Cựu trùm tình báo Hugo Carjaval là một trong những nhân vật quyền thế của chính phủ Venezuela, nhưng ông đã quay lưng tố cáo Tổng thống Nicolas Maduro là độc tài, và tố nhóm thân cận Maduro buôn lậu ma túy, về phe với tổ chức vũ trang Hezbollah.
Khi trả lời phỏng vấn của báo New York Times ngay tại thủ đô Caracas hôm 21.2, ông Carvajal còn kêu gọi quân đội đào ngũ, quay súng chống lại Tổng thống Maduro, trước khi xảy ra vụ đối phó phe đối lập vào ngày 23.2, liên quan chuyện ông Maduro chặn hàng viện trợ nhân đạo ở vùng biên giới Venezuela.
Hôm 18.2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảnh báo các sĩ quan quân đội Venezuela nên rời bỏ ông Maduro từ cuối tuần này, “nếu không sẽ bị mất tất cả”.
Đó là đòn leo thang của Mỹ, nhằm ủng hộ thủ lĩnh đối lập Juan Guaido, người tự phong là tổng thống và quyết tâm đem hàng viện trợ nhân đạo vào Venezuela, bất chấp sự cản trở của ông Maduro.
Người của ông Guaido tuyên bố họ đang sẵn sàng vượt cầu biên giới để phá cuộc phong tỏa trong ngày 23.2.
Là một nghị sĩ trong đảng Xã hội cầm quyền, ông Carvajal cũng phát một vidéo nhằm gởi thông điệp này đến ông Maduro: “Ông đã giết hàng trăm thanh niên trên đường phố để đòi lại các quyền mà ông cướp của họ. Đấy là chưa kể những người phải chết vì thiếu thuốc men và thiếu an ninh”.
Ông còn viết: “Với các tướng lĩnh, sao quí vị lại không dùng quyền cho phép hàng viện trợ nhân đạo quốc tế gởi đến nước ta để cứu người? Như thế có phải là mất tính người không? Quí vị bị thôi miên rồi sao?”.
Theo Times, những lời lẽ mạnh mẽ này vào lúc nhiều quan chức chính quyền đang tháo chạy, gồm một sĩ quan không quân cấp cao, các nhà ngoại giao, các tùy viên quân sự và các thành viên vệ binh quốc gia.
Sự quay lưng lại với chế độ của một trùm tình báo nắm giữ nhiều bí mật quốc gia như ông Carvajal tạo thêm một luồng sức ép bất ngờ lên Tổng thống Maduro, chỉ 3 ngày trước vụ xung đột về hàng viện trợ nhân đạo ở vùng biên giới giáp Colombia.
Bộ trưởng Nội vụ Reverol bị tố cáo đứng đầu Cơ quan bài trừ ma túy Venezuela lại là một tay buôn ma túy - Ảnh : New York Times
Phó Tổng thống Venezuela là “trùm ma túy ưu tú”...
Các cáo buộc của ông Cavajal cũng nhồi thêm sự căng thẳng trong tấn bi kịch: một ý chí sẵn sàng cung cấp chứng cứ, vốn có thể được dùng để xử án chính phủ Maduro, nếu chính phủ của ông bị sụp đổ.
Ông Carvajal đã thôi làm trùm tình báo Venezuela từ năm 2012 sau gần 10 năm làm việc. Theo Times, ông Cavajal vào năm 2017 đã chỉ trích Tổng thống Maduro về việc ông lập Quốc hội Lập hiến nhằm chống lại phe đối lập đã thắng trong cuộc bầu cử quốc hội Venezuela.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Carvajal kể câu chuyện hiếm có về nội bộ chính quyền chuyên tham nhũng và buôn lậu ma túy, cầm đầu là các quan chức cấp cao gồm chính ông Maduro, Bộ trưởng Nội vụ Nestor Reverol, hoặc Tareck El Assaimi, một bộ trưởng nhận chức phó tổng thống.
Ông Carvajal nói về các quan chức có thể bị truy tố hoặc bị trừng phạt ở Mỹ: “Người chống ma túy cũng là người buôn lậu ma túy”.
Các nhà điều tra Mỹ cũng xếp ông Carjaval trong đường dây quan chức buôn ma túy này. Ông đã thoát khỏi sự dẫn độ để xử tội buôn ma túy ở Aruba hồi năm 2014, và bị Bộ Tài chính Mỹ cấm vận vì giúp du kích chống chính quyền Colombia buôn cần sa.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Carvajal thừa nhận “có làm ăn với cả hai phe”. Nhưng nói bất kỳ cuộc giao dịch này với các tay buôn lậu ma túy, gồm trùm Walid Makled (người Venezuela) đều từ vai trò trùm tình báo, ông có nhiệm vụ điều tra chúng.
Ông kể có gặp các thành viên Lực lượng Cách mạng vũ trang Colombia (FARC) hồi năm 2001, nhưng ở vai trò một nhà đàm phán thuộc chính phủ, trong vụ bắt cóc một doanh nhân người Venezulea. Đó là một chuyến đi có sự phê duyệt của hai tổng thống Venezuela (lúc đó là ông Hugo Chavez) và Colombia.
Ông Carvajal quay ra tố cáo các quan chức chính phủ cấp cao khác, gồm Bộ trưởng Nội vụ Reverol, người bị Mỹ buộc tội giúp đỡ bọn buôn lậu ma túy, và là người hủy các cuộc điều tra khi là chỉ huy Cơ quan bài trừ ma túy Venezuela (ONA).
Ông Carvajal nhắc lại một sự cố năm 2012, khi ông điều tra một trang trại hạng sang ở Venezuela của trùm ma túy Makled.Ông cho biết đoàn điều tra nghe lén được một chuyến hàng khoảng 400 kg cần ca từ một máy bay nhỏ được chở đến nông trại này.
Sau khi số ma túy bị tịch thu, ông Carvajal nhận được một cú điện thoại bất thường, với nội dung quân đội đã xác minh chuyến hàng không hề chở ma túy.
Ông liền hiểu đó là kế hoàn trả “hàng” cho trùm Makled. Và khẳng định Phó Tổng thống El Aissami và Bộ trưởng Reverol “trực tiếp chịu trách nhiệm, nhận lại quả để nhắm mắt làm ngơ cho chuyện buôn lậu ma túy”.
Năm 2017, Bộ Tài chính Mỹ cấm vận Phó Tổng thống El Assaimi, gọi ông là “tay buôn ma túy ưu tú của Venezuela”.
Phó Tổng thống El Assaimi (giữa) - Ảnh : New York Times
...và lôi kéo các tay súng Hezbollah về Venezuea hợp lực với FARC
Ông Carvajal còn cáo buộc ông Reverol cho phép các máy bay chở ma túy hạ cánh, vào lúc ông này lãnh đạo ONA. Ông cũng nhớ một sự cố năm 2012, khi ông đề nghị ông Reverol báo cáo vụ phát hiện một máy bay bay thấp ở vùng ngoại ô thủ đô Caracas. Nhưng ông Reverol không làm gì, và chiếc máy bay tiếp tục bay.
Ông Carvajal nói: “Tôi dám chắc đó là một chuyến hàng ma túy siêu cỡ”.
Từ lâu, phe đối lập cũng tố cáo nhóm thân cận ông Maduro buôn lậu ma túy và giao du, kết thân với các tay súng Hezbollah. Nhưng Tổng thống Maduro đã phủ nhận rằng chính phủ ông không hề liên hệ gì với Hezbollah.
Ông Carvajal nói ông El Aissami cũng lôi kéo Hezbollah. Khi hai ông đại diện Tổng thống Chavez qua Iran năm 2009, ông El Assaimi (lúc đó là Bộ trưởng Nội vụ) đã yêu cầu nghỉ ở Syria, nơi ông có bạn bè và người thân.
Ở cuộc dừng chân này, hai ông gặp một đại diện Hezbollah và một nhà ngoại giao Venezuela có cảm tình với tổ chức vũ trang ở Lebanon này. Và ông El Assaimi đã đề nghị một kế hoạch, theo đó các tay súng Hezbollah đến Venezuela chiến đấu cùng các tay súng FARC.
Đại diện Hezbollah tặng ông El Assaimi 3 khẩu súng trường, và ông này tặng một khẩu cho ông Carvajal. Trong cuộc phỏng vấn, ông cho Times xem khẩu súng và hộ chiếu có dấu thị thực nhập cảnh của Iran và Sirya.
Tay cựu trùm tình báo Venezuela nói không biết tên của đại diện Hezbollah, nhưng nhà ngoại giao Venezuela là Ghazi Nasr al- Din, một cựu tùy viên của Sứ quán Venezuela ở thủ đô Damascus của Syria.
Năm 2008, nhà ngoại giao Al- Din bị Bộ Tài chính Mỹ cấm vận, xác nhận ông là “một cảm tình viên của Hezbollah, tạo điều kiện cho người của lực lượng này ra-vào Venezuela”, và Cục điều tra liên bang Mỹ cũng truy nã ông này vì các tội danh tương tự.
Ông Carvajal khẳng định ông phản đối với ông Maduro (lúc đó là Ngoại trưởng) về kế hoạch mời thành viên Hezbollah đến Venezuela, nhưng ông Maduro nổi tiếng chống Mỹ lại tỏ ra hào hứng với kế hoạch của ông El Assaimi.
Tổng thống “buồn” vì truyền hình “đưa tin sai”
Ông Carvajal còn kể ông đã dính líu trong một vụ tranh chấp giữa Tổng thống Maduro với tỉ phú Raul Gorin (người Venezuela).
Ông Carvajal cho biết sau khi Tổng thống Chavez qua đời năm 2013 vì bệnh ung thư, ông Maduro kế nhiệm và bất mãn về cách kênh truyền hình Globovision (của ông Gorrin) đưa tin không hay về ông.
Nên ông Maduro tỏ ý sử dụng hồ sơ tình báo do ông Carvajal tập hợp, nhằm gây sức ép ông Gorrin phải thay đổi hướng đưa tin của Globovision.
Hồ sơ gồm các thông tin về những vụ ông Gorrin đút lót các quan chức chính phủ. Sau đó không lâu, một đại diện của ông Gorrin đề nghị được “cúng” 10 triệu USD, để được hủy các cuộc điều tra..
Ông Carvajal nói ông không chấp nhận cú hối lộ này. Globovision sau đó đổi hướng thông tin theo cách ủng hộ, tán dương ông Maduro.
Times không thể liên lạc với ông Gorrin, người sau đó biến mất, bị Mỹ truy nã về tội rửa tiền và hối lộ các quan chức cấp cao, gồm một cựu Bộ trưởng Tài chính bị cáo buộc mua nhà và du thuyền hạng sang, máy bay riêng và ngựa đua.
Vĩnh Thụy (theo New York Times)