Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT-DL) Sóc Trăng lần thứ I năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 9 - 15.11.
Theo ông Trần Minh Lý, Giám đốc Sở VH-TT-DL Sóc Trăng, nhằm tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer; đáp ứng tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu sinh hoạt đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc trong khu vực ĐBSCL, tỉnh Sóc Trăng tổ chức Lễ hội Óoc Om Bóc - Đua ghe ngo khu vực ĐBSCL lần thứ VI. Đây cũng là dịp tỉnh kết hợp tổ chức Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng lần thứ I năm 2024 (gọi tắt là Lễ hội).
Lễ hội có chủ đề “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, hội nhập và phát triển”, với 5 hoạt động của Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe Ngo và 9 hoạt động của Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng lần thứ I.
Các hoạt động chính của Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực ĐBSCL lần thứ VI gồm: Chương trình khai mạc; Giải đua ghe Ngo; Lễ cúng trăng; Hội thi Lôi Protip (thả đèn nước) và trình diễn ghe Cà Hâu...
Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng lần thứ I gồm các hoạt động: Hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền (có khoảng 350 gian hàng); Hội diễn nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục các dân tộc tỉnh Sóc Trăng; giao lưu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tỉnh Sóc Trăng với các tỉnh, thành phố kết hợp công diễn nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục các dân tộc tỉnh Sóc Trăng.
Ngoài ra, tuần lễ còn có các chương trình như: Tổ chức xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam về trình diễn nhạc ngũ âm - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của người Khmer tỉnh Sóc Trăng có quy mô lớn nhất Việt Nam (số lượng 20 dàn ngũ âm, với khoảng 200 diễn viên, nhạc công tham gia trình diễn); Giải các câu lạc bộ thể dục dưỡng sinh và Gala toàn quốc năm 2024; Hội thao dân tộc; Liên hoan ẩm thực Mekong lần thứ I; trình diễn nghệ thuật ánh sáng; giới thiệu sản phẩm du lịch Sóc Trăng.
Theo ông Trần Minh Lý, Lễ hội được tổ chức theo quy mô cấp khu vực, đảm bảo phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, nội dung lễ hội phản ánh sự đa dạng, nét độc đáo về văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer Sóc Trăng và của vùng ĐBSCL. Phần nghi lễ tái hiện lại những nét văn hóa đặc sắc gắn với lịch sử của đồng bào Khmer.
Mặc dù tối 13.11 mới diễn ra chương trình khai mạc nhưng một số hoạt động của lễ hội đã diễn ra từ ngày 9.11. Điểm nhấn của lễ hội là giải đua ghe Ngo diễn ra trong 2 ngày 14 và 15.11, bao gồm cự ly 1.200m dành cho nam và cự ly 1.000m nữ.
Tính đến ngày 6.11, đã có 60 đội ghe Ngo tham dự giải, trong đó có 48 đội ghe của tỉnh Sóc Trăng (45 đội ghe nam và 3 đội ghe nữ), và 12 đội ghe đến từ các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang (8 đội ghe nam và 4 đội ghe nữ).
Đến nay, công tác chuẩn bị cho lễ hội đã cơ bản hoàn thành. Tại khán đài đường đua ghe Ngo, Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao tỉnh đã tổ chức dọn dẹp vệ sinh khu vực khán đài, sắp xếp bàn ghế đại biểu...