Ngày 18.10, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM phối hợp Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri góp ý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) và Luật Việc làm (sửa đổi) năm 2024.
Thị trường và chính sách

Đề xuất tăng tỉ lệ hưởng trợ cấp thất nghiệp

Tú Viên 18/10/2024 16:50

Ngày 18.10, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM phối hợp Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri góp ý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) và Luật Việc làm (sửa đổi) năm 2024.

Tại buổi tiếp xúc, ông Trần Thanh Sơn, Trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH May mặc Song Ngọc (quận Bình Tân, TP.HCM) có ý kiến sửa đổi khoản 2, điều 95 Luật Việc làm (sửa đổi) quy định về mức, thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Theo đó, để tránh tình trạng người lao động lợi dụng khi làm đủ 12 tháng thì xin nghỉ để hưởng trợ cấp thất nghiệp, cũng như khuyến khích người lao động làm việc, ông đề xuất thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Theo ông Sơn, cứ đóng đủ 12 tháng thì được hưởng 1,5 tháng trợ cấp thất nghiệp; sau đó cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa một lần không quá 12 tháng, cộng dồn không quá 18 tháng.

Bên cạnh đó, đề xuất bỏ điểm d, khoản 1, điều 94 và sửa theo hướng người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu thì được nhận 30% tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng không quá 18 tháng, bao gồm cả thời gian nhận bảo hiểm thất nghiệp trước đó.

Ngoài ra, người lao động khi đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp là do chưa có việc làm phù hợp hoặc đang thử việc, chưa giao kết hợp đồng. Người lao động cần phải kiếm việc làm tạm thời để trang trải cuộc sống, nên việc tháng nào cũng phải đi thông báo trực tiếp trong thời đại 4.0 theo ông Trần Thanh Sơn là không phù hợp, theo như khoản 1, điều 98 quy định Thông báo về việc tìm kiếm việc làm.

Theo ông Đặng Huy Cường, đại diện NLĐ Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam, nếu NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc bị sa thải thì không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Trường hợp NLĐ buộc phải đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc bỏ việc do mâu thuẫn công việc, không khí căng thẳng mà không được sự chấp thuận từ người sử dụng lao động, họ cần được xem xét hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.

“NLĐ đã đóng 1% bảo hiểm thất nghiệp trong suốt quá trình làm việc. Khi đến tuổi hưu, họ nên được nhận trợ cấp thất nghiệp tương tự như hình thức nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần”, ông Cường nói.

Đồng thời ông Cường cũng đề nghị mở rộng đối tượng được vay vốn. Ngoài những trường hợp khó khăn như người khuyết tật, người dân tộc thiểu số và hộ nghèo đã được quy định, cần bổ sung thêm đối tượng là những lao động trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

“Cụ thể là các gia đình có hai vợ chồng nuôi con ăn học nhưng chỉ có một người đi làm, hoặc những lao động là trụ cột gia đình phải chăm sóc cha mẹ già, thu nhập không đủ sống trong điều kiện sinh hoạt bình thường”, ông Cường nhấn mạnh và đề xuất thêm việc áp dụng cho vay hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhằm mở rộng quyền lợi cho những người gặp khó khăn tương tự.

Phát biểu kết thúc hội nghị, ông Hà Phước Thắng, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM ghi nhận những ý kiến trên là rất xác đáng, phản ánh đúng những trăn trở và khó khăn mà NLĐ đang gặp phải trong thực tế.

“Thay mặt Đoàn ĐBQH TP.HCM và LĐLĐ TP, chúng tôi sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến quý báu này, tổng hợp lại để báo cáo, thảo luận và đóng góp ý kiến vào quá trình sửa đổi Luật Công đoàn và Luật Việc làm”, ông Thắng cho hay.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
5 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề xuất tăng tỉ lệ hưởng trợ cấp thất nghiệp