Mục tiêu 100% tỉnh thành trên cả nước cam kết tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp theo tinh thần của Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của chính phủ gần như đã hoàn tất. Nó sẽ tạo ra chuỗi liên kết dọc trong nền kinh tế, trong đó bất cứ một động thái cải cách kinh tế nào từ chính phủ cũng có thể nhanh chóng lan tỏa xuống các địa phương một cách dễ dàng.

Địa phương ký cam kết hỗ trợ doanh nghiệp: Hoàn tất chuỗi liên kết dọc trong nền kinh tế?

Nhàn Đàm | 29/09/2016, 07:01

Mục tiêu 100% tỉnh thành trên cả nước cam kết tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp theo tinh thần của Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của chính phủ gần như đã hoàn tất. Nó sẽ tạo ra chuỗi liên kết dọc trong nền kinh tế, trong đó bất cứ một động thái cải cách kinh tế nào từ chính phủ cũng có thể nhanh chóng lan tỏa xuống các địa phương một cách dễ dàng.

Một sự kiện đáng chú ý vừa diễn ra là việc lãnh đạo 21 tỉnh thành phía Bắc và miền Trung đã ký cam kết về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chiều22.9. Trước đó gần một tháng, một cuộc ký cam kết tương tự cũng đã diễn ra với sự tham gia của lãnh đạo 32 tỉnh, thành phố phía Nam vào ngày 24.8.

Nói cách khác, mục tiêu 100% tỉnh thành trên cả nước cam kết tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp theo tinh thần của Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của chính phủ gần như đã hoàn tất. Có thể thấy, đây không đơn thuần là một động thái hỗ trợ theo tinh thần của đề án “Quốc gia khởi nghiệp” trong đó từ trung ương đến địa phương đều có nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp thành lập và hoạt động, khi nội dung cam kết của từng tỉnh thành là khác nhau.

Mục tiêu quan trọng nhất, là nó tạo ra chuỗi liên kết dọc trong nền kinh tế, trong đó bất cứ một động thái cải cách kinh tế nào từ chính phủ cũng có thể nhanh chóng lan tỏa xuống các địa phương một cách dễ dàng.

Một trong những tác dụng dễ nhận thấy của việc hầu hết các tỉnh thành trên cả nước đã ký cam kết hỗ trợ doanh nghiệp với VCCI, đó là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong quá trình thành lập và hoạt động theo đúng với chương trình kích thích khởi nghiệp của chính phủ. Nhưng, nó không đơn thuần dừng lại ở đó.

Nội dung mà các địa phương ký cam kết với VCCI có những sự điều chỉnh nhất định tùy thuộc vào đặc điểm riêng của từng tỉnh thành một cách linh hoạt, chẳng hạn như một số tỉnh thành phía Bắc vốn không thuận lợi về thu hút đầu tư chỉ cam kết số lượng doanh nghiệp thành lập mới một cách khá khiêm tốn (theo CafeF); trong khi đó các tỉnh phía Nam có nhiều thuận lợi hơn thì cả 32 tỉnh thành đã tham gia lễ ký cam kết cách đây một tháng đều đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ tăng gấp đôi số lượng doanh nghiệp so với hiện tại (theo The Saigon Times).

Có thể thấy, tinh thần chung của lễ ký cam kết của các tỉnh thành trên cả nước này là sẽ tạo điều kiện tối đa cho hoạt động của doanh nghiệp, còn mức độ đến đâu là tùy thuộc vào điều kiện riêng của từng địa phương.Và đó mới là điều quan trọng nhất.

Trên thực tế, phát triển doanh nghiệp về số lượng không phải là điểm mạnh cũng như mục tiêu ưu tiên của các địa phương trên cả nước, khi mà đa số doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế chỉ tập trung tại một số thành phố trung tâm lớn. Theo thống kê, ở thời điểm hiện tại, Hà Nội hiện đang có trên 200.000 doanh nghiệp hoạt động, còn ở TP.HCM là khoảng gần 250.000 (theo The Saigon Times), nghĩa là chỉ có khoảng 50.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại các tỉnh thành phố còn lại trên cả nước mà thôi.

Bản thân chính quyền thành phố Hà Nội và TP.HCM đều đang triển khai các giải pháp cần thiết để đưa hai thành phố đầu não này trở thành những trung tâm khởi nghiệp năng động nhất, theo kế hoạch đến năm 2020 cả hai thành phố này sẽ tăng gấp đôi số doanh nghiệp so với hiện nay, tức chiếm tới 90% số doanh nghiệp theo mục tiêu đặt ra đến năm 2020 là Việt Nam sẽ có khoảng 1 triệu. Gánh nặng thành lập mới các doanh nghiệp, vì thế sẽ không đặt nặng trên vai các địa phương còn lại trên cả nước.

Vì thế, điều quan trọng nhất mà các địa phương trên cả nước cần thực hiện, là tạo ra chuỗi liên kết dọc trong nền kinh tế, nơi không chỉ có mối liên kết về kinh tế giữa các địa phương với nhau, mà còn là liên kết dọc kết nối với trung ương. Một tình trạng khá phổ biến trong nền kinh tế Việt Nam những năm vừa qua là việc thiếu kết nối cả hàng dọc lẫn hàng ngang một cách khá trầm trọng.

Hầu hết các chính sách kinh tế quan trọng nhất do chính phủ đề ra đều được triển khai chậm chạp và thiếu hiệu quả tại nhiều địa phương, hay tình trạng “trên bảo dưới không nghe” diễn ra một cách khá phổ biến. Một phần nguyên nhân là do khách quan, khi trong những năm vừa qua mỗi địa phương là một pháo đài riêng và khá cô lập xét trên phương diện kinh tế; tăng trưởng kinh tế tại các tỉnh thành thời gian vừa qua phần lớn do chính quyền địa phương tự hoạch định và tiến hành dù nguồn vốn được cấp phát từ trung ương hay tự huy động thông qua thu hút đầu tư.

Khi kinh tế tư nhân chưa thực sự được quan tâm cũng như chưa trở thành yếu tố nòng cốt, thì việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh một cách đồng bộ tại các tỉnh thành là điều khó có thể xảy ra. Nhưng giờ đây, khi khu vực kinh tế quốc doanh đã thu hẹp lại, và chính phủ khuyến khích kinh tế tư nhân và khởi nghiệp, thì việc tạo ra chuỗi liên kết theo hàng dọc, trong đó các tỉnh thành phải tuân thủ các yêu cầu từ chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, là điều cần thiết phải thực hiện.

Đó là lý do vì sao trong bản cam kết hỗ trợ doanh nghiệp được ký kết trong thời gian vừa qua, các địa phương được quyền điều chỉnh nội dung sao cho phù hợp với điều kiện riêng của mình, về số lượng doanh nghiệp mới thành lập cũng như các hỗ trợ riêng về chính sách. Yêu cầu duy nhất của chính phủ là các địa phương ban hành chương trình hành động của mình theo đúng tinh thần của Nghị quyết 35 về hỗ trợ doanh nghiệp mà thôi.

Ngoài ra, để đảm bảo các địa phương thực hiện đúng với cam kết của mình, sẽ có những đơn vị chịu trách nhiệm giám sát và hỗ trợ các tỉnh thành thực hiện cam kết, như VCCI. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng tuyên bố về việc xiết chặt giám sát đối với các địa phương: “Nghị quyết đã có rồi, không phải nói chơi. Thủ tướng cũng đã thành lập tổ giám sát việc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng và các phó thủ tướng để khắc phục tình trạng trên bảo dưới không nghe. Các tỉnh cũng phải như vậy”.

Tuy nhiên, chuỗi liên kết dọc giữa trung ương và các địa phương mới chỉ là điều kiện cần, chưa phải là điều kiện đủ để có thể thúc đẩy cải cách nền kinh tế một cách toàn diện.

Việc thiết lập chuỗi liên kết dọc chỉ mới đóng vai trò bộ khung sườn của nền kinh tế, đảm bảo sự thông suốt trong nền kinh tế mà thôi. Còn hiệu quả vận hành đến đâu còn phải tùy thuộc vào các chính sách kinh tế do trung ương ban hành có thực sự mang tính đột phá hay không.

Nhàn Đàm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Địa phương ký cam kết hỗ trợ doanh nghiệp: Hoàn tất chuỗi liên kết dọc trong nền kinh tế?