn tạo điều kiện cho chúng tôi sớm trở về đoàn tụ gia đình và dặn dò đừng bao giờ lặp lại sai lầm này.

Giây phút gặp lại, ba đứa con tôi nhào vào lòng bố. Ngôi nhà nhỏ, con đường, vườn tiêu đối với tôi chưa bao giờ đẹp như lúc ấy...”.

Ước vọng hồi hương của những người còn lại

Thông tin sự trở về của những người tùng vượt biên trái phép sang Thái Lan khiến các buôn làng ở xã la Le, Chư Puti - Gia Lai xôn xao. Chỉ trong thời gian ngắn, hàng chục gia đình có thân nhân vượt biên sang Thái Lan đã đến gặp và bày tỏ nguyện vọng được chính quyền, công an giúp đỡ để con em của họ được trở về với buôn làng.

Siu Lomôn (SN 1983, ở thôn la Tong, xã la Le) dẫn chúng tôi đến thôn Kênh Mek thăm gia đình Siu Đơn - là anh ruột của Lomôn. Cách đây 2 tháng, Siu Đơn nói dối gia đình vào rừng chặt trụ tiêu rồi vượt biên trái phép sang Thái, hiện vẫn lưu lạc ở đó. Cùng đi với chúng tôi có Rơ Mah Thoát vừa hồi hương ngày 16-6-2015. Thoát kể, có gặp và ở chung với Đơn 4 ngày, khi ấy trông Đơn tiều tụy, chán nản và thất vọng. Đơn nhờ Thoát nhắn với gia đình rằng rất nhớ nhà và muốn trở về nhưng không đủ tiền. Siu Đơn trốn ra nước ngoài bỏ lại vợ và 5 đứa con, lớn nhất 12, nhỏ nhất mới hơn 1 tuổi. Gia đình Siu Đơn tương đối khá giả trong thôn với 1,6 ha tiêu, 2ha lúa nước, 15 con bò, trong nhà có xe máy, xe công nông... Anh này bỏ làng đi chỉ vì lời lừa phỉnh của những kẻ xấu.

A Drơng Chong (ở thôn Kênh Mek) sang nhượng đất ruộng rồi cùng vợ và con gái 2 tuổi vượt biên sang Thái Lan ngày 7-1-2015, bỏ lại cháu A Drơng H’Y mới 7 tuổi ở nhà với ông bà nội. Chỉ thời gian ngắn sau đó, Chơng gọi điện về kể rằng bên Thái Lan cái gì cũng đắt đỏ, công việc bấp bênh, tiền công còm cõi không đủ ăn. Ông Siu Lui, bố Chơng, cho biết: “Nó hỏi tôi có cách gì gửi tiền qua cho nó trở về làng không. Tôi hỏi địa chỉ thì nó không biết, vì phải trốn Cảnh sát Thái thì làm sao mà gửi về địa chỉ nó ở được. Tôi rất mong công an, chính quyền tìm cách và tạo điều kiện cho gia đình con tôi hồi hương”.

Từng là nạn nhân của trò lừa vượt biên, hơn ai hết, Siu Lomôn hiểu được giá trị của gia đình, của quê hương. Anh bộc bạch: “Hồi đó khi băng rừng sang trại tạm cư ở biên giới Campuchia, chúng tôi ở trong những căn lều bé xíu, mưa lớn là bị tạt ướt hết. Mỗi người được phát 1 lon gạo/ngày, không ai được đi đâu, sống như bị cầm tù. Hơn 14 tháng chờ "được đi Mỹ", tôi không còn hy vọng gì và đăng ký hồi hương. Bây giờ vợ chồng tôi làm công nhân cao su mỗi tháng 8 triệu đồng, trồng thêm 1.400 trụ tiêu, lúa, bắp... Tôi được cử làm cán bộ Mặt trận 2 thôn Kênh Mek và la Tong.

Với những gì đã trải qua, tôi thường khuyên bà con đừng nghe lời kẻ xấu vượt biên, chẳng có sung sướng giàu sang gì đâu, chỉ có tủi hổ, tù túng thôi. Ở nhà dù vất vả cũng là quê hương mình, gia đình mình. Thôn la Tong có 12 người còn kẹt ở Thái, tôi rất mong họ trở về và khuyên mọi người rằng đừng bao giờ quay lưng với quê hương mình”.

Theo Đăng Thanh – Thoại Nhân (Công an Tp.HCM)


Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cuộc sống chui lủi của người vượt biên trái phép sang Thái tìm "thiên đường"