Theo Cục Chăn nuôi, các doanh nghiệp nhập khẩu thức ăn chăn nuôi có chung vận đơn nguyên liệu phải cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, chủ hàng trước khi tàu cập cảng Việt Nam gửi đơn vị kiểm tra tiến hành phương án kiểm tra chung cho tàu hàng.
Tại hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp (DN) về dự án Luật Chăn nuôi (sửa đổi) mới đây, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu thức ăn chăn nuôi đã “kêu trời” vì mất quá nhiều chi phí và thời gian cho thủ tục kiểm tra chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ông Lê Giang (Công ty TNHH Vĩnh An) cho biết đã mất gần 1 tỉ đồng trong vòng gần 4 năm chỉ để chi phí cho việc kiểm nghiệm chất lượng thức ăn chăn nuôi. Nguyên nhân là chi phí lưu kho, lưu bãi quá lớn, Nếu cải cách được vấn đề này sẽ giảm ngay được hàng trămtỉ đồng chi phí kiểm nghiệm cho doanh nghiệp.
Hơn thế nữa, doanh nghiệp này cho biết chi phí kiểm tra còn tính trên giá trị lô hàng. Chi phí kiểm tra độ đạm mất khoảng 350.000 đồng/lần, nhưng cơ quan quản lý thu phí tính trên giá trị lô hàng, ví dụ lô hàng trị giá nửa triệu USD mất khoảng 9 triệu đồng tiền phí.
Mặt khác, cùng một con tàu, cơ quan quản lý chỉ lấy 1 - 2 mẫu, tuy nhiên tàu đó chở hàng cho khoảng 60 chủ hàng thì vẫn lấy phí của tất cả 60 chủ hàng đó, nhiều trường hợp chi phí cả tàu lên tới 1 tỉ đồng.
Thời gian kiểm tra thực tế kéo dài đến 48 tiếng, thậm chí có trường hợp kéo dài 72 tiếng, tức 3 ngày.Bên cạnh đó, tình trạng kiểm tra chồng chéo. Cùng một mặt hàng nguyên liệu phải chịu sự kiểm tra của cơ quan quản lý chất lượng, cơ quan kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật…
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay việc kiểm tra mặt hàng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu đang được thực hiện rất tốt. Đó là áp dụng chủ trương xã hội hóa các dịch vụ công và áp dụng cơ chế giá cạnh tranh để các doanh nghiệp có thể nhận được các dịch vụ tốt nhất cả về thủ tục, thời gian và chi phí kiểm tra.
“Thay vì để một đơn vị độc quyền kiểm tra, hiện nay hoạt động kiểm tra, xác nhận chất lượng mặt hàng thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định cho 10 đơn vị có đủ điều kiện tham gia hoạt động này. Các đơn vị này phân bố đều từ miền Bắc, miền Trung, miền Nam nhằm tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp nhập khẩu lựa chọn đơn vị kiểm tra”, Cục Chăn nuôi cho hay.
Theo Cục này, việc áp dụng chế độ miễn, giảm và đăng ký kiểm tra, xác nhận chất lượng mặt hàng thức ăn gia súc, gia cầm nhập khẩu đang được áp dụng 100% trên Cổng Thông tin hải quan một cửa quốc gia với cấp độ 4, được Tổng cục Hải quan đánh giá là mặt hàng đang được quản lý phù hợp và tích cực nhất đến thời điểm hiện tại.
Về ý kiến phản ánh của doanh nghiệp về thời gian và chi phí kiểm tra chất lượng mặt hàng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu gây tốn kém cho doanh nghiệp, Cục Chăn nuôi cho biết đã cho tiến hành ngay việc kiểm tra thực tiễn tại Hải Phòng và Quảng Ninh.
Theo đó, qua kiểm tra đã phát hiện có vấn đề bất cập, phát sinh trong hoạt động đăng ký kiểm tra, xác nhận chất lượng nhập khẩu với một vài mặt hàng trong khoảng trên 4.800 dòng sản phẩm thức ăn chăn nuôi nhập khẩu.
Cụ thể là các hàng rời (hàng xá)như: Ngô hạt, khô đậu tương, lúa mì… có chung một nguồn gốc do nhiều chủ hàng nhập khẩu và chở trên cùng một con tàu, nhưng khi về tới cảng thì các chủ hàng đều muốn đưa hàng về kho của đơn vị để tránh lưu kho cảng, nên buộc các đơn vị kiểm tra phải đến lấy mẫu kiểm tra, xác nhận chất lượng tại kho của các doanh nghiệp cho từng lô hàng chứ không thể xác nhận cho cả tàu hàng, đã làm phát sinh chi phí và thời gian kiểm tra.
Để khắc phục bất cập này, Cục Chăn nuôi cho biết đã làm việc với cơ quan hải quan cửa khẩu và thống nhất sẽ yêu cầu các cơ quan kiểm tra và doanh nghiệp nhập khẩu tăng cường phối hợp trong hoạt động đăng ký kiểm tra, xác nhận chất lượng với các nhóm hàng thức ăn chăn nuôi là hàng xá có cùng một nguồn gốc (nhà cung cấp) chở trên cùng một tàu thì phải lấy mẫu kiểm tra chất lượng ngay tại cảng trước khi các doanh nghiệp đưa hàng về kho.
Đồng thời, kinh phí kiểm tra sẽ được chia đều cho các doanh nghiệp theo khối lượng hàng nhập khẩu, sẽ giảm được thời gian và chi phí kiểm tra chung với nhóm mặt hàng này.
Trước mắt để khắc phục được ngay tình trạng này thì các doanh nghiệp nhập khẩu có chung vận đơn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu nêu trên phải cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, chủ hàng trước khi tàu cập cảng Việt Nam gửi đơn vị kiểm tra tiến hành phương án kiểm tra chung cho tàu hàng.
Còn về lâu dài, theo Cục Chăn nuôi các doanh nghiệp nhập khẩu nên ủy thác cho một đại diện hợp pháp đứng ra ký hợp đồng thương mại với nhà cung cấp để vừa có được các chính sách khuyến mại ưu đãi vừa thuận lợi cho công tác kiểm tra thông quan.
Trong tổng số 345 điều kiện đầu tư, kinh doanh, Bộ NN-PTNN đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118 điều kiện (chiếm 34,2%); trong đó bãi bỏ 65 điều kiện, sửa đổi theo hướng rút gọn 53 điều kiện. Đồng thờitổ chức rà soát sâu hơn đối với 508 thủ tục hành chính còn hiệu lực và đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa 287 thủ tục hành chính (chiếm 56,5 %), gồm: bãi bỏ 81 thủ tục, đơn giản hóa 205 thủ tục.
Về hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ, hiện nay, các cơ quan thuộc Bộ thực hiện 40 thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành gồm 32 thủ tục liên quan đến hàng hóa nhập khẩu và 8 thủ tục liên quan đến hàng hóa xuất khẩu.