Sáng 21.1, tại TP.Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Liên minh nghị viện Pháp ngữ (APF), Tổng giám đốc Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ OIF và nhiều nhà lãnh đạo Quốc hội, nghị viện quốc tế dự Hội nghị Ban Chấp hành APF và Diễn đàn Nghị viện hợp tác Pháp ngữ về nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Sự kiện

Diễn đàn nghị viện hợp tác Pháp ngữ về nông nghiệp bền vững

Văn Kim Khanh 21/01/2025 12:38

Sáng 21.1, tại TP.Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Liên minh nghị viện Pháp ngữ (APF), Tổng giám đốc Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ OIF và nhiều nhà lãnh đạo Quốc hội, nghị viện quốc tế dự Hội nghị Ban Chấp hành APF và Diễn đàn Nghị viện hợp tác Pháp ngữ về nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu.

man-1.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Ảnh: Trung Phạm

Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF) là tổ chức liên nghị viện quy tụ 91 nghị viện/cơ quan lập pháp các quốc gia và các vùng lãnh thổ có sử dụng tiếng Pháp. Được thành lập vào tháng 5.1967 với mục tiêu đại diện ý chí và nguyện vọng của các dân tộc trong Cộng đồng Pháp ngữ bên cạnh các thể chế hành pháp của Cộng động, APF là cơ quan nghị viện tham vấn của Cộng đồng Pháp ngữ.

Hội nghị diễn ra từ ngày 21 đến 24.1, do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức nhằm triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng, thực hiện Chỉ thị 25 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương.

APF hoạt động theo cơ chế: Đại hội đồng thường niên vào tháng 7, Hội nghị Ban Chấp hành vào cuối tháng 1; bốn Ủy ban: Chính trị, Giáo dục và Văn hóa, Các vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường, các vấn đề nghị viện, hai Mạng lưới: Nữ nghị sĩ, Nghị sĩ trẻ bốn khu vực: châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, châu Á-Thái Bình Dương.

Việc Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành APF và Diễn đàn Nghị viện hợp tác Pháp ngữ về nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm triển khai cụ thể cam kết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 diễn ra tại Thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp vào tháng 10.2024 về thúc đẩy chủ nghĩa đa phương để giải quyết các vấn đề mang tầm khu vực và toàn cầu, tăng cường hợp tác kinh tế và thúc đổi mới sáng tạo, gắn với bảo vệ môi trường của các quốc gia trong cộng đồng Pháp ngữ.

man-4.jpg
Quang cảnh hội nghị - Ảnh: Trung Phạm

Tổ chức sự kiện dịp này tại TP.Cần Thơ khẳng định cam kết chủ động, tích cực tham gia có trách nhiệm các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương của Việt Nam; tiếp tục phát huy vai trò và vị thế của Việt Nam, Quốc hội nước ta tại các cơ chế hợp tác nghị viện khu vực và thế giới, qua đó góp phần thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao chung của Nhà nước vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

Diễn đàn Nghị viện hợp tác Pháp ngữ về nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực, ứng phó biến đổi khí hậu, nhằm tăng cường trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn và phát huy vai trò của các nghị sĩ Pháp ngữ trong giải quyết các vấn đề toàn cầu và các vấn đề thời sự đặc biệt được quan tâm trong Cộng đồng Pháp ngữ.

Theo chương trình, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch APF, Tổng giám đốc Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ OIF và một số khách mời đặc biệt của nước chủ nhà sẽ có bài phát biểu tại phiên khai mạc.

Diễn đàn Nghị viện hợp tác Pháp ngữ về nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và ứng phó với biến đối khí hậu sẽ có ba phiên thảo luận với các chủ đề: Hợp tác giữa các nước Pháp ngữ trong lĩnh vực Nông nghiệp bền vững; Cộng đồng Pháp ngữ với vấn đề An ninh lương thực; Chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia và hợp tác quốc tế trong Ứng phó với biến đổi khí hậu.

man-2.jpg
Lãnh đạo khối Pháp ngữ đến từ Châu Phi - Ảnh: Trung Phạm

Hội nghị dự kiến thông qua Tuyên bố Cần Thơ ghi nhận ý kiến của các đại biểu tham dự trong việc thúc đẩy vai trò của Cộng đồng Pháp ngữ chung và của hợp tác nghị viện Pháp ngữ nói riêng trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và ứng phó với biến đối khí hậu.

Mục tiêu của APF là góp phần lan tỏa ngôn ngữ tiếng Pháp; thúc đẩy dân chủ, Nhà nước pháp quyền và quyền con người, đặc biệt là trong Cộng đồng Pháp ngữ; trao đổi, thảo luận các vấn đề quan tâm, những vấn đề về thời sự chính trị quốc tế và chuyển các kiến nghị, đề xuất phù hợp tới các cơ quan có thẩm quyền của Cộng đồng Pháp ngữ; thúc đẩy hợp tác và tăng cường tình đoàn kết trong Cộng đồng Pháp ngữ hướng tới phát triển bền vững; tăng cường hợp tác quốc tế của nghị sĩ; góp phần phát triển và hiểu biết lẫn nhau về văn hóa, hỗ trợ sự phát triển giáo dục và đào tạo bằng tiếng Pháp trên toàn thế giới.

Việt Nam là thành viên có vai trò chủ chốt của Pháp ngữ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Quốc hội Việt Nam chủ động và có trách nhiệm của APF thông qua những hoạt động tích cực và đăng cai một số Hội nghị cấp Ủy ban/Mạng lưới của APF.

Với những hoạt động tích cực trên kênh nghị viện, kể từ năm 1997, Chủ tịch Phân ban Việt Nam trong APF được các thành viên APF tín nhiệm cao, liên tục bầu giữ vị trí Phó Chủ tịch APF.

Ban Chấp hành APF nhiệm kỳ 2024-2026 gồm 33 thành viên, trong đó có chín Chủ tịch Quốc hội/Nghị viện; ba Phó Chủ tịch Quốc hội/Nghị viện; là cơ chế điều hành của APF.

Hội nghị đầu năm là một trong hai cơ chế quan trọng nhất của APF (sau Đại hội đồng tháng 7), chú trọng các nội dung trao đổi thông qua việc thảo luận về tình hình thời sự trong Cộng đồng Pháp ngữ, xây dựng chương trình hoạt động trong năm của APF, thông qua ngân sách và các chương trình hợp tác liên nghị viện.

man-3.jpg
Chủ tịch quốc hội Trần Thanh Mẫn và các quan khách - Ảnh: Trung Phạm

Ban Tổ chức cho biết: Tham dự hội nghị có hơn 120 đại biểu là khách quốc tế đến từ 70 quốc gia.

Thời gian qua, UBND thành phố Cần Thơ tích cực chuẩn bị các công tác tổ chức, hậu cần, lựa chọn các mô hình tiêu biểu để Đoàn đại biểu APF đến tham quan như: Nhà máy thuộc Công ty Trung An với dây chuyền chế biến, xuất khẩu gạo; Hợp tác xã New Green Farm với mô hình sản xuất phân bón hữu cơ từ rơm rạ, mô hình cánh đồng lớn kết hợp kỹ thuật “1 phải 5 giảm”, tưới ngập - khô xen kẽ, xử lý rơm rạ để giảm hiệu ứng nhà kính; khu sinh thái Sông Hậu Farm (thuộc Nông trường Sông Hậu).

Với mục tiêu để lại ấn tượng đẹp đối với các đại biểu tham dự hội nghị, Khu sinh thái Sông Hậu Farm đã làm tốt mọi công tác chuẩn bị, sẵn sàng cho sự kiện chính trị quan trọng này.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Thụy Sĩ tham dự Hội nghị WEF Davos
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Hội nghị WEF Davos lần thứ 55 mang chủ đề “Hợp tác trong kỷ nguyên thông minh” có sự tham dự của khoảng 3.000 lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế và các tập đoàn hàng đầu thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Diễn đàn nghị viện hợp tác Pháp ngữ về nông nghiệp bền vững