Đêm 12.12 vừa qua, tại Nhà hát lớn Hà Nội, những nghệ nhân "chân đất" của âm nhạc dân gian các dân tộc Việt Nam kết hợp ngoạn mục với những nghệ sĩ tài ba đã hội tụ về đây và đã tạo nên một ấn tượng không thể tuyệt hơn trong lòng khán giả dù đó có là các vị hàn lâm bác học trong âm nhạc hay người dân thường ít kiến thức âm nhạc nhất.

'Đêm vô thức bản địa': Càng tuyệt vời, lại càng thêm buồn cho cách làm văn hoá kiểu nhà nước

14/12/2017, 18:34

Đêm 12.12 vừa qua, tại Nhà hát lớn Hà Nội, những nghệ nhân "chân đất" của âm nhạc dân gian các dân tộc Việt Nam kết hợp ngoạn mục với những nghệ sĩ tài ba đã hội tụ về đây và đã tạo nên một ấn tượng không thể tuyệt hơn trong lòng khán giả dù đó có là các vị hàn lâm bác học trong âm nhạc hay người dân thường ít kiến thức âm nhạc nhất.

Ý tưởng Dàn Nhạc Bản Địa Việt Nam được ấp ủ và thai nghén bởi nghệ sĩ Nguyễn Nhất Lý, trên tầm nhìn và hành trình kiến thiết một dàn nhạc lớn quy tụ khí nhạc đặc trưng của các dân tộc không chỉ có Việt Nam mà sẽ là của cả các dân tộc thuộc khu vực Đông Nam Á, tên gọi S.E.A SOUND, viết tắt từ ‘South East Asian Sound’. Dự án S.E.A SOUND do Lune Production đầu tư thực hiện nhằm góp phần tạo dựng và vun đắp một không gian cộng đồng Đông Nam Á đam mê âm nhạc bản địa, giao lưu chia sẻ và không ngừng phát triển.
Đêm vô thức bản địa (giám đốc âm nhạc Nguyễn Mạnh Tiến) là thành quả nghiên cứu và lao động sáng tạo miệt mài của tập thể hơn 50 thành viên dàn nhạc Seaphony mà dự án S.E.A Sound lao tâm khổ tứ cả năm trời tụ hội và luyện tập.
Họ là những nghệ nhân âm nhạc dân gian của hàng chục dân tộc ở khắp mọi miền Bắc- Trung - Nam được hội ngộ theo lời mời do nghệ sĩ Nhất Lý đi đến tận nơi . Ông là người còn mang một niềm khao khát cháy bỏng hơn, sau những thành công được coi là dạo đầu này (nhờ sự giúp sức về tài chính và kỹ thuật của nhà sản xuất Lune), ê kíp của ông sẽ đi một bước tiếp rất ấn tượng. Đó là việc sẽ kết hợp với 10 nước Đông Nam Á xây dựng một dàn nhạc hoành tráng hơn bởi một điều rất đơn giản: Có nhiều dân tộc ở các nước này rất giống nhau do có cùng nguồn cội. Sự tương đồng này phải chăng sẽ giúp ông gây dựng nên một ngôi nhà chung về âm nhạc dân gian Seaphony trong những năm tới?

Đêm vô thức bản địa quả thật là nó vô cùng đáng xem. Cũng thật cảm động bởi rất nhiều cảm xúc được hoà quyện lẫn lộn trong tôi về chương trình ca nhạc dân gian vô cùng hy hữu nói trên. Tôi tin rằng dàn nhạc này mà đi ra với thế giới, người Việt sẽ được cả thế giới ngả mũ kính chào!
Với một lối suy nghĩ dí dỏm nhưng có lẽ cũng rất chung của các nhạc sĩ theo đuổi dự án trên như nhạc sĩ Đặng Tiến Đạt khi anh xây dựng tiết mục "Tĩnh" trong chương trình. Anh nói rằng: "Âm nhạc hay văn hoá là dòng sông bất tận, không phải là thứ để đặt vào trong lồng kính. Người trẻ phải gầy dựng, phát triển thế nào để dòng sông ấy tiếp tục chảy".
Sinh ra và trưởng thành trong cái nôi nghệ thuật, Tiến Đạt định hướng rõ con đường mình theo đuổi là gắn bó với âm nhạc nước nhà. Với bản lĩnh âm nhạc, anh nhanh chóng hình thành ý tưởng và cách thức tiếp cận mới với Seaphony: kết hợp các bộ hơi thuộc nhiều vùng miền khác nhau như sáo, đinh pút, sáo Mông,... thành "tiếng nói chung" để mọi người cùng “tĩnh".
"Tĩnh" đòi hỏi khán giả phải trống rỗng, thư thái và thả lỏng thì mới cảm nhận được rõ nét sự rung động của âm thanh nguyên bản, từ tĩnh lặng tới khi vùng lên để phát triển"...
Tôi cũng có cảm nhận như vậy dù lỗ tai âm nhạc của mình còn nhiều hạn chế! Cái hay của âm nhạc dân gian phải chăng cũng là thế?
Tôi thật sự xúc động khi được biết, nhiều nghệ nhân trong họ còn chưa biết chữ Việt ( tuy cũng lại có nghệ nhân người Gia Lai, anh rất thông thạo tiếng Anh) ... Thế nhưng những điệu hát, tiếng khèn, tiếng trống ,tiếng sáo, tiếng K lông pút... của vài chục dân tộc trong mái nhà chung Việt Nam ấy vang lên trên sân khấu Nhà hát lớn, sao mà nó huyền ảo và kỳ diệu đến thế!
Sao tôi nghe họ đàn, hát mà cứ tưởng như của Một Dân tộc và chỉ Một Dân tộc Việt Nam. Nó rất hoà quyện! Rất thuyết phục!
Tôi tự hỏi, tại sao một ý tưởng hay và ý nghĩa như vậy mà nhà nước ta (cụ thể là bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch không mạnh dạn phối hợp đầu tư thành một chương trình đầy ý nghĩa chính trị về tinh thần Đại đoàn kết dân tộc ? Nó thật tuyệt vời, tuyệt vời tới mức kỳ lạ này thì quả là uổng phí thật sự !).
Họ đã làm thay ngành văn hoá của chúng ta một cách rất hãnh diện, không đòi hỏi điều gì về góc độ kinh tế.
Một bản "giao hưởng hợp xướng" thật sự đầy tính dân tộc. Khi nó được cất lên, tôi thấy thật tự hào . Họ được các nhạc sĩ phối khí, hoà âm cực kỳ tinh tế. Tôi cữ ngỡ trong 54 dân tộc của Việt Nam ấy, với cách chỉ huy tài tình của người nhạc sĩ, họ chỉ còn là một dân tộc Việt mà thôi!
Thật buồn cho ngành văn hoá nước nhà. Họ tiêu tiền như nước lâu nay nhưng có vẻ chưa đủ tầm nhìn. Kiểu như ngày nào có một vị lãnh đạo bộ khi ông mới nhậm chức. Lúc ông xuống tỉnh Hải Dương thăm ngành thể thao, đã bị nói hớ vì bộc lộ lỗ hổng kiến thức, không biết một ngành truyền thống có tên Chu Đậu nó là thứ gì khiến cả hội trường được một phen cười té ghế. Và có thể vì vậy mà họ không tự nghĩ ra được những chương trình tương tự cho dân ta thưởng thức và đưa những đoàn nghệ thuật dân gian đó đi nước ngoài để làm công tác Đối ngoại Nhân dân chính bằng văn hoá,văn nghệ thì tốt biết bao!
Bạn tôi , nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Nguyễn Hùng Vỹ, một người luôn đắm đuối với văn nghệ dân tộc đã phải thốt lên sau khi dự thưởng thức đêm diễn của những nghệ nhân chân đất ấy rằng, đã nhiều chực năm nay chưa có một chương trình nào mà anh từng xem mà từ người bình dân cho đến đám bác học, lại đều có thể thốt lên sự trầm trồ thán phục đến thế!
Những tràng vỗ tay kéo dài gần phút sau mỗi tiết mục đã nói thay tất cả những gì tôi nói mà chưa hết. Hơn thế, chương trình biểu diễn đã kết thúc được gần 30 phút mà phần đông khán giả vẫn chưa rời ghế vì còn muốn được giao lưu cùng các nghệ nhân và nghệ sỹ. Tiếng vỗ tay lúc này vẫn như lúc họ biểu diễn...
Một ê kíp dàn dựng tài năng nói trên, họ chính là những nghệ sĩ văn hoá đang thực hiện tinh thần Đại đoàn kết dân tộc mà rất khó ai so được.
Không hiểu sau chương trình nói trên, các nhà lãnh đạo văn hoá và ngoại giao nước nhà họ sẽ nghĩ sao? Thật sự là chương trình nói trên càng tuyệt vời bao nhiêu thì lại thấy buồn cho cung cách làm văn hoá của nhà nước mình bấy nhiêu!
Chúng ta hãy nên biết ơn và trân trọng những nghệ sĩ và nghệ nhân nói trên. Trên năm chục con người ấy, họ đã và đang làm thay công việc của 6 bộ ngành về công tác Đối ngoại Nhân dân thông qua văn nghệ đó, các vị có biết không? Đó là các bộ, ngành : Bộ Văn hoá, Thể thao, Du lịch, Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương ,Ban Tuyên giáo Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Liên hiệp các Tổ chức Hoà bình hữu nghị VN. Riêng cá nhân tôi, tôi thành thật chịu ơn họ bởi chính họ giúp tôi càng hiểu thêm được một điều: "Nước Việt Nam ta là một, Dân tộc Việt Nam ta là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn. Song chân lý đó không bao giờ thay đổi !" (Lời Hồ Chủ tịch).
Quốc Phong. Ảnh: Hoàng Giang Huy
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chủ tịch nước Lương Cường dâng hương tại Hoàng thành Thăng Long
33 phút trước Sự kiện
Sáng 19.1, Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân cùng đại diện lãnh đạo các bộ ban ngành trung ương, thành phố Hà Nội, và gần 100 đại biểu kiều bào thực hiện nghi lễ dâng hương tại điện Kính Thiên ở Hoàng thành Thăng Long để thành kính tưởng nhớ đến các thế hệ cha ông đã chiến đấu, hy sinh gìn giữ, bảo vệ non sông nước Việt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Đêm vô thức bản địa': Càng tuyệt vời, lại càng thêm buồn cho cách làm văn hoá kiểu nhà nước