Môi trường đang thực sự là câu chuyện đáng quan tâm ở Việt Nam lúc này. Trong thời gian qua, câu chuyện về cá chết hàng loạt ở miền Trung rồi nạn chặt phá rừng ở Tây Nguyên đã khiến chính phủ phải vào cuộc. Và đến lúc này, ngành du lịch của Việt Nam cũng bắt đầu ý thức ra được rằng chính họ cần ôxy trong lành hơn ai hết.
Du lịch Việt Nam? Thế mạnh là gì? Câu hỏi này thật dễ trả lời khi bạn đến Sa Pa, Sơn Đoòng, Hạ Long hay Phú Quốc. Vẻ đẹp tự nhiên quyến rũ và mê hoặc của Việt Nam chính là thỏi nam châm cuốn hút những du khách yêu danh lam thắng cảnh tự nhiên. Nếu không có những cảnh quan kỳ vĩ này, nền du lịch Việt Nam sẽ mất đi một thế mạnh đáng kể.
Nhưng thật không may là trong cơn lốc phát triển du lịch thì các khách sạn, khu nghỉ dưỡng cũng tạo thành cơn sốt, bành trướng về số lượng và quy mô, điều này lại là thách thức đối với môi trường.
“Du lịch là một kiểu kinh doanh tạo ra nhiều ô nhiễm. Chúng ta đưa một lượng du khách tới một khu vực mà đôi khi vượt qua sức chịu đựngcủa nó”, trang Diplomat dẫn lời ông Nguyễn Hoàng – phó giám đốc công ty Handspan Travel Indochina. Diplomat cũng đưa ví dụ là sự xói mòn, xuống cấp của Di sản tự nhiên thế giới là Vịnh Hạ Long do chính con người gây ra. Từ đó dẫn đến cảnh mô tả đáng buồn là du khách ngắm rác trong tầm với tay thay vì tung tăng bơi lội.
Vào hồi tháng 4, VOV cũng đưa ra bài viết cảnh báo về tình hình môi trường đáng lo ngại tại Vịnh Hạ Long. VOV đưa ra 2 nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm của kỳ quan đáng tự hào này. Thứ nhất, việc xử lý nguồn rác thải, nước thải sinh hoạt cũng như các chất xả thải của các nhà máy, xí nghiệp, mỏ than quanh Vịnh lâu nay đều tống thẳng xuống Vịnh trực tiếp mà không qua xử lý. Thứ hai, việc xử lý tình trạng rác từ các tàu du lịch đang trôi bềnh bồng trên Vịnh, chưa kể ở ngay những chỗ tắm biển tình trạng khách du lịch thiếu ý thức, người buôn bán vẫn vô tư xả rác hằng ngày hằng giờ.
Nếu tình trạng này ở Hạ Long hay bất kỳ các điểm du lịch nào tại Việt Nam không được cải thiện thì sẽ giết chết ngành du lịch. “Theo một cuộc khảo sát của Condé Nast Traveler, 93% có ý kiến cho rằng các khách sạn phải đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường nơi họ hoạt động", Noel Cameron, giám đốc khu vực của chuỗi Minor Hotel, bao gồm Anantara Hoi An Resort nói. "58% cho rằng sự lựa chọn của họ bị tác động bởi chuyện đó".
Bà Võ Phương Thảo, quản lý tiếp thị và truyền thông của Paradise Cruises giải thêm: “Giờ đây, du lịch xanh không đơn thuần là việc khuyến khích bảo vệ môi trường mà nó còn là yếu tố để ghi điểm trong việc lôi kéo du khách”. Và để quảng bá và hỗ trợ cho du lịch xanh, một số công ty du lịch đã có những đầu tư thiết thực để bảo vệ môi trường. Chẳng hạn, một số tàu du lịch hạng sang sử dụng hệ thống xử lý nước thải ngay trên tàu chứ không xả thẳng ra biển. Hay họ tung ra chiêu quảng bá là sẽ mỗi đêm mà du khách ở lại khách sạn thì họ sẽ trích 1 USD tiền phòng cho môi trường. Độc đáo hơn là có cả đơn vị tổ chức tour du lịch xanh mà việc du khách tham gia bỏ rác vào thùng sẽ được giảm giá 30%.
Những động thái như vậy nói lên điều gì? Chính là việc các khách sạn, resort quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, điều nàysẽ giúp du khách có thiện cảm và tin cậy hơn. Các du khách không muốn đến một nơi môi trường có vấn đề và họ cũng không muốn mình góp phần làm môi trường nơi họ chuẩn bị tới thêm tồi tệ.
Tuy nhiên, đây chỉ là chuyện “đầu ngọn” chứ nó không giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Đó là việc mà các cơ quan chức năng ngành du lịch cần làm chứ không thể chỉ là các khách sạn. Các cơ quan cần có trách nhiệm liên hệ, liên kết các nguồn nhân lực, vật lực để phát huy hiệu quả. Diplomat ví dụ rằng các công ty khai thác du lịch có nguồn lực tài chính nhưng họ thiếu nhân lực, còn các tổ chức NGOs về môi trường thì có nhân lực nhưng lại thiếu nguồn lực. Nếu muốn họ gặp nhau và phối hợp hiệu quả thì cần có sự liên kết.
Và các cơ quan ngành du lịch phải tích cực tiếp nhận có hiệu quả sự giúp đỡ từ quốc tế. Theo Diplomat, Liên minh bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) và Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) đã có những động thái giúp đỡ Việt Nam trong việc tìm kiếm “sự cân bằng giữa phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường có hiệu quả”.
Ông Nguyễn Hoàng cũng nói tâm huyết rằng: “Hiệu ứng tiêu cực thì chưa thấy rõ lúc này nhưng sẽ đến trong tương lai. Mọi người vẫn đến Việt Nam nhưng họ sẽ không bao giờ quay trở lại. Nó sẽ tác động trong tương lai không xa nếu chúng ta không làm gì cả. Chúng ta phải hành động, ngay bây giờ.
Những người hoạt động trong ngành công nghiệp du lịch đã hiểu ra vấn đề sống còn từ môi trường và đang kêu gọi sự hợp tác giữa các ngành để giải quyết các vấn đề. Câu hỏi đặt ra vẫn là: Ai sẽ kết nối sự hợp tác và đảm bảo việc bảo vệ môi trường được thực hiện trước khi quá muộn?.
Anh Tú (lược dịch từ Diplomat)