Thực tế chỉ ra nhiều nghị định trong ngành khai thác khoáng sản của Việt Nam hiện nay chưa phù hợp, thiếu rõ ràng, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Tình trạng này đã khiến không ít doanh nghiệp khai thác khoáng sản nhiều lần phải lên tiếng kêu khó.
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có buổi làm việc với các thành viên Ban soạn thảo Nghị định quản lý hoạt động khai thác và kinh doanh khoáng sản đểđánh giá tình hình thực tế, chỉnh sửa những điểm còn có những ý kiến tranh cãi như chưa phù hợp với thực tế, thiếu rõ ràng, gây khó khăn cho doanh nghiệp để chỉnh sửa trước khi đưa ra lấy ý kiến các bộ ngành, đơn vị chức năng để trình Chính phủ xem xét. Mục tiêu xây dựng dự thảo nhằm tạo cơ sở cho doanh nghiệp phát triển, bảo vệ môi trường, an toàn người lao động, bảo tồn tài nguyên quốc gia…
Theo Ban soạn thảo, thời gian qua, ngành công nghiệp khai thác khoáng sản đã tăng trưởng nóng về quy mô với hơn 5.000 điểm mỏ và 60 loại khoáng sản khác nhau, với khoảng 170 doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực này.
Còn theo số liệu từ Liên minh khoáng sản, Việt Nam xếp thứ 15 trên thế giới về diện tích khoáng sản, đóng góp 2,3% tổng sản lượng thiếc và 1,8% tổng sản lượng xi măng.
Riêng trong khai thác dầu thô, Việt Nam đứng thứ 7 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, khoáng sản là loại tài nguyên không tái tạo nên cần có vai trò quản lý Nhà nước để hoạt động khai thác chế biến mang tính bền vững. Nhưngcác quy định hiện hành trong ngành chỉ mới điều chỉnh hoạt động thăm dò khai thác chứ chưa điều chỉnh đến hoạt động chế biến.
Trong khi đó, khai thác khoáng sản đặc biệt là khai thác hầm lò luôn tiềm ẩn nguy cơ cao về mất an toàn (sập hầm mỏ, cháy nổ, khí mê tan, bục nước, phụt khí, ngộ độc…) chiếm tỷ lệ cao về tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trong cả nước, đặc biệt chiếm tỷ lệ cao nhất về các bệnh phổi, điếc nghề nghiệp…
Bên cạnh đó, khai thác chế biến khoáng sản cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố tác động xấu và nghiêm trọng đến môi trường và ảnh hưởng trên phạm vi sâu rộng như chiếm dụng nhiều đất, sụt lún, biến dạng bề mặt địa hình, biến đổi dòng thủy văn do đổ thải, ô nhiễm nước mặt, nước ngầm, không khí, bụi, ồn, phóng xạ, chất thải cực độc, thay đổi cảnh quan thiên nhiên, phá hủy hệ sinh thái… tác động trực tiếp và lâu dài đến sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái.
Trước thực trạng này, trước mắt, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu Vụ Công nghiệp nặng có văn bản trả lời VCCI về những ý kiến đóng góp cho dự thảo. Điểm nào chưa được thì tiếp thu chỉnh sửa hoặc bãi bỏ, quy định nào cần giữ phải có giải trình rõ ràng.
Bên cạnh đó, các Vụ, Cục thuộc Bộ Công Thương cần nhanh chóng gửi ý kiến đóng góp cho dự thảo trên cơ sở "đặt mình vào doanh nghiệp" để thấy rằng vướng mắc ở đâu, lỗ hổng chỗ nào, các tổ chức xã hội nhìn nhận đánh giá đến đâu. Ban soạn thảo cần tiếp thu những cách thức quản lý mà nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng thành công để xây dựng dự thảo cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
"Mục đích xây dựng nghị định của chúng ta là tốt nhưng cách đặt vấn đề của chúng ta vẫn chưa sát, cần phải tư duy lại và thay đổi. Luật đặt ra là quản lý có hiệu quả, tạo hành lang pháp lý bảo vệ và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển chứ không phải đẻ ra một loại giấy phép con mới để “hành doanh nghiệp”, cần phải làm rõ mục tiêu quản lý của Nghị định", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tuyết Nhung